Doanh nghiệp chờ đợi động thái của Chính phủ nhằm kéo giảm chỉ số giá tiêu dùng, kiểm soát lạm phát

Áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm là rất lớn, nhưng với mục tiêu tăng trưởng năm đạt 7% và lạm phát được kiểm soát dưới 4%, Chính phủ cần tăng cường các gói kích thích, hỗ trợ để doanh nghiệp vừa phục hồi, vừa bình ổn được giá cả.

Số liệu của Bộ Kế hoạch đầu tư, GDP 6 tháng tăng 6,42%, quý II tăng 7,72%, cao nhất trong hơn 1 thập kỷ. Kết quả này là minh chứng cho bức tranh kinh tế khởi sắc và nhiều lĩnh vực đang đà phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong vĩ mô, kinh tế vẫn rất cần những động thái mới của Chính phủ để ổn định những tháng còn lại. 

PGS.TS. TRẦN HOÀNG NGÂN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM: “Chúng ta có dư địa để tăng các gói kích kinh tế, tăng các gói hỗ trợ ansinh xã hội và tăng các gói góp phần giảm thuế, phí để ổn định kinh tế vĩ mô. Vì lẽ đó tôi tin tưởng vào điều hành của Chính phủ trong thời gian tới sẽ giúp kinh tế Việt Nam phục hồi và phục hồi rất là nhanh và đảm bảo được kinh tế vĩ mô.”

Áp lực lạm phát hiện nay là do chi phí đẩy, chỉ số giá bình quân (CPI) 7 tháng đầu năm 2022 chỉ tăng 2,54% chủ yếu do giá nhiên liệu đầu vào. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tiếp tục đà phục hồi nên rất cần các chính sách hỗ trợ tiếp theo từ Chính phủ, đặc biệt trong những tháng còn lại.

Ông TRẦN VIỆT ANH, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM: “Cần sự hỗ trợ của Chính phủ đó là hỗ trợ về lãi suất tín dụng, hỗ trợ tất cả các chính sách liên quan đến phí khác, chúng ta không nên thay đổi và không tăng thu về những cái phí mà có cái đột biến nữa. Và đặc biệt những chính sách chúng ta đã ban hành thì cố gắng thực thi sớm hơn và đầy đủ hơn đến người lao động.”

Dù giá nhiên liệu trong nước giảm mạnh, tuy nhiên nhiều mặt hàng thiết yếu trong nước tiếp tục neo ở mức cao. Các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng bình ổn thị trường vẫn chờ các động thái mới từ Chính phủ để điều chỉnh giá phù hợp, kéo giảm chỉ số giá tiêu dùng. 

Ông NGUYỄN ĐĂNG PHÚ, Phó Tổng Giám đốc VISSAN: “Trên cơ sở những chính sách hợp lý, đúng đắn của Chính phủ, các doanh nghiệp sẽ giảm giá thành ngay từ đầu vô để như những doanh nghiệp tham gia bình ổn là những doanh nghiệp có sản xuất, phân phối và cung ứng thì tới lúc đó trên cơ sở điều tiết giảm chi phí đưa ra thị trường giá hợp lý nhất.”

Để mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 7%, kiểm soát lạm phát dưới 4%, tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, Chính phủ cần ổn định kinh tế vĩ mô, linh hoạt, đồng bộ các chính sách tiền tệ, tài khoá.

Phạm Quyền