Đổi mới sách giáo khoa: Liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn sách giáo khoa không?

Thảo luận về chương trình giám sát năm 2022 đa số ý kiến Đại biểu Quốc hội bày tỏ sự tán thành việc giám sát thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Đồng thời cho rằng đây là vấn đề lớn, tác động rộng, cần giám sát tối cao của Quốc hội chứ không nên thu hẹp trong phạm vi giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như tờ trình.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đoàn Đà Nẵng, trong những năm qua, ngành Giáo dục đã có nhiều cố gắng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Mặc dù vậy, dư luận cũng còn nhiều ý kiến khác nhau về một số kết quả triển khai, nhất là vấn đề SGK và môn lịch sử.

Bà NGUYỄN THỊ KIM THÚY, Đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng: “Có những vấn đề báo chí và Đại biểu Quốc hội đã đặt ra suốt từ kỳ họp trước đến kỳ họp này nhưng chưa được giải quyết như những sai sót trong cả ba bộ sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 6 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Những bất cập trong Thông tư số 25 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về lựa chọn sách giáo khoa dẫn đến việc bỏ qua quyền lựa chọn dân chủ của cơ sở giáo dục; vai trò hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc lựa chọn sách giáo khoa để bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch, không ảnh hưởng xấu đến chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Thậm chí đã có câu hỏi: “Liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn sách giáo khoa không?”"

Đồng quan điểm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Anh Trí đoàn Hà Nội cũng cho rằng vấn đề đổi mới chương trình và đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông là nội dung cốt lõi của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, trước những bất cập trong thời gian qua, cần phải được giám sát lại thật đúng đắn cái được, cái chưa được để từ đó đề xuất những điều chỉnh.

Ông NGUYỄN ANH TRÍ, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội: “Trên thực tiễn cho thấy cử tri đang rất bức xúc về các chương trình giáo dục phổ thông có nhiều điểm không phù hợp. Đặc biệt trong thời gian vừa qua đó là vấn đề dạy và học môn Sử, cực kỳ bức xúc trong toàn xã hội. Sách giáo khoa khi thì in sai, ngôn từ còn nhiều chỗ không phù hợp, hình ảnh chưa được chuẩn mực. Nhiều bộ sách giáo khoa đã được đề nghị sử dụng, vì quá nhiều bộ sách được đề nghị sử dụng cho nên gây ra sự lúng túng trong việc lựa chọn, không chỉ đối với phụ huynh, thậm chí ở các trường, các sở giáo dục.”

Ông NGUYỄN VĂN HUY, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình: “Theo mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới, cùng với đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trường, lớp thì chương trình sách giáo khoa được cấu thành chất lượng giáo dục. Theo đánh giá từ các báo cáo thì khâu tổ chức biên soạn sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương còn chậm so với tiến độ đề ra, quá trình triển khai thực hiện Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 còn bộc lộ nhiều bất cập, nhất là khi thời gian qua cử tri và dư luận đang có những ý kiến về việc dạy và học môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.”

Đại biểu cũng cho rằng, việc giám sát tối cao việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 sẽ đưa ra những đánh giá tổng thể, toàn diện và kịp thời tìm ra những giải pháp thiết thực để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông trong những năm tới.