Điểm tin quốc tế tối 16/4: Ngành công nghiệp hỗ trợ giấc ngủ bùng nổ ở Trung Quốc

Đức thông báo kế hoạch viện trợ quân sự cho Ukraine; phương Tây cố gắng thay thế các nguồn năng lượng của Nga sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu; lạm phát Mỹ tăng cao; Pháp ủng hộ việc áp đặt quy định về mức lương trần cho chủ doanh nghiệp EU; Triều Tiên kỷ niệm 110 năm ngày sinh Chủ tịch Kim Nhật Thành; Ngành công nghiệp hỗ trợ giấc ngủ bùng nổ ở Trung Quốc... là những tin tức nổi bật ngày 16/4.

Đức viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine

Chính phủ Đức thông báo kế hoạch viện trợ quân sự bổ sung 2 tỷ euro cho các quốc gia đối tác, trong đó phần lớn dành cho Ukraine.

Theo kế hoạch của chính phủ Đức, số tiền chủ yếu dành cho việc mua sắm các thiết bị quân sự và vũ khí mới, trong đó Tổ chức Hòa bình Châu Âu sẽ nhận được khoảng 400 triệu euro để mua vũ khí cho Ukraine. Số tiền còn lại sẽ được chi cho quân đội Đức, mua sắm vũ khí cho Ukraine và một số nước khác. Tổng cộng, Ukraine có thể nhận được hơn 1 tỷ euro trong gói viện trợ quân sự mới này.

Trong một diễn biến liên quan, hãng tin Interfax của Nga đưa tin, một người phát ngôn của điện Kremlin xác nhận Moscow đã gửi tới Mỹ và các quốc gia khác các công hàm ngoại giao về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhưng không nói rõ nội dung của các công hàm này. Trong khi đó, báo Washington Post (Mỹ) đưa tin Nga đã cảnh báo Mỹ về việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine. Nga kêu gọi Mỹ và các đồng minh dừng cung cấp vũ khí cho Ukraine, nêu rõ việc này "có thể gây ra những hậu quả khôn lường đối với tình hình an ninh khu vực và quốc tế."

Những nỗ lực của phương Tây nhằm loại bỏ năng lượng của Nga sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng việc các nước phương Tây cố gắng thay thế các nguồn năng lượng của Nga bằng các nguồn cung cấp khác sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu nói chung. Theo ông Putin các nước Châu Âu luôn nói sẽ từ bỏ nguồn cung cấp khí đốt của Nga, điều này đang gây bất ổn thị trường và tăng giá, chủ yếu cho người dân của đất nước họ. 

Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN phát biểu: "Tôi nhấn mạnh một lần nữa, việc một số nước phương Tây từ chối hợp tác với Nga một cách bình thường, kể cả liên quan đến các nguồn năng lượng của Nga, hoặc ít nhất là một phần trong số đó, đã làm ảnh hưởng nặng nề đến hàng triệu người dân Châu Âu, gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng thực sự. Cuộc khủng hoảng này trên thực tế cũng có ảnh hưởng đối với Mỹ. Giá cả và lạm phát đều đang gia tăng ở khắp mọi nơi. Lạm phát gia tăng quy mô ở những quốc gia này và hoàn toàn chưa từng có tiền lệ."

Ông Putin cho biết hiện một trong những vấn đề cấp bách nhất do các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với ngành năng lượng Nga là sự gián đoạn hoạt động hậu cần xuất khẩu. Do đó, điều quan trọng là phải định hướng lại xuất khẩu của nước này.

Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN phát biểu: "Chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng như đường sắt, đường ống, bến cảng, v.v. Điều này sẽ cho phép trong vòng vài năm tới chuyển hướng cung cấp dầu và khí đốt từ phương Tây sang các thị trường đầy hứa hẹn ở phía Nam và phía Đông. Điều quan trọng là cần vạch ra các kế hoạch mở rộng cơ sở hạ tầng xuất khẩu sang các nước Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Châu Á - Thái Bình Dương." 

Nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết một số công ty nước ngoài ngừng thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết hoặc chỉ thực thi một phần. Tổng thống Putin thừa nhận tình hình hiện nay đã gây ra những khó khăn nhất định cho nước Nga, song khẳng định nước này có mọi nguồn lực và khả năng để nhanh chóng tìm ra giải pháp thay thế. Trong dài hạn, nước Nga còn tăng cường hơn nữa khả năng tự cường trước những yếu tố bên ngoài.

Mỹ đau đầu với bài toán lạm phát

Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chứng kiến giá cả tăng vọt với tốc độ kỷ lục khi đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 7,9% trong 12 tháng tính đến tháng 2 - tốc độ nhanh nhất trong 4 thập niên. Trong bối cảnh lạm phát Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hơn 40 năm qua, Tổng thống Joe Biden cho rằng cuộc xung đột Nga Ukraine đóng góp vào nguyên nhân đẩy lạm phát gia tăng. 

Tổng thống Mỹ JOE BIDEN phát biểu: "Tôi biết rằng chúng ta vẫn đang phải đối mặt với thách thức về giá cả cao và lạm phát. Cuộc xung đột tại Ukraine đã làm tăng giá khí đốt trên toàn thế giới. Giá lương thực cũng bị ảnh hưởng do xuất khẩu lúa mì của Ukraine giảm.”

Mặc dù FED gần đây đã quyết định tăng lãi suất cơ bản sẽ giúp giảm áp lực giá cả, song căng thẳng Nga - Ukraine và đợt bùng phát dịch cúm gia cầm đã thúc đẩy giá cả nhiều mặt hàng tại Mỹ tăng cao. Giá thực phẩm tại các cửa hàng tạp hóa và siêu thị ở Mỹ sẽ tăng thêm 3%-4% trong năm nay và "dự kiến sẽ vượt qua mức trung bình trong lịch sử và tỷ lệ lạm phát trong năm 2021." Đây là cảnh báo được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra. Lạm phát cao kỷ lục đã khiến tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden giảm và có thể gây rắc rối cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11.

Pháp ủng hộ việc áp đặt quy định về mức lương trần cho các chủ doanh nghiệp EU

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây đã bày tỏ quan điểm ủng hộ việc áp đặt một quy định trên toàn Liên minh Châu Âu (EU) về mức lương trần cho các chủ doanh nghiệp. 

Phát biểu của ông Macron được đưa ra trong bối cảnh đang diễn ra cuộc tranh luận ngày một “nóng” về khoản chi trả 19 triệu euro (21 triệu USD) dành cho ông Carlos Tavares, Giám đốc điều hành (CEO) hãng ô tô Stellantis hồi năm ngoái. Khoản chi trả này được cho là “quá mức và gây sốc”.

Tổng thống Pháp EMMANUEL MACRON phát biểu:  “Chúng ta nên đặt một giới hạn cho những điều này, điều này có thể hiệu quả nếu chúng ta hành động ở cấp độ Châu Âu. Và vì vậy, điều chúng ta có thể làm, như chúng ta đã làm với các mức thuế tối thiểu và cuộc chiến chống trốn thuế, là thuyết phục các đối tác Châu Âu của chúng ta tiến hành một cuộc cải cách cho phép chúng ta điều chỉnh mức lương của các CEO của khối.”

Đầu tuần này, người phát ngôn của Chính phủ Pháp Gabriel Attal cũng mô tả thu nhập của ông Tavares là “những con số bất thường”. Ông Macron đang trong quá trình tranh cử cho vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sẽ diễn ra ngày 24/4 tới. 

Liên hợp quốc kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng tại Jerusalem

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình an ninh đang xấu đi tại Jerusalem và kêu gọi các bên nỗ lực giải quyết căng thẳng.

Ông Antonio Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo Israel và Palestine giúp bình ổn tình hình, chấm dứt các hành động khiêu khích tại khu vực có ý nghĩa lịch sử và tôn giáo quan trọng đối với cả người Hồi giáo và người Do Thái. Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh kêu gọi tôn trọng và bảo vệ duy trì nguyên trạng các khu vực thánh địa ở Jerusalem. Theo tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ của Palestine, hơn 340 người Palestine đã bị thương trong các vụ xô xát ngày 15/4 với lực lượng an ninh Israel tại Jerusalem và Bờ Tây.

Triều Tiên kỷ niệm 110 năm ngày sinh Chủ tịch Kim Nhật Thành

Nhân kỷ niệm lần thứ 110 ngày sinh của Chủ tịch Kim Nhật Thành, Triều Tiên đã tổ chức nhiều hoạt động trang trọng tưởng niệm sự kiện quan trọng này. Ngày 15/4, Triều Tiên đã tổ chức diễu hành lớn với sự tham gia của hàng chục nghìn người ở trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng để tưởng nhớ công lao của lãnh tụ Kim Nhật Thành. Cối cùng ngày, Triều Tiên tổ chức một buổi biểu diễn hoành tráng và bắn pháo hoa trên quảng trường Kim Il-sung ở thủ đô Bình Nhưỡng.

 Cũng nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Chủ tịch Kim Nhật Thành, Triều Tiên đã tổ chức khánh thành tòa nhà cao 80 tầng xây dựng trên phố Songhwa ở Bình Nhưỡng. Truyền hình Trung ương Chosun của Triều Tiên cho biết đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un dự lễ hoàn công tòa nhà, một biểu tượng của sự phát triển thủ đô. 

Hàn Quốc dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp giãn cách phòng dịch

Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp giãn cách phòng dịch COVID-19 từ ngày 18/4, trừ quy định bắt buộc đeo khẩu trang cả trong nhà và ngoài trời.

Như vậy, các hạn chế đang áp dụng hiện nay như giới hạn giờ kinh doanh của các nhà hàng, quán càphê đến 24h, tụ tập riêng tư tối đa 10 người, sự kiện ngoài trời tối đa 299 người sẽ được xóa bỏ. Việc ăn uống tại các rạp chiếu phim, phòng biểu diễn sẽ được cho phép. Thông tin cho biết riêng quy định đeo khẩu trang sẽ vẫn được áp đặt và chính phủ sẽ xem xét lại để đưa ra quyết định sau 2 tuần triển khai quy định mới. Với quyết định mới trên, Hàn Quốc đã chính thức quay trở lại với cuộc sống thường nhật, kết thúc 757 ngày thực hiện các biện pháp giãn cách vì đại dịch COVID-19. Hàn Quốc bắt đầu áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội từ ngày 22/03/2020.

Ngành công nghiệp hỗ trợ giấc ngủ bùng nổ ở Trung Quốc

Theo dữ liệu của Hiệp hội Nghiên cứu Giấc ngủ Trung Quốc, trong năm 2021, nước này có 300 triệu người bị rối loạn giấc ngủ. Lo âu và căng thẳng từ cuộc sống hiện đại là nguyên nhân gây ra vấn nạn này, và điều này đã khiến ngành công nghiệp hỗ trợ giấc ngủ bùng nổ. 

Ngành công nghiệp hỗ trợ giấc ngủ đang bùng nổ ở Trung Quốc khi các trường hợp mất ngủ gia tăng ở người lớn. Mặc dù tăng trưởng kinh tế đã mang lại sự cải thiện đáng kể về chất lượng cuộc sống, nhưng nó cũng làm gia tăng các vấn đề như căng thẳng, lo lắng về tinh thần và mất ngủ, khiến thị trường thiết bị và kỹ thuật hỗ trợ ngủ bùng nổ. 

Theo một nghiên cứu do Hiệp hội Nghiên cứu Giấc ngủ Trung Quốc thực hiện, các trường hợp mất ngủ ở người lớn lên tới 38%. Dữ liệu do một nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc cung cấp cho thấy bình xịt khi ngủ, gối chức năng và mặt nạ xông hơi cho mắt là ba sản phẩm hỗ trợ ngủ phổ biến nhất. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống như dầu và hương, còn có các thiết bị 'thông minh' tinh vi và tiên tiến như chăn trọng lực mang đến nhiều sự lựa chọn hơn cho nhóm khách hàng đang gia tăng.

Chị CUI KUN - người dân Trung Quốc chia sẻ: "Chất lượng giấc ngủ của tôi luôn tồi tệ và tôi luôn cảm thấy rất khó đi vào giấc ngủ. Tôi thường đi ngủ vào khoảng ba hoặc bốn giờ sáng. Nhưng nếu tôi uống một chút trà hoặc cà phê thì não của tôi quá tỉnh táo, tôi không thể ngủ cho đến tận bình minh.”

Khi rối loạn giấc ngủ đang trở thành một vấn đề phổ biến, chị Cui Kun nhận thấy rằng có thể tìm đến nhiều người giúp đỡ hơn.

Chị CUI KUN - người dân Trung Quốc chia sẻ: "Để giải quyết vấn đề này, tôi thường xuyên mua các sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ, chẳng hạn như hương ngủ, thuốc xịt ngủ, nút tai và mặt nạ xông hơi cho mắt. Ngoài ra, tôi cũng tải xuống ứng dụng hỗ trợ giấc ngủ trên điện thoại di động để nghe tiếng ồn trắng và âm thanh của các nhà thôi miên trong đó.” 

Bên cạnh các công ty lớn nhỏ, các đại gia nước giải khát cũng lao vào cuộc cạnh tranh với nhiều loại thức uống hỗ trợ giấc ngủ. Hot-Kid Milk Drink Want Want đã tung ra loại thức uống có hương vị trái cây dành cho những người mất ngủ. Các thành phần khác nhau được thêm vào để giúp loại bỏ mệt mỏi và bồn chồn. Các công ty đồ uống nổi tiếng khác như Mengniu Dairy và Six Walnuts cũng đã tung ra các loại đồ uống hỗ trợ giấc ngủ. Tuy nhiên, hầu hết các loại đồ uống này đều có giá cao, với một chai sữa hỗ trợ giấc ngủ 200ml có giá lên tới 20 nhân dân tệ, gấp đôi giá sữa thông thường./.