Đối thoại số |Số 11|: Xây dựng Quốc hội điện tử

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, xây dựng Quốc hội điện tử là yêu cầu tất yếu. Việc xây dựng và vận hành Quốc hội điện tử trên phạm vi toàn cầu đã cho thấy có những bài học rất thành công, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, tăng cường sự tham gia của người dân vào các quyết định của Quốc hội.

Tại Việt Nam, nền móng cho Quốc hội điện tử đã được nhen nhóm từ năm 2019. Chương trình Hành động của Đảng Đoàn Quốc hội đã nhấn mạnh: Đẩy nhanh việc xây dựng Quốc hội điện tử; Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, chia sẻ dữ liệu điện tử giữa các cơ quan nhà nước, đồng bộ xây dựng Quốc hội điện tử với Chính phủ điện tử. 

Điều hành họp Quốc hội bằng công nghệ và trí tuệ nhân tạo là xu hướng của xã hội hiện đại. Tại Kỳ họp thứ 7, nhiệm kỳ XIV, Quốc hội thí điểm tất cả file âm thanh được chuyển thành chữ chạy trên màn hình của chủ tọa. Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, việc điều hành của chủ tọa được thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, thời điểm này, mỗi đại biểu được cung cấp thiết bị điện tử có cài đặt các phần mềm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để có thể tham khảo tài liệu của kỳ họp, thậm chí có thể chuyển từ giọng nói thành văn bản, thuận tiện hơn trong việc tra cứu luật, tìm kiếm thông tin...

Đến năm 2020, với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, chính giai đoạn khó khăn này Quốc hội đã ghi dấu đổi mới đậm nét, mở ra giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ bằng việc họp trực tuyến.

Cùng với đó là cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ các đại biểu Quốc hội thông qua máy tính bảng cá nhân thay vì hình thức tài liệu giấy truyền thống, giảm tải lượng lớn các tài liệu in ấn, tiến tới một “Quốc hội không giấy tờ".

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Quang Anh