Các đại biểu thảo luận về nguồn vốn cho hạ tầng giao thông

Trong số 291 nghìn tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, Chính phủ đề xuất chi cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông hơn 103 nghìn tỷ đồng. Đây là một hướng đi đúng mục tiêu của chương trình, bởi các công trình, mà điển hình là dự án cao tốc Bắc Nam sẽ có sức lan toả lớn.

Bà Vũ Thị Lưu Mai - Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội: “Gói chi cho đường cao tốc tôi tán thành, Việc chuyển đổi dự án PPP sang đầu tư công trong bối cảnh hiện nay là cần thiết, chứ nếu duy lý trí theo PPP sẽ mất rất nhiều thời gian và cơ hội”

Các đại biểu Quốc hội cho rằng: vốn cho một số dự án đường bộ cao tốc chưa có trong Kế hoạch; một số dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, rất khó có thể triển khai thực hiện và giải ngân ngay trong năm 2022-2023; Chính vì vậy, Chính phủ cần có chính sách điều hành để cân đối giải ngân nguồn vốn đúng thời điểm.

Ông Nguyễn Hữu Toàn - Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu: “Chương trình này chúng ta tập trung vào năm 2022, 2023, nhưng các dự án lại rơi vào 2024, 2025. Vậy đặt ra bài toán điều hành của Chính phủ là phải năng động và có những tính toán cụ thể”

Ông Trịnh Xuân An - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: “Dành 72 nghìn tỉ cho đường cao tốc Bắc - Nam.khi làm các dự án giao thông mục đích là cấp bách, giải ngân được ngay, đi vào cuộc sống giải quyết trong vòng 2 năm...Giải ngân cho y tế 14 nghìn tỷ trong vòng 2 năm mà bâu giờ thủ tục đầu tư mới bắt đầu làm thì sẽ như thế nào”

Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị: Chính phủ cần làm rõ phương án điều hòa nguồn vốn đầu tư công cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trong Kế hoạch và trong Chương trình.

Ông Nguyễn Trường Giang - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk: “Thời điểm giải ngân nguồn vốn này là 2 năm, sau đó mấy năm nữa mới triển khai. Mà chương trình này chỉ có trong 2022-2023 thì hiệu quả chính sách này không đạt được mục tiêu. Cho nên chỗ này có thể tập trung, kết nối đầu tư trung hạn, với những dự án chưa bố trí được nguồn vốn thì lấy gói này”

Để bảo đảm thực hiện hiệu quả, thành công các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Chương trình, nhất là trong bối cảnh yêu cầu cấp thiết, phạm vi cần tác động ngay, Chính phủ đề xuất cho phép thí điểm áp dụng 03 chính sách đặc thù đối với các dự án đầu tư công trong phạm vi Chương trình.  Đó là: Chính sách thí điểm áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ và gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; Chỉ định thầu xây lắp kèm theo yêu cầu tiết kiệm khoảng 5% dự toán giá trị gói thầu để đẩy nhanh công tác đấu thầu và có thể lựa chọn được các nhà thầu tốt, nhất là các nhà thầu mạnh, đã thực hiện tốt các gói thầu thuộc Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, các doanh nghiệp xây dựng có uy tín; Xem xét thưởng tiến độ từ kinh phí tiết kiệm được cho các nhà thầu hoàn thành sớm tiến độ dự án từ 3 tháng trở lên. Đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát, kiểm toán, thanh tra nhất là trước, trong quá trình thi công xây dựng công trình./