Diễn đàn kinh tế: Luật Đất đai (sửa đổi) xóa bỏ bất bình đẳng trong bồi thường đất ở

Luật Đất đai năm 2013 đã quy định để được nhận bồi thường đất ở thì người có đất bị thu hồi thì phải đặt điều kiện không còn đất ở nào khác. Việc này đã tạo ra sự bất bình đẳng trong tiếp cận hình thức đền bù bằng đất ở giữa những người bị thu hồi đất với nhau.

Luật Đất đai 2013 quy định “Trường hợp không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở…” Như vậy Luật đã đặt ra điều kiện để được đền bù bằng đất. Vô hình chung, công nhận bồi thường bằng đất ở tốt hơn bồi thường bằng tiền. Việc kèm điều kiện cũng có nghĩa, người có đất bị thu hồi không được chọn hình thức nhận bồi thường. Ngược lại cơ quan thực thi có quyền áp đặt hình thức bồi thường, tạo điều kiện nảy sinh tiêu cực.

Điều 94 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định người có đất bị thu hồi “được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở hoặc bằng tiền hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi…”. Như vậy Dự thảo đã bỏ điều kiện để được nhận bồi thường bằng đất trong Luật 2013 nhưng lại không khẳng định người bị thu hồi đất được quyền chọn hình thức bồi thường. Không những vậy, quy định như Dự thảo có thể được hiểu là cơ quan thực thi có quyền áp đặt hình thực đền bù cho người bị thu hồi đất…Tức là cơ quan này còn được quyền chủ động hơn so với Luật 2013.

Thực tế đã có nơi chính quyền huyện trả lời dân rằng “việc bồi thường bằng đất tái định cư là nhà nước hỗ trợ chứ không phải bồi thường”. Nếu với Luật 2013 bị hiểu như vậy thì với quy định như Dự thảo, việc bồi thường dễ bị hiểu theo hướng: chính quyền được chủ động áp hình thức đền bù cho người có đất bị thu hồi. Vậy nên chăng Điều 94 Dự thảo sửa theo hướng người có đất bị thu hồi “được quyền chọn bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở hoặc bằng tiền …” Như vậy quyền được lựa chọn hình thức đền bù của người bị thu hồi đất sẽ được khẳng định rõ ràng. Từ đó mang lại sự công bằng hơn giữa những người bị thu hồi đất với nhau, đồng thời giảm thiểu ý chí cá nhân của người thực thi, hạn chế điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Cùng lắng nghe những chia sẻ của hai vị khách mời:

Ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Ủy viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh thông luật

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

Xuân Tiến