Đổi mới giáo dục đi đôi nâng cao chất lượng cuộc sống giáo viên

Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông đã triển khai 3 năm, bước đầu đạt được những kết quả đáng kể ở nhiều địa phương. Riêng TPHCM - địa phương được đánh giá là có nhiều điều kiện cũng như quyết liệt triển khai đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông thì vẫn còn nhiều vướng mắc. Chế độ đãi ngộ với giáo viên hiện còn thấp, không phù hợp với tình hình mới.

Đó là một trong nhiều nội dung tại buổi làm việc của lãnh đạo TPHCM với Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện NQ 51 và NQ 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông diễn ra sáng nay 27/3. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc làm việc.

Theo lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM, hiện toàn thành phố thiếu khoảng 15.000 giáo viên các cấp nhưng cơ chế tuyển giáo viên lại không khả thi.

Giáo viên thiếu, thế nhưng, tỉ lệ học sinh đầu cấp mỗi năm lại tăng do quá trình di dân ngày một cao, áp lực đè nặng lên giáo viên đứng lớp. Hơn nữa, số giáo viên được đào tạo chính quy theo chương trình giáo dục phổ thông mới lại chưa tốt nghiệp. Vừa dạy vừa bồi dưỡng là thực tế đang diễn ra.

Thành phố HCM đề xuất với Quốc hội, Chính phủ sớm xây dựng cơ chế, chính sách cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày. Đồng thời, có thêm nhiều chính sách đãi ngộ cho giáo viên cơ hữu và hợp đồng, đặc biệt là những môn năng khiếu.

Trước mắt, ngành giáo dục thành phố tiếp tục tăng cường tuyển dụng giáo viên các bộ môn Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật song song với việc tham mưu UBND TPHCM trình HĐND TPHCM chính sách thu hút giáo viên các môn đặc thù.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Hải Triều