Đổi mới giám sát: Nêu đích danh những "địa chỉ" tổ chức thực hiện yếu

Thời gian qua, các đoàn giám sát của Quốc hội đã đổi mới phương thức, nội dung hoạt động, với việc chỉ rõ địa chỉ, nêu trách nhiệm trong thực hiện chính sách. Qua giám sát, bước đầu cho thấy, đã có những động thái chuyển biến tích cực để ngăn lãng phí tiếp tục kéo dài.

Phương châm đổi mới “giám sát có trọng tâm, trọng điểm” của Quốc hội đã và đang được cử tri và nhân dân đánh giá cao, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động này.

Hơn 2.500 tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 nhưng hiện cơ sở này vẫn bỏ hoang. Trong khi đó, Bệnh viện này hàng ngày quá tải, với trung bình 6.000-8.000 người đến khám bệnh mỗi ngày. Tại các khu điều trị, bệnh nhân phải nằm ghép giường đôi, thậm chí ghép 3. Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 cũng cùng chung số phận, sau khi được đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng. Lãng phí từ các công trình nghìn tỷ kéo dài nhiều năm, khiến dư luận không khỏi xót xa.

PGS.TS ĐÀO XUÂN CƠ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: "Không chỉ có người dân mà các cán bộ y tế BV Bạch Mai và Việt Đức, chúng tôi cũng rất mong chờ 2 dự án này hoàn thiện để đưa vào sử dụng,... tuy nhiên đến nay đã 8 năm rồi thì 2 bện viện vẫn chưa đưa vào sử dụng được…Chúng tôi hy vọng với nhiệm vụ chức năng của mình, các Đoàn GS của QH sẽ thúc đẩy các dự án này sớm đi vào hoạt động."

Hoạt động giám sát phải làm “đến nơi đến chốn”, ghi nhận được “hơi thở” cuộc sống để phản ánh tới nghị trường. Trên tinh thần đổi mới đó, Đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ rõ lãng phí trong đầu tư công đối với 2 dự án này. Sau cuộc giám sát, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp kiểm tra 2 dự án; yêu cầu thành lập Tổ công tác đánh giá lại toàn bộ quá trình thực hiện dự án và đề xuất giải pháp cụ thể.

GS.TS NGUYỄN ANH TRÍ, Thành viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội: "Các hoạt động giám sát xong thì có thể là địa phương, Chính phủ có chuyển động ngay để tổ chức điều chỉnh, xem xét, thúc đẩy tất cả những điều hoạt động giám sát đã kết luật. Cái này rất nổi bật, đã chọn rất đúng vấn đề, nhóm vấn đề để đi giám sát."

Trong năm 2022, Quốc hội, UBTVQH tiến hành 4 cuộc giám sát chuyên đề, trong đó, yêu cầu đặt ra là các cuộc giám sát phải chỉ rõ địa chỉ, nêu rõ trách nhiệm. Vì vậy, trong quá trình tiến hành giám sát tại các Bộ, ngành, địa phương, các Đoàn giám sát đã triển khai có trọng tâm, trọng điểm, chỉ rõ những điển hình cụ thể, những nơi còn yếu kém trong tổ chức thực hiện.

Ông BÙI VĂN CƯỜNG, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: "UBTVQH cũng đã xem xét, cho ý kiến chi tiết kế hoạch, đề cương trong báo cáo của các Đoàn GS chuyên đề; sử dụng tối đa các kết luận của các cơ quan như Thanh tra, Kiểm toán, Kiểm tra; lựa chọn các địa phương sau khi đã xem xét các báo cáo; thành lập các Tổ công tác để làm việc với các cơ quan, địa phương trước khi đoàn gs xuống giám sát, thì rõ ràng những đổi mới này đã góp phần rất quan trọng vào nâng cao hiệu quả gs của Quốc hội."

Hiệu quả giám sát sẽ là thước đo việc đổi mới hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn và nguyện vọng của cử tri. Phương châm “giám sát có trọng tâm, trọng điểm” sẽ giúp cho hoạt động giám sát của Quốc hội có “sức nặng” hơn, đã “giám sát” là sát thực tế, sát trách nhiệm và tạo chuyển biến.

Khắc Phục