Đối thoại chính sách: Sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trên tinh thần lấy người bị bạo lực làm trung tâm

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008. Sau gần 15 năm thực hiện, luật đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình.

Tuy nhiên, cho đến nay, bạo lực gia đình vẫn là một vấn đề nhức nhối, nan giải. Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, có đến 63% phụ nữ từng phải chịu một hay nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời. 

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành còn tồn tại nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội, đặc biệt là vấn đề trách nhiệm và công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Và tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã được đưa ra thảo luận với mong muốn tạo nên khung khổ pháp lý hoàn chỉnh để giải quyết vấn đề bạo lực gia đình. Xuyên suốt quá trình chỉnh sửa luật, cách tiếp cận lấy người bị bạo lực làm trung tâm đã luôn được xem xét và áp dụng. 

Cùng bàn luận về các vấn đề quan trọng đặt ra đối với việc sửa đổi đạo luật có tác động đến mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội này, chúng tôi đã mời đến trường quay 2 vị khách:

1. Ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ Trưởng Vụ Gia đình – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch;

2. Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA

Mời các bạn theo dõi cuộc trao đổi!

Gia đình là tế bào của xã hội, là chỗ dựa về tinh thần và vật chất cho mỗi thành viên, là nơi để mọi người được thể hiện, bày tỏ tình yêu thương, sự chia sẻ dành cho nhau; gia đình còn là nơi tiếp thu, giữ gìn và lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước, do vậy
công tác phòng chống bạo lực gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng được nhiều gia đình hạnh phúc, ấm no, bình đẳng làm nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững của xã hội.

Hy vọng rằng, dự án Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ bao quát được việc phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới, khắc phục được hạn chế vướng mắc của những quy định pháp luật, đảm bảo việc sửa đổi luật lần này góp phần tốt hơn việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, của dân tộc; thúc đẩy sự phát triển KTXH của đất nước cũng như kịp thời bảo vệ người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, tăng cường sự đóng góp và tham gia của toàn xã hội, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tổ chức cá nhân trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Vân Hương – Như Thảo