• 2843 lượt xem
  • 00:40 19/06/2022
  • Kinh tế

Diễn đàn kinh tế: Giá cả tăng cao gây áp lực lên lạm phát, chuyên gia kinh tế gợi ý biện pháp bình ổn và kiểm soát giá

Thay vì trả 70 nghìn đồng cho bữa cơm chiều gồm rau, thịt…thì nay vẫn những thực phẩm đó, chị Ngà, tiểu thương chợ Nguyễn Phúc Lai đã phải trả lên tới 90 đến 100 nghìn đồng, tức là lên tới 20-30%. Đối với những người dân thu nhập thấp, sau đại dịch cuộc sống của họ ngày càng bấp bênh. Họ không chỉ thắt chặt chi tiêu mà còn phải đối mặt với nguy cơ nợ nần, không đủ trả tiền học phí, tiền thuê trọ.

Chị PHẠM THỊ NGÀ, Tiểu thương chợ Nguyễn Phúc Lai: “Hằng ngày bán hàng không đủ thu nhập thì phải vay chỗ nọ chỗ kia thì đủ chi tiêu cho một gia đình còn tiền học của con, tiền thuê trọ, tiền ăn hàng ngày, tiền điện, tiền nước… trước mình được 6 triệu nhưng giờ chỉ được 3 triệu một tháng.”

Chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm, giá xăng trong nước đã tăng 60% kéo theo giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm, dịch vụ, nguyên vật liệu. Với người dân, họ không cần biết “rổ” hàng hóa của Tổng cục Thống kê gồm những gì, mà chỉ biết rau, thịt, cá … tăng “chóng mặt” và rõ ràng áp lực lạm phát đang len lỏi từ đường phố đến từng bữa cơm gia đình.

Một trong những nguyên nhân chính của giá hàng hóa tăng là do mức tăng dựng đứng của giá xăng, dầu. Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng tới 12 lần, vượt mức 32 nghìn vào kỳ điều chỉnh gần nhất. Thu nhập của các tài xế vẫn bị ảnh hưởng nặng nề do nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng cũng giảm theo khi giá tăng, thậm chí đã có nhiều trường hợp tài xế xe công nghệ đồng loạt tắt ứng dụng, không đón khách vì thấy giá xăng tăng quá cao.

Anh VŨ VĂN TRƯỜNG, Tài xế xe công nghệ: “Trước xăng rẻ thu nhập khá hơn… So với trước, một tháng trước nếu xăng rẻ được khoảng 7 triệu thì bây giờ thì chỉ còn 3-4 triệu”.

Sau một giai đoạn dịch bệnh kéo dài, cuộc sống của người dân đang vừa bắt đầu quay trở lại với trạng thái trước kia thì nay lại gặp phải cơn bão lạm phát. Khó khăn lại tiếp tục đè lên cuộc sống người dân nghèo.

  GIÁ CẢ LEO THANG GÂY ÁP LỰC LÊN LẠM PHÁT

Trong tọa đàm lần trước, chúng tôi có đề cập đến những áp lực và các biện pháp kiểm soát lạm phát. Đặc biệt khi mà trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu mới nhất, giá xăng dầu đã vượt mức 32.000 đồng/lít, gây hiệu ứng tới nhiều dịch vụ, hàng hoá trong nước. Nhiều chuyên gia nhận định, sức ép lạm phát tiếp tục tăng và kéo dài trong năm 2022 bởi giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới tăng đã tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp. 

Cùng bàn luận về chủ đề này, trong chương trình ngày hôm nay, chúng tôi mời tới trường quay 2 vị khách mời, xin được trân trọng giới thiệu: 

TS.  NGUYỄN BÍCH LÂM – Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Ông TRẦN VĂN LÂM – Uỷ viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội – Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.   

Mời quý vị và các bạn tiếp tục theo dõi chương trình!