• 2101 lượt xem
  • 07:52 22/06/2022
  • Kinh tế

Diễn đàn kinh tế: Giải pháp nào để đẩy nhanh việc giải ngân các gói phục hồi kinh tế - xã hội?

Trong kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, các đại biểu sốt ruột khi gói phục hồi kinh tế được Quốc hội thông qua nhanh trong bối cảnh đặc biệt nhưng lại không được giải ngân "bằng một quyết tâm đặc biệt". Đến nay đã hơn 5 tháng kể từ khi được Quốc hội thông qua, gói phục hồi kinh tế - xã hội quy mô lớn nhất lịch sử đang bị chậm tiến độ so với yêu cầu, dù cơ chế đặc thù đã được trao, tiền đã sẵn sàng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ, từ yếu tố khách quan do dịch bệnh đến việc xây dựng các chính sách mới và cả yếu tố con người, sự phối hợp giữa các bộ, ngành. Song, với tính cấp bách của nó, rõ ràng đến nay như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Quốc hội cho phép tăng bội chi và bổ sung vốn ngân sách (tổng gần 347.000 tỉ đồng) cho gói kích cầu, nhưng Chính phủ mới trình bổ sung dự toán năm 2022 hơn 18 nghìn tỉ đồng là điều rất đáng lo ngại.

Sốt ruột về tiến độ giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 347.000 tỉ đồng hiện đang rất chậm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, con số hơn 18 nghìn tỉ đồng vốn điều hoà cho 265 danh mục dự án, nếu chia đầu dự án chỉ giống như “muối bỏ bể”. Trong khi đó, vẫn còn trên 38 nghìn tỉ đồng tại các bộ, ngành, địa phương hiện chưa phân bổ, lý do là chưa chuẩn bị xong thủ tục đầu tư. 

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Tôi đồng ý với nhiều ý kiến trong này là chưa xem xét quyết định việc này mà Chính phủ phải trình tổng thể, bố trí danh mục 347.000 tỉ ngoài chính sách tài khóa các thứ, rồi còn lại tổng đầu tư công là bao nhiêu, y tế thế nào, giáo dục thế nào, giao thông thế nào, thủy lợi thế nào... có danh mục lên đây hết đã.”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý, theo tinh thần nghị quyết Quốc hội, đến năm 2023 nếu không giải ngân được thì sẽ trình Quốc hội dừng lại, chứ không chuyển nguồn sang năm tiếp theo. Vì nếu cứ chuyển nguồn thì không đúng là gói kích thích kinh tế nữa.

Đến thời điểm hiện tại, đã cơ bản hoàn thành các chính sách và giải ngân được 22.000 tỉ đồng trong gói chính sách 347.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 43 của Quốc hội để thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Phân tích kỹ hơn, gói hỗ trợ lãi suất này có 3 mục tiêu lớn cần thực hiện, đó là hỗ trợ lãi suất, chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng, và đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội. Mỗi bước thực thi chính sách chậm hơn rất có thể sẽ khiến chúng ta lỡ nhịp tăng trưởng so với các nền kinh tế khác.

Nguyên nhân của tình trạng chậm trễ này là do đâu và giải pháp nào để triển khai nhanh các gói hỗ trợ, tạo sức bật cho nền kinh tế? Cùng bàn luận chủ đề này với 2 vị khách mời: Ông PHAN ĐỨC HIẾU – Uỷ viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – ĐBQH tỉnh Thái Bình PGS. TS. VŨ SỸ CƯỜNG - Kinh tế trưởng Viện Công nghệ và Phát triển tài chính, Học viện Tài chính. 

Mời quý vị khán giả cùng theo dõi chương trình!

Thùy Trang