• 1668 lượt xem
  • 19:26 04/08/2022
  • Xã hội

Góc nhìn hôm nay: Đào tạo nghề để người dân ly nông, không ly hương

Trong một chương trình gần đây, chúng tôi đã nói về thực trạng nhiều người lao động ở các vùng nông thôn mắc bẫy “việc nhẹ lương cao” rồi mắc kẹt nơi xứ người hoặc chịu mất tiền chuộc để được về quê. Một trong những giải pháp cho tình trạng này được nêu ra là thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.

Hiện tại nước ta có 98 triệu dân, 55 triệu lao động nhưng chỉ có hơn 64% được đào tạo. Con số này còn quá thấp so với nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề đặc biệt là kỹ năng nghề cao cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, dù từ cách đây hơn 10 năm, ngày 27/11/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956 phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

KẾT QUẢ 10 NĂM ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN

Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956, trong hơn 10 năm qua, nhiều địa phương trong cả nước đã có cách làm hay, thiết thực, cơ bản đáp ứng yêu cầu học nghề, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn. 

Theo báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đã có trên 9,6 triệu lao động nông thôn được học nghề các trình độ; trong đó, số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng là 5,59 triệu người, đạt 87% mục tiêu của Đề án (11,03 triệu người).. Sau khi học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt trên 80%. Lao động nữ nông thôn được hỗ trợ học nghề chiếm 59,4%, vượt mục tiêu đề ra. Gần 65% lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề; trên 35% lao động nông thôn được học nghề nông nghiệp để tiếp tục làm nghề nông nghiệp có năng suất, thu nhập cao hơn.

Tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII vừa qua, Trung ương đã ban hành Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân và nông thôn với nhiều điểm mới. Trong đó, vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục được coi trọng và đòi hỏi phải có nhiều đổi mới để thích ứng với bối cảnh, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.

THỪA THIÊN HUẾ: KHÓ KHĂN TRONG ĐÀO TẠO NGHỀ VÙNG NÔNG THÔN

Qua hơn 10 năm thực hiện Đề án 1956, công tác đào tạo nghề lao động nông thôn đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều địa phương đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và các nguồn lực xã hội đầu tư cho công tác đào tạo nghề và hỗ trợ, tạo điều kiện giúp người sau học nghề tổ chức sản xuất, kinh doanh. Thừa Thiên Huế là địa phương sớm ban hành Nghị quyết về xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, thực tế công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang gặp nhiều khó khăn, trong khi nguy cơ người dân mắc bẫy lừa đảo đi xuất khẩu lao động vẫn hiển hiện.

Chị Phụng là một trong số ít lao động tự do ở thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang theo học lớp nghề nấu ăn tại địa phương. Trước đó, chính quyền sở tại đã vận động chị học nghề để có công việc tốt hơn trong tương lai.  

Năm 2022, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu đào tạo nghề cho khoảng 2500 lao động nông thôn. Tuy nhiên, việc thực hiện đến nay gặp nhiều khó khăn do chậm bố trí vốn, phải huy động từ nhiều chương trình khác. Trung bình, mỗi địa phương của tỉnh chỉ dành khoảng 150 triệu đồng cho công tác đào tạo nghề - một con số khá khiêm tốn! Trong khi đó, thời gian qua thực trạng lừa đảo xuất khẩu lao động sang Campuchia đang gây hoang mang cho người lao động.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết xây dựng trung tâm nguồn nhân lực chất lượng cao đến năm 2030. Trong tiến trình này, việc đào tạo nghề lao động nông thôn cần triển khai đồng bộ và hiệu quả hơn nữa, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách bền vững hơn.

SƠN LA TÌM GIẢI PHÁP ĐỂ NGƯỜI LAO ĐỘNG "LY NÔNG KHÔNG LY HƯƠNG"

Khi mà không được đào tạo nghề, không có việc làm ổn định thì lớp người trẻ ở nông thôn có xu hướng thoát ly, đi làm xa. Tại tỉnh Sơn La những năm trước, có hàng chục nghìn lao động đã rời quê đi làm ăn xa do nhiều lý do như: học xong không kiếm được việc làm, đất đai ở địa phương cằn cỗi bạc màu làm ăn không hiệu quả v.v.. Câu chuyện đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng nhiều bất cập, học xong để đấy, nhiều người học xong cũng không có chỗ hành nghề. Tuy nhiên hiện nay, hàng nghìn lao động nông thôn ở tỉnh này đang có cơ hội làm việc ngay tại quê hương.

Đã được học qua một khóa học về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả do trường Cao đẳng Sơn La đào tạo, vợ ông Đấu đã xin vào làm việc tại 1 nhà máy chế biến rau quả ở gần nhà. Ông cũng đang định hướng cho cậu con trai sẽ vào đó để làm nếu như không thi đậu các trường chuyên nghiệp.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm hỗ trợ nông dân của Hội nông dân tỉnh Sơn La đã đào tạo được 9 lớp với gần 500 học viên theo hình thức đào tạo gắn với việc làm. Những người tham gia chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số và họ được cam kết học xong có việc làm luôn tại địa phương.

Những năm gần đây Sơn La nổi lên là một hiện tượng nông nghiệp. Hiện địa phương này là vựa trái cây lớn nhất miền Bắc. Nhiều nhà máy, chế biến nông sản đã được đầu tư xây dựng và dự tính sẽ hút một lượng lớn lao động địa phương.

Được biết hiện tại trên địa bàn tỉnh Sơn La đang có khoảng 83.500 lao động đi làm ăn xa. Trong khi đó lao động luân chuyển trong tỉnh khoảng 5.500 lao động. Tuy nhiên con số này đang có những thay đổi lớn khi tỉnh Sơn La đang tích cực thu hút nhiều doanh nghiệp nhà máy…nhằm tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương sau khi đã đào tạo tay nghề cho họ.

CÀ MAU: ĐÀO TẠO NGHỀ THEO ĐẶC THÙ CỦA ĐỊA PHƯƠNG

Một địa phương khác cũng có cách làm sáng tạo khi thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đó là Cà Mau. Ngoài việc tổ chức các lớp dạy nghề giúp cho lao động nông thôn tìm kiếm việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp, tỉnh Cà Mau cũng đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề theo đặc thù kinh tế của địa phương. Qua đó, giúp lao động nông thôn áp dụng vào sản xuất trên mảnh đất của mình, nâng cao đời sống và góp phần xây dựng quê hương.

Đây là những thanh niên đầu tiên đã tham gia lớp đào tạo nghề về kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản được tổ chức tại xã Trí Phải, huyện Thới Bình.

Theo Sở Lao động - Thương bình và Xã hội tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã mở các lớp đào tạo nghề cho gần 14.000 lao động. Đặc biệt, tỉnh chú trọng đào tạo các lớp nghề theo đặc thù của từng vùng, từng địa phương. 

Là tỉnh thuần nông, nuôi trồng thuỷ sản được xem là thế mạnh của tỉnh Cà Mau. Vì thế, những lớp nghề theo đặc thù của địa phương đã ngày càng thu hút nhiều người dân tham gia. Qua đó, giúp người dân có điều kiện làm giàu trên mảnh đất của mình,  hạn chế người dân đi làm ăn xa.

Sau hơn 10 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, thành tựu, kết quả đáng ghi nhận nhưng cũng còn đó những tồn tại, hạn chế khi các vùng nông thôn còn nghèo, còn tình trạng người lao động ly hương, còn lớp lao động trẻ không có việc làm. Nhất là khi mà nông thôn Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, ngành nghề ở nông thôn cũng có nhiều thay đổi thì rất cần xây dựng lại danh mục nghề được đào tạo cho người lao động nông thôn và có giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn công tác này trong thời gian tới.

Nhu cầu về lao động giỏi nghề luôn hiện hữu. Dưới tác động bao trùm của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cách thức dạy nghề, truyền nghề theo phương pháp truyền thống đã lỗi thời thì các cơ sở dạy nghề cần nhanh chóng sử dụng các công nghệ mới để giới thiệu hướng phát triển nghề ở nông thôn, xây dựng các phương pháp đào tạo mới như đào tạo trực tuyến, hệ thống đào tạo nghề phải chuyển sang hệ thống mở và nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số. Chương trình hướng nghiệp trong trường phổ thông các cấp trên địa bàn nông thôn, nông nghiệp cần giúp cho học sinh định hướng nhiều hơn vào các nghề sẽ phát triển ở nông thôn, đặc biệt, luôn đề cao tinh thần hướng nghiệp, khởi nghiệp, lập nghiệp, hướng vào việc xây dựng nông thôn mới, để người dân có thể ly nông mà không ly hương, phát triển kinh tế nông nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp ở Việt Nam.