Đoàn giám sát của Quốc hội 'chọn việc nổi cộm' để làm việc với 15 bộ và 6 địa phương

Chiều 31/3, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã chủ trì Phiên họp thứ 2 Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” nhằm quán triệt Kết luận của UBTVQH và cho ý kiến về nội dung, phương pháp tiến hành giám sát tại các bộ, ngành, địa phương.

Theo kế hoạch, Đoàn giám sát sẽ tổ chức đoàn công tác làm việc và giám sát tại 15 bộ, cơ quan trung ương gồm: Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Công an, Nội vụ, Giao thông vận tải, Công thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo. Tổ chức các đoàn công tác làm việc và giám sát 6 địa phương gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Giang, Lâm Đồng, Long An. Ngoài ra, đoàn dự kiến tổ chức các nhóm khảo sát chuyên đề tại 9 địa phương khác gồm: Ninh Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang.

Nội dung giám sát bám sát các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các luật, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Cùng với đó, tập trung vào các nhóm vấn đề mà UBTVQH đã cho ý kiến và lựa chọn giám sát những vấn đề nóng, trọng tâm được dư luận quan tâm như: lãng phí trong quản lý sử dụng đất đai, đất hoang hóa, đất sai phạm, các dự án treo, lãng phí tài sản công… Thời gian dự kiến vào các tháng 4, 6, 7/2022.

Trên tinh thần phân công cụ nhiệm vụ, các thành viên Đoàn giám sát đã trao đổi, góp ý về dự thảo Kế hoạch giám sát, khảo sát, trong đó có việc thành lập các Tổ công tác cũng như hình thức hoạt động; thảo luận, khu trú các vấn đề lớn khi giám sát, làm việc với các bộ, ngành, địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Tổ giúp việc tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các thành viên Đoàn giám sát, lưu ý việc giám sát phải bám vào luật gốc là Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các luật liên quan trên 5 lĩnh vực trọng tâm mà UBTVQH đã khoanh lại và 4 trọng điểm như: Đầu tư công; mua sắm công, chi tiêu công; quản lý sử dụng đất đai… Trưởng đoàn giám sát cũng nhấn mạnh sự cần thiết lựa chọn các vụ việc nổi cộm để tiến hành giám sát.

Thượng tướng TRẦN QUANG PHƯƠNG, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn Giám sát của Quốc hội: "Ta chọn việc nổi cộm đó là 2 mục đích, thứ nhất là chứng minh cho nhận định đánh giá của mình. Thứ 2 là chúng ta kiến nghị cho việc phải làm như thế nào tiếp theo. Thứ 3, nếu từ việc nổi cộm này cần sửa luật thì sửa, thậm chí nếu phát hiện vi phạm thì yêu cầu anh dừng và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, xử lý.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng quyết định thành lập các Tổ công tác giúp Đoàn giám sát trong tổ chức thực hiện. Tổ trưởng sẽ đề xuất các thành viên và chịu trách nhiệm tham mưu cho Đoàn giám sát để làm với các bộ, ngành, địa phương.

Trưởng đoàn giám sát cũng quán triệt về cách thức, trình tự Đoàn làm việc với các Bộ, ngành, địa phương. Nhấn mạnh tính quan trọng của chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các thành viên nắm rõ mục đích yêu cầu, phạm vi; căn cứ vào Kế hoạch giám sát và sự phân công, chủ động triển khai các nhiệm vụ của mình.

Quang Sỹ