Diễn tập tình huống cứu nạn, cứu hộ trong thảm họa, thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu

Việt Nam là quốc gia đứng ở vị trí thứ 6 về chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu. Trước mức độ nghiêm trọng này, đòi hỏi chúng ta cần phải nâng cao nhận thức, chủ động về nguồn lực, phương án, có các biện pháp thích hợp để sẵn sàng ứng phó với những tác động tiêu cực của thảm họa, thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra.

Đây là buổi diễn tập tình huống cứu nạn, cứu hộ trong thảm họa, thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu của Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, Bộ Công an diễn ra sáng 1/7.

Ông VŨ VĂN THỦY, Trưởng khoa Cứu hộ, cứu nạn, Trường Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, Bộ Công An: “Nắm bắt được những khó khăn khi tiếp cận thực tế nên chúng tôi đã đào tạo cho cán bộ chiến sĩ học viên của mình những bài học và vận dụng vào thực tế để không bỡ ngỡ với những tình huống. Những tai nạn, sự cố đòi hỏi mỗi cán bộ chiến sĩ không ngừng học tập để nâng cao bản lĩnh chính trị nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ và có sức khỏe, có lòng dũng cảm để thực hiện nhiệm vụ.”

Theo dự báo, thiên tai từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Thiệt hại do thiên tai gây từ đầu năm đến nay ước tính đã lên tới 2.400 tỉ đồng, gần bằng 1/2 thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra năm 2021. Công tác phòng chống thiên tai vì vậy sẽ cần tập trung vào giảm thiểu thiệt hại, tăng cường giải pháp thích ứng an toàn. 

Ông TRẦN QUANG ĐĂNG, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý dự báo, Tổng Cục khí tượng Thủy văn: “Theo dự báo của chúng tôi, với tác động của biến đổi khí hậu, trong thời gian tới những hiện tượng cực đoan sẽ xảy ra với tần suất nhiều hơn và hoạt động bất thường cũng như cường độ mạnh gây ra những tác hại lớn tới hoạt động phát triển kinh tế sản xuất và an ninh quốc phòng của Việt Nam do đó để ứng phó với biến đổi khí hậu chúng tôi mong muốn có sự vào cuộc chặt chẽ với các bộ ngành chính quyền các cấp để làm sao hạn chế được rủi ro do thiên tai gây ra.”

Hội thảo khoa học với chủ đề: “Công tác cứu nạn, cứu hộ trong thảm họa, thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu” do Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, Bộ Công an tổ chức sáng 1/7 nhấn mạnh công tác phòng, chống hơn lúc nào hết cần được nâng cao một cách chuyên nghiệp, bài bản, đặc biệt là trong  cảnh sát phòng cháy, chữa cháy- lực lượng nòng cốt trong công tác cứu nạn, cứu hộ. 

Thống kê cho thấy, 5 năm qua, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã trực tiếp tổ chức cứu nạn, cứu hộ 16.826 vụ sự cố, tai nạn; trực tiếp cứu được 3.397 người; tìm được 2.381 thi thể nạn nhân chuyển cho cơ quan chức năng xử lý; đã tổ chức hướng dẫn hàng chục nghìn người thoát khỏi nơi nguy hiểm; trong đó có nhiều vụ việc liên quan đến công tác cứu nạn, cứu hộ trong thảm họa, thiên tai. 

Bích Hạnh