Độc đáo hiện tượng hồi sinh di sản đô thị để bổ sung vào thiết chế văn hóa

Tìm hiểu về lịch sử đô thị Việt Nam, có thể thấy quá trình phát triển đô thị là sự “chồng lớp”, với xu hướng thay thế di sản thời đại trước bằng các công trình của thời hiện tại. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu không đồng tình trước sự pha trộn yếu tố truyền thống và hiện đại. Bên cạnh đó, nhiều nhà chuyên môn (và cả công chúng) đều mong muốn di sản được hồi sinh.

Đây là Trung tâm Giao lưu văn hoá phố cổ Hà Nội. Trong tổng thể một công trình mang vóc dáng hiện đại, trẻ trung, ta dễ dàng nhận ra một chi tiết có phần khác lạ - đó là mảng tường cũ,  được bảo tồn, gắn liền với kiến trúc chung, để trở thành một phần của tòa nhà mới. Nơi này từng là rạp tuồng Lạc Việt (còn có các tên gọi khác là Hiệp Thành, Sán Nhân Đài), được xây dựng vào đầu  thế kỷ XX.

Sinh viên NGUYỄN MINH THƯ, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội:

Công trình này vẫn còn giữ lại được bức tường của rạp hát Lạc Việt ngày xưa. Nó giống như là một sợi dây kết nối giữa công trình cũ và công trình hiện tại.”

Trung tâm Giao lưu văn hoá phố cổ  thường xuyên có các nhóm sinh viên đến tham quan và tham khảo tư liệu học tập.  Ở đây, cả ba tầng nổi và một tầng hầm của tòa nhà được phân chia theo các chức năng chính là trưng bày triển lãm định kỳ;  giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển khu phố cổ;  tổ chức hội thảo hoặc biểu diễn, giao lưu nghệ thuật… Được biết, nhóm kiến trúc sư lập đồ án đã phải thuyết phục các chuyên gia bảo tồn khá lâu, mới có được sự đồng thuận về phương án bảo tồn  như một phép ẩn dụ, gợi nhớ về ký ức.  Là những bạn trẻ theo học chuyên ngành liên quan đến lịch sử - văn hóa, các bạn sinh viên này cũng cảm nhận được  tính đa nghĩa của hai tiếng “bảo tồn”.

Sinh viên NGUYỄN MINH THƯ, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội: “Theo ý kiến của em, đối với di tích thì chúng ta nên có những biện pháp bảo tồn nguyên vẹn; còn đối với di sản thì chúng ta nên ứng biến linh hoạt, và có những phương thức phù hợp với từng hoàn cảnh, tùy từng công trình khác nhau”. 

Trên lộ trình phát triển đô thị, những di sản kiến trúc nếu được “hồi sinh” hiệu quả sẽ mang lại lợi ích cả về thu nhập lẫn đời sống tinh thần. Có thể nêu thêm đơn cử về một công trình được bảo tồn bằng sự linh hoạt, sáng tạo, vừa phát huy tốt công năng mới, vừa không đánh mất những giá trị cũ xưa. Đó là không gian văn hóa Hội quán Quảng Đông -  nơi thực sự gìn giữ được di sản trong dòng chảy cuộc sống, trở thành điểm đến yêu thích của mọi tầng lớp và lứa tuổi.

Ông PHẠM TUẤN LONG, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội: “Với việc bảo tồn thì cái phần chúng tôi quan tâm, đó là phát huy giá trị của các công trình này, đồng thời bổ sung vào mạng lưới thiết chế văn hóa tại cơ sở cho Chính quyền địa phương; nhất là đối với quận Hoàn Kiếm là địa bàn rất chật hẹp, quỹ đất để bổ sung được các thiết chế văn hóa tại cơ sở là rất khó khăn”. 

 Chúng ta có thể vừa lưu giữ những tư liệu về di sản trong quá khứ, vừa nghiên cứu, tìm ra những phương án bảo tồn hợp lý, mang dấu ấn của nhịp sống hiện đại. Bởi  muốn hồi sinh, để di sản có thể sống cùng nhịp điệu chung trong thành phố,  thì  việc bảo tồn không phải lúc nào cũng nhất thiết phụ thuộc 100% nguyên bản,  mà nên chăng, cần bảo tồn phần cốt lõi (thay vì bảo tồn nguyên trạng toàn bộ công trình). Có thể cân nhắc đưa thêm vào những ứng dụng sáng tạo,  tránh  tình trạng di sản thì nằm “đắp chiếu”, trong khi người dân quanh vùng không có việc làm, và kinh tế địa phương còn khó khăn.

Thiện Đoan