Đối thoại chính sách: Cần tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho dinh dưỡng học đường

Một trong những trụ cột chính của Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 là dinh dưỡng học đường - lĩnh vực vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm, đặc biệt là về an toàn thực phẩm. Theo các chuyên gia, đại diện nhà quản lý và doanh nghiệp, về lâu dài, rất cần phải luật hóa các quy chuẩn về dinh dưỡng học đường, tạo hành lang pháp lý vững chắc và thống nhất trong quản lý lĩnh vực này.

Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng gấp 2,2 lần (từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020). Gánh nặng kép về dinh dưỡng ở tuổi học đường và tiền học đường gồm thiếu và thừa dinh dưỡng là cửa ngõ của nhiều bệnh mãn tính không lây nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ em, học sinh. Bên cạnh đó, tầm vóc thanh niên Việt Nam cũng hạn chế. Chiều cao bình quân của thế giới là 177cm với nam và 164cm với nữ, trong khi đó ở Việt Nam con số này lần lượt là 168cm và 156cm, mặc dù đã nỗ lực cải thiện trong nhiều năm qua. Đáng chú ý, có sự chênh lệch giữa các vùng, nhất là vùng núi, vùng khó khăn và nông thôn với thành phố, đồng bằng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi ở miền núi phía Bắc là 30,3% và Tây Nguyên là 34,2%.

Cả nước hiện vẫn còn gần 40% số trường có bếp ăn tập thể, căng tin chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Đội ngũ cán bộ cấp dưỡng trong trường học chưa được đào tạo bài bản, thực đơn bữa ăn chưa khoa học. Công tác tổ chức bữa ăn bán trú còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các trường, điểm trường vùng sâu, vùng xa, miền núi, do điều kiện kinh tế còn hạn chế. 

Về giáo dục thể chất và thể thao trường học, việc thiếu đầu tư cơ sở vật chất cũng là một trong những nguyên nhân chưa thu hút được đông đảo học sinh tham gia tập luyện thể dục, thể thao…

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, trẻ em từ 2 - 12 tuổi là thời kỳ vàng. 86% chiều cao của một người phụ thuộc vào sự phát triển ở độ tuổi này. Do vậy, dinh dưỡng, thể lực học đường nói riêng và Sức khỏe học đường nói chung là những việc cần làm bài bản nhất nếu muốn có những thế hệ khỏe mạnh toàn diện cả về thể lực và trí lực.

Cùng bàn luận về việc đảm bảo dinh dưỡng học đường hiện nay và nếu luật hóa quy chuẩn dinh dưỡng học đường sẽ mang lại lợi ích gì với 2 chuyên gia, bà Nguyễn Thị Mai Thoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hộiPhó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Bùi Thị Nhung - Chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng học đường và Ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế.

BỮA ĂN HỌC ĐƯỜNG – CHUNG TAY VÌ MỘT THẾ HỆ VÀNG

Có thể thấy, đảm bảo cho dinh dưỡng mỗi bữa ăn hằng ngày của trẻ được cải thiện cả về chất lượng và số lượng luôn là một thách thức lớn. Để xây dựng được một mô hình phòng chống thừa cân, béo phì hay suy dinh dưỡng, các nhà trường phải lên những kế hoạch dài hạn và thiết thực. Chúng tôi giới thiệu tới quý vị một trong những mô hình đã được triển khai hiệu quả trong thời gian qua để hiểu rõ hơn về đảm bảo dinh dưỡng học đường hợp lí cho trẻ.

Trường mầm non Sơn Ca ở thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam là một trong 20 trường thuộc 10 tỉnh, thành phố trên cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn thực hiện mô hình điểm Bữa ăn học đường năm học 2020- 2021. Mô hình này do Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức với sự tham gia tư vấn của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng cùng đơn vị đồng hành là Tập đoàn TH. Các bộ thực đơn xây dựng trong mô hình sẽ được tuỳ chỉnh linh hoạt, phù hợp với từng địa phương. 

Cô giáo PHAN THỊ THUẬN, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam: Bữa ăn chính là ăn trưa, có cả bữa ăn xế, trực tiếp giám sát của các cô giáo ở Bộ, lên thực đơn, xây dựng thực phẩm dựa trên sẵn có ở địa phương. Trường cũng xây dựng lại và điều chỉnh cho đảm bảo với thực tế vùng miền.”

Anh LÊ ĐỖ TUẤN KHƯƠNG, Phụ huynh học sinh: “Bữa ăn dinh dưỡng đã tập cho cháu có thói quen ăn rau, củ và tự ăn không như trước. Việc kết hợp vừa ăn vừa vận động rất tốt cho các cháu. Các cháu có sự thay đổi về thể chất rõ rệt.”

Đây là mô hình với sự kết hợp của các Bộ, ban ngành và sự quan tâm sát sao của Chính phủ đối với học sinh, sinh viên trên cả nước. Trong đó, tập đoàn TH là doanh nghiệp tiên phong khởi xướng đề án "Dinh dưỡng người Việt", đồng hành với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, triển khai Mô hình điểm với mục tiêu cải thiện tầm vóc việt, thể lực trẻ em lứa tuổi vàng, dinh dưỡng lành mạnh cho người Việt, vì sức khỏe cộng đồng.

Bà THÁI HƯƠNG, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH: "Tiếp tục đồng hành và hỗ trợ cho thêm 20 trường. Bên cạnh đó có sự đồng hành của Chính phủ...."

Mô hình đã cung cấp 400 thực đơn được xây dựng cân đối, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn, phù hợp với khẩu vị, đạt được sự yêu thích của học sinh và gia đình. Mô hình cũng xây dựng được 2 nhóm bài tập và trò chơi tăng cường hoạt động thể lực phù hợp lứa tuổi, đã thu hút được sự tham gia tích cực của trẻ. Thực tế triển khai cho thấy, sau can thiệp chiều cao trẻ tăng 3,6cm; tỷ lệ thừa cân, béo phì của nhóm can thiệp đã giảm xuống còn 2,68% đối với Học sinh mầm non và 2,63% đối với học sinh tiểu học. Khi mô hình này tổ chức thành công sẽ góp phần gắn kết với Đề án sức khỏe học đường mà Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, từ đó đóng góp rất lớn vào việc xây dựng Luật Dinh dưỡng trong thời gian tới.

QUY ĐỊNH VỀ BỮA ĂN HỌC ĐƯỜNG TẠI MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

Thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, Mô hình bữa ăn học đường đã đưa ra những giải pháp đột phá trong tương quan giữa hai trụ cột quan trọng của sức khỏe học đường, đó là dinh dưỡng và thể lực, kết hợp dinh dưỡng lành mạnh và tăng cường vận động tối ưu đồng thời có sự tham gia và phối hợp chặt chẽ của giáo viên, cấp dưỡng viên, phụ huynh. Mặc dù đã có kết quả rõ rệt song theo nhiều chuyên gia, các quy chuẩn về dinh dưỡng học đường hiện vẫn chưa rõ ràng và tản mạn. Tại nhiều quốc gia từng triển khai thành công chương trình dinh dưỡng và bữa ăn học đường trên thế giới cho thấy, muốn trẻ nâng cao tầm vóc, thể lực thì chất lượng/thực đơn bữa ăn học đường thực sự phải được chuẩn hóa. 

  • Tại Mỹ, Chương trình Bữa trưa Học đường Quốc gia được triển khai ở gần 100.000 trường tư thục công lập và phi lợi nhuận và các cơ sở chăm sóc trẻ em trong khu dân cư. Trong năm tài chính 2020, trung bình mỗi ngày có 22,6 triệu trẻ em tham gia chương trình. Tổng chi phí cho chương trình lên tới 10,4 tỷ đô la. 

Cơ quan Dịch vụ Thực phẩm và Dinh dưỡng của Bộ Nông nghiệp Mỹ quản lý chương trình này và hoàn trả chi phí các bữa ăn được phục vụ cho học sinh cho các trường tham gia và các cơ sở chăm sóc trẻ em trong khu dân cư. Bất kỳ học sinh nào trong một trường tham gia đều có thể nhận được bữa trưa thuộc chương trình. Các bữa ăn được phục vụ thông qua Chương trình Bữa trưa Học đường Quốc gia phải đáp ứng các tiêu chuẩn dinh dưỡng của Liên bang, đã được cập nhật trong một đạo luật ban hành hồi năm 2010. 

  • Ở Nhật Bản, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản cho biết: Theo quy định của Luật Bữa trưa Học đường, đây là bữa ăn bắt buộc các trường phải thực hiện. Chính quyền các địa phương phải nỗ lực thúc đẩy sự lan tỏa và phát triển lành mạnh của các chương trình này.

Về nguồn tài chính cần thiết cho các chương trình ăn trưa ở trường, luật cũng quy định rằng các cơ quan thành lập trường học chịu trách nhiệm về cơ sở vật chất, thiết bị và tiền lương, còn các bậc cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em phải chịu chi phí thực phẩm và chính phủ quốc gia sẽ cung cấp các khoản bổ sung cần thiết.
Để làm phong phú thêm chương trình bữa trưa học đường, các món ăn đặc sản của địa phương và các món ăn từ các thành phố kết nghĩa, v.v. đã được phục vụ trong bữa ăn trưa ở trường. 

Để đưa ra lời khuyên cho việc nâng cấp bữa trưa ở trường, hệ thống quản lý "môi trường ăn trưa ở trường", v.v., kể từ năm 1973, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản đã chỉ định mười trường học hàng năm cho các nghiên cứu cải cách bữa trưa ở trường và thực hiện các dự án nghiên cứu điều tra thực tế thông qua các trường này.

  • Tại Australia, theo Website của chính quyền bang New South Wales, Australia, tất cả các trường học nên khuyến khích ăn uống lành mạnh và dinh dưỡng tốt. Căng tin trường học được yêu cầu thực hiện Chiến lược căng tin trường học lành mạnh New South Wales. 

Căng tin trường học được yêu cầu thực hiện Chiến lược Căng tin trường học lành mạnh, bao gồm các tiêu chí về đồ ăn và thức uống. Việc đánh giá được thực hiện bằng việc kiểm tra Thực đơn căng tin 3 năm một lần mà các trường sẽ thực hiện. Theo Chiến lược căng tin trường học lành mạnh, đồ uống có đường không được bán cho học sinh.
Các trường có bậc học mầm non phải tuân theo các quy trình của Quy định Quốc gia về Dịch vụ Giáo dục và Chăm sóc (Quy định 77-80) và hướng dẫn nêu trong Tiêu chuẩn Chất lượng Quốc gia để đảm bảo thực hành ăn uống lành mạnh được thúc đẩy. 

Tất cả các nhà điều hành căng tin phải thông báo cho hội đồng địa phương về chi tiết hoạt động chế biến thực phẩm của họ. Tất cả các căng tin sẽ cung cấp dịch vụ thực phẩm an toàn và hợp vệ sinh và tuân thủ Bộ luật Tiêu chuẩn Thực phẩm Úc New Zealand, Đạo luật Thực phẩm 2003 của NSW và Quy định Thực phẩm 2010 của NSW.

Có thể thấy, dinh dưỡng học đường đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao thể chất, tầm vóc và trí tuệ cho học sinh Việt Nam. Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 thể hiện sự quyết tâm và khát vọng của quốc gia vào việc chăm sóc cho thế hệ tương lai, được kỳ vọng mang đến thay đổi tích cực và toàn diện cho gần 23 triệu học sinh cả nước. Đây là bước khởi đầu cho một chương trình thiết thực, tổng thể và dài hạn về sức khỏe học đường, quy mô lớn nhất từ trước đến nay, lựa chọn các nội dung ưu tiên đối với sức khỏe trẻ em, học sinh trên cả nước. Song, theo các chuyên gia, về lâu dài rất cần luật hóa các quy chuẩn về dinh dưỡng học đường, tạo hành lang pháp lý vững chắc và thống nhất trong quản lý lĩnh vực này. Luật Dinh dưỡng học đường đang dần trở nên cấp thiết. Luật ra đời mới có thể kiểm soát hiệu quả vấn đề an toàn thực phẩm và bảo đảm dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ em, góp phần dự phòng và giảm các bệnh mãn tính không lây.

 

Thực hiện : Hà Lan