Điểm tin quốc tế tối 31/03: Thêm một khu vực li khai muốn gia nhập Liên Bang Nga

Nga thông báo lệnh ngừng bắn tại Mariupol; Thêm một khu vực li khai muốn gia nhập Liên Bang Nga; Châu Âu chưa phải thanh toán khí đốt Nga bằng đồng rúp; Các nước cân nhắc xả kho dự trữ dầu chiến lược; Trung Quốc gần hoàn tất điều tra vụ rơi máy bay; Thế giới thiệt hại 82 tỷ usd trong năm 2021 do lũ lụt ... là những tin tức quốc tế đáng chú ý tối 31/03/2022.

Nga thông báo lệnh ngừng bắn tại Mariupol

Bộ Quốc phòng Nga thông báo một lệnh ngừng bắn cục bộ vào ngày hôm nay, nhằm tạo điều kiện sơ tán dân thường khỏi thành phố cảng Mariupol  của Ukraine. 

Bộ Quốc phòng Nga cho biết hành lang nhân đạo từ Mariupol tới Zaporizhzhia, thông qua cảng Berdiansk do Nga kiểm soát, sẽ được mở từ 10h ngày 31/3 (giờ địa phương, tức 14h theo giờ Hà Nội). Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ để hoạt động nhân đạo này diễn ra thành công, phía Nga đề nghị có sự tham gia trực tiếp của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế. Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm đã nhất trí với đề xuất của Kiev về việc mở thêm 4 hành lang nhân đạo mới trong vòng 24 giờ qua.

Thêm một khu vực li khai muốn gia nhập Liên Bang Nga

Sau Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraina, khu vực ly khai Nam Ossetia ở Gruzia cũng muốn sáp nhập vào Nga.

Ông Anatoly Bibilov,  người đứng đầu khu vực ly khai Nam Ossetia, thông báo sẽ sớm tiến hành các bước pháp lý trong nỗ lực gia nhập Liên bang Nga. Khu vực này cũng sẽ tiến hành lấy ý kiến người dân về kế hoạch nói trên. Nam Ossetia được Nga công nhận là một nước cộng hòa độc lập sau cuộc xung đột quân sự năm 2008 giữa Nga và Gruzia.

Châu Âu chưa phải thanh toán khí đốt Nga bằng đồng rúp

Đức và các nước châu Âu vẫn được thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng euro hay dollar Mỹ, thay vì đồng rúp của Nga. Đây là khẳng định của tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc điện đàm với thủ tướng Đức Olaf Scholz vào ngày hôm qua. 

Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Hebestreit cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng việc thanh toán của châu Âu từ tháng tới có thể tiếp tục bằng đồng euro và chuyển khoản như thông lệ cho Ngân hàng Gazprom - ngân hàng vốn không chịu tác động của các lệnh trừng phạt. Cũng theo ông Hebestreit, sau khi nhận tiền, Ngân hàng Gazprom sẽ chuyển đổi sang đồng ruble. Người phát ngôn nêu rõ rằng trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Scholz theo đề nghị của phía Nga, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh rằng sẽ "không có gì thay đổi với các đối tác hợp đồng ở châu Âu" khi hệ thống thanh toán mới của Nga dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/4. 

Tuy nhiên, Thủ tướng Scholz không đồng tình với thủ tục này, đề nghị phía Nga cung cấp thông tin bằng văn bản để có thể nắm rõ hơn. Theo người phát ngôn, những gì Nhóm nước công nghiệp và phát triển G7 nhất trí là việc cung cấp năng lượng được thanh toán riêng bằng đồng euro hoặc USD như nêu trong hợp đồng.

Trước đó vào hôm 23/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố áp dụng thanh toán khí đốt bằng đồng rúp với các quốc gia không thân thiện

Các nước cân nhắc xả kho dự trữ dầu chiến lược

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc kế hoạch giải phóng khoảng 180 triệu thùng dầu trong kho của Cục Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu. Cùng với Mỹ, các nước thành viên của cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) sẽ nhóm họp vào ngày mai để bàn về việc đồng loạt xả kho dự trữ dầu chiến lược. Những thông tin này ngay lập tức tác động tới giá dầu thế giới.  

Sáng nay, giá dầu WTI giảm 5,2% xuống mức 102,2 USD/thùng trong khi giá dầu Brent cũng giảm 4,2% xuống mức 108,65 USD/thùng, sau thông tin chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc việc tung ra thị trường 1 triệu thùng dầu thô/ngày trong thời gian vài tháng từ Kho dự trữ xăng dầu chiến lược (SPR) của nước này. Lượng dầu mà Mỹ đang cân nhắc tung ra thị trường tương đương với khoảng hai ngày nhu cầu toàn cầu. Và động thái này sẽ đánh dấu lần thứ ba Mỹ khai thác nguồn dự trữ chiến lược của mình trong sáu tháng qua và sẽ là lần xả kho lớn nhất trong gần 50 năm.  

Trong một diễn biến liên quan, người phát ngôn của các bộ trưởng năng lượng Australia và New Zealand ngày 31/3 xác nhận Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) sẽ tiến hành hội nghị khẩn cấp bộ trưởng trong ngày 1/4 để thảo luận về tình hình thị trường dầu mỏ cũng như đưa ra quyết định tập thể về việc xả kho dự trữ dầu chiến lược của các nước. Hội nghị khẩn của IAE dự kiến “thảo luận tác động của hành động tập thể và đánh giá về tình hình thị trường dầu mỏ hiện nay”. Hội nghị khẩn của IEA cũng dự kiến xác định tổng lượng dầu thô được tung ra thị trường cũng như tỷ lệ phân bổ của mỗi nước.

Hồi đầu tháng 3, các nước IEA đã nhất trí giải phóng 60 triệu thùng nhằm hạ nhiệt căng thẳng trên thị trường liên quan đến xung đột Ukraine. 

Trung Quốc gần hoàn tất điều tra vụ rơi máy bay

Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc hôm nay cho biết đã hoàn tất phần lớn công tác tìm kiếm, cứu hộ tại hiện trường vụ rơi máy bay của hãng hàng không China Eastern. 

Lực lượng chức năng Trung Quốc tìm thấy hơn 40.000 mảnh vỡ của máy bay gặp nạn. Công tác tìm kiếm cứu nạn được thực hiện trên một khu vực rộng gần 10 triệu m2. Hiện nhà chức trách đang giải mã hai hộp đen cũng như tiến hành phân tích sơ bộ, nghiên cứu và đánh giá quỹ đạo, đường đi và lực tác động có thể có của máy bay khi rơi xuống đất nhằm khôi phục quá trình bay trước khi máy bay gặp nạn. Dự kiến các nhà điều tra sẽ công bố báo cáo sơ bộ trong vòng 30 ngày kể từ sau vụ tai nạn. 

Thế giới thiệt hại 82 tỷ usd trong năm 2021 do lũ lụt

Cơ quan tái bảo hiểm Swiss Re mới đây cho biết lũ lụt đã khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 82 tỷ USD trong năm 2021, chiếm gần 1/3 tổng thiệt hại do thảm họa thiên nhiên gây ra.

Swiss Re cho biết lũ lụt ảnh hưởng đến gần 1/3 dân số thế giới, nhiều hơn bất kỳ nguy cơ nào khác. Trong năm 2021, đã có hơn 50 trận lũ lụt nghiêm trọng xảy ra trên khắp thế giới, thường do lượng mưa cực lớn và nước dâng do bão ven biển gây ra. Các nhà khoa học từ lâu đã cho rằng lũ lụt nghiêm trọng hơn ở những khu vực dọc theo các bờ biển trũng thấp chủ yếu do mực nước biển dâng lên gây ra bởi tình trạng biến đổi khí hậu làm tan băng ở vùng cực và nước biển ấm lên. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của tạp chí Nature, các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng ở các khu vực phía Bắc của Vương quốc Anh, các cơn bão mạnh hơn và thường xuyên hơn trên Bắc Đại Tây Dương kể từ năm 1960 dẫn đến các đợt triều cường mạnh hơn. Hoạt động của bão gia tăng là nguyên nhân khiến lũ lụt tăng cường theo. Theo một nghiên cứu năm 2018 trên tạp chí Nature Climate Change, nếu các nước châu Âu không thích ứng với nguy cơ lũ lụt ngày càng gia tăng, các nước này có thể phải đối mặt với mức thiệt hại lên tới gần 1.000 tỷ euro (1.100 tỷ USD) vào năm 2100. Vương quốc Anh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm khoảng 20% số thiệt hại đó.

Thái Lan khuyến khích người dân sử dụng xe điện

Thúc đẩy nhu cầu trong nước đối với xe điện là một phần quan trọng trong chiến lược của chính phủ Thái Lan nhằm duy trì vị thế là một nhà sản xuất ô tô lớn trong khu vực. Chính phủ nước này đang đặt mục tiêu đến năm 2030 sản xuất 725.000 chiếc xe chạy điện mỗi năm, tương đương gần 1/3 sản lượng ô tô các loại. Xe điện vì thế đang là tâm điểm tại triển lãm ô tô quốc tế đang diễn ra ở thủ đô Bangkok. 

Tại Thái Lan, giá xăng tăng vọt trên toàn cầu và các khoản giảm giá của chính quyền địa phương đã làm gia tăng sự quan tâm của người tiêu dùng đối với xe điện. Hàng nghìn người đã tới đến Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok và rất nhiều người quan tâm tới các gian hàng của các nhà sản xuất ô tô có ô tô điện.

Người dân Thái lan: "Chi phí sinh hoạt quá cao, đặc biệt là giá xăng. Tất cả chúng tôi đều biết rằng xăng là rất cần thiết và tôi không thể chi trả tiền xăng nữa, vì vậy tôi đang ở đây để tìm mua một chiếc ô tô điện cho tương lai."

Triển lãm ô tô năm nay là lần đầu tiên chính phủ đưa ra các khoản trợ cấp xe điện dành cho người tiêu dùng trong khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cũng đang sản xuất các mẫu xe rẻ hơn để nhắm mục tiêu đến khu vực. Điều đó có nghĩa là người tiêu dùng có thể tiết kiệm tới 15% cho các loại xe thường có giá khoảng 1 triệu baht (29.939 USD).

Ông MICHAEL CHONG, Tổng giám đốc hãng xe Trung Quốc Great Wall Motor Thái Lan: "Chúng tôi thấy rằng trên thị trường, khách hàng sẽ hào hứng hơn về giá cả vì mức giá này sẽ phải chăng hơn và sẽ có nhiều khách hàng quan tâm đến việc mua các sản phẩm xe đện hơn."

Thái Lan là trung tâm lắp ráp ô tô lớn thứ tư của châu Á và ngành công nghiệp này đóng góp khoảng 10% nền kinh tế và việc làm cho ngành sản xuất. Các chính sách khuyến khích của chính phủ đã thu hút nhiều người tiêu dùng.

Người dân Thái Lan: "Tôi từng phải trả khoảng 4.000-5.000 baht mỗi tháng cho tiền xăng, nhưng tiền điện thì chỉ tốn 1.500-1.600 baht mỗi tháng. Tôi cần đầu tư tiền của mình vào một chiếc xe điện phù hợp với phong cách sống của tôi."

Nhu cầu về xe điện đang gia tăng nhưng từ mức khá thấp. Năm ngoái, số lượng xe ô tô chạy hoàn toàn bằng điện được đăng ký đã tăng gấp đôi lên khoảng 4.000 chiếc, một con số khá thấp so với tổng doanh số bán ô tô trong nước là 759.119 xe trong năm ngoái.

Vân Hương