• 1738 lượt xem
  • 06:51 06/07/2022
  • Kinh tế

Diễn đàn kinh tế: Áp lực ẩn sau mức tăng trưởng kỷ lục của GDP 6 tháng đầu năm 2022

Tổng cục Thống kê Bộ KH&ĐT vừa công bố dữ liệu kinh tế - xã hội quý II/2022 và 6 tháng đầu năm 2022 với những con số khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Song nhiều dự báo cho thấy, lạm phát và chi phí sản xuất tăng cao tiếp tục là những khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế trong những tháng cuối năm.

7,72% là tốc độ tăng trưởng ấn tượng của kinh tế Việt Nam trong quý II năm nay, mức tăng cao nhất trong hơn một thập kỷ qua, góp phần thúc đẩy GDP trong 6 tháng đầu năm tăng 6,42%, vượt mục tiêu tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2022 theo Nghị quyết 01/NQ-CP.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 76,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 13,6%. Nếu tính cả số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thì số doanh nghiệp tham gia thị trường đạt 116,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 25,4%.

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,8%; quý II tăng 10,8%).

Bà PHÍ THỊ HƯƠNG NGA - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn Đầu tư, Tổng cục Thống kê: “Trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm lần đầu tiên vượt mốc 100.000 doanh nghiệp (116,9 nghìn doanh nghiệp), tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2021”.

Bức tranh kinh tế nửa đầu năm nay phần nhiều là những gam màu sáng. Đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia, một số tổ chức trong và ngoài nước.

Bà DORSA TI MADANI - Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: "Số liệu tăng trưởng của Việt Nam là rất ấn tượng. Điều này có được là nhờ cả hai yếu tố đóng góp chính vào tăng trưởng: Một là thành tích xuất khẩu của Việt Nam rất vững chắc. Và thứ hai là tiêu dùng nội địa đang có được sự phục hồi lớn khi nền kinh tế đã hoàn toàn trở lại với cả các hạn chế về dịch COVID-19 được dỡ bỏ".

Ông PATRICK LEE - TGĐ khu vực phụ trách Singapore và các thị trường ASEAN, Ngân hàng Standard Chartered: “Việt Nam vẫn tiếp tục là mắt xích và trung tâm sản xuất quan trọng. Chúng tôi tin rằng, Việt Nam sẽ có vị thế mới trong ASEAN do đây là một thị trường có tiềm năng rất lớn với tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức tốt, cả trong những năm qua và các năm tới.”

Báo chí quốc tế cũng đã có nhiều bài viết đánh giá cao sự phục hồi kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm. "Kinh tế Việt Nam quý II tăng trưởng nhanh nhất trong 11 năm qua" là nhan đề một bài viết của hãng tin Channel News Asia. Trong khi đó, Bloomberg dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam và đưa ra nhận định, nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2022. Còn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì đưa ra một đánh giá rất triển vọng, đó là đến năm 2025, Việt Nam sẽ vươn lên đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô kinh tế với GDP hơn 571 tỉ USD.

Cùng bàn luận chủ đề này với hai vị khách mời: Tiến sĩ NGUYỄN MINH CƯỜNG – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng phát triển Châu Á ADB tại Việt NamTiến sĩ  NGUYỄN QUỐC VIỆT - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chương trình!

Lê Hương