Điểm tin quốc tế tối 16/03: Ukraine tuyên bố chấp nhận việc không thể gia nhập NATO

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố chấp nhận việc không thể gia nhập NATO; Thủ tướng 3 nước Ba Lan, Cộng hòa Séc và Slovenia với tư cách đại diện EU đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine tìm kiếm giải pháp cho xung đột; dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Trung Quốc đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu là những tin tức quốc tế đáng chú ý.

UKRAINE TUYÊN BỐ CHẤP NHẬN VIỆC KHÔNG THỂ GIA NHẬP NATO

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định, lập trường của Nga và Ukraine trong các cuộc đàm phán hòa bình đang trở nên thực tế hơn, tuy nhiên vẫn cần thêm thời gian. Ông Zelensky cũng thừa nhận, Ukraine không còn hy vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương NATO.

Trong bài phát biểu được công bố ngày 16/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết lập trường của Ukraine và Nga tại các cuộc đàm phán hòa bình nghe đang trở nên thực tế hơn. 

Tổng thống Ukraine VOLODYMYR ZELENSKIY: "Đàm phán vẫn sẽ tiếp tục. Tôi được thông báo là lập trường của Nga và Ukraine trong các cuộc đàm phán đang trở nên thực tế hơn. Tuy nhiên, vẫn cần thêm thời gian để đưa ra những quyết định có lợi cho Ukraine" 

Một quan chức cấp cao của Ukraine cho biết, đàm phán giữa Nga và Ukraine đã được nối lại, tuy còn nhiều khó khăn nhưng "chắc chắn sẽ có cơ hội cho thỏa hiệp”. 

Trước đó, trong cuộc họp với lãnh đạo các nước Bắc Âu và Baltic do Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trì, Tổng thống Zelensky nói rằng Ukraine đã được chuẩn bị để chấp nhận những đảm bảo an ninh từ phương Tây và Kiev không thể gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương

Tổng thống Ukraine VOLODYMYR ZELENSKIY:Nếu không thể bước vào cánh cửa mở của NATO thì chúng tôi sẽ phải hợp tác với các bên cho phép mang lại lợi ích cho Ukraine. Và chúng tôi cũng muốn có những đảm bảo an ninh riêng, đáng tin cậy và hiệu quả từ phương Tây.”

Tổng thống Zelensky cũng cho biết thêm, Ukraine sẽ không kêu gọi kích hoạt Điều 5 của Hiệp ước NATO về phòng thủ tập thể.

THỦ TƯỚNG BA LAN, CỘNG HÒA SÉC VÀ SLOVENIA ĐẾN UKRAINE TÌM KIẾM GIẢI PHÁP CHO XUNG ĐỘT

Thủ tướng 3 nước Ba Lan, Cộng hòa Séc và Slovenia với tư cách đại diện Liên minh châu Âu (EU) đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại thủ đô Kiev trong khuôn khổ chuyến thăm nước này. Đây là chuyến thăm của các lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tới Ukraine kể từ sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2.

Thủ tướng Ba Lan thể hiện quan điểm cần phải chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraine. Nhà lãnh đạo Ba Lan khẳng định Ukraine vẫn luôn nhận được sự ủng hộ rõ ràng của EU.

Thủ tướng Ba Lan MATEUSZ MORAWIECKI: "Chúng tôi sẽ không bao giờ để bạn một mình. Chúng tôi sẽ ở bên bạn. Bởi vì chúng tôi biết rằng đất nước của các bạn đang chiến đấu không chỉ cho ngôi nhà, cho tự do, cho an ninh của các bạn mà còn cho chúng tôi. "

Tổng thống Ukraine VOLODYMIR ZELENSKIY: "Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng các quốc gia này và lãnh đạo của họ. Khi nói về sự đảm bảo an ninh cho Ukraine, về tương lai của chúng tôi ở Liên minh châu Âu hoặc về các chính sách trừng phạt, chúng tôi chắc chắn 100% rằng mọi thứ được đưa ra thảo luận sẽ đạt được mục tiêu đối với đất nước, an ninh và tương lai của chúng ta.”

Theo giới chức Ba Lan, cần có một phái bộ gìn giữ hòa bình của NATO hoặc của tổ chức quốc tế lớn hơn sẽ được cử đến giúp Ukraine và được cung cấp các phương tiện để tự vệ.

Phó thủ tướng Ba Lan JAROSLAW KACZYNSKI: "Tôi nghĩ rằng cần phải có một phái bộ gìn giữ hòa bình của NATO, hoặc của 1 tổ chức quốc tế lớn hơn được cử đến và hoạt động trên lãnh thổ Ukraine. "

Tuyên bố của Ba Lan cho biết chuyến thăm của 3 nhà lãnh đạo Ba Lan, Cộng hòa Séc và Slovenia tới Ukraine được thực hiện theo sự thống nhất với người đứng đầu Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

BÙNG PHÁT DỊCH COVID-19  TRỞ LẠI TẠI TRUNG QUỐC ĐE DỌA CHUỖI CUNG ỨNG TOÀN CẦU

Nền kinh tế toàn cầu - vốn đang phải vật lộn với xung đột Nga-Ukraine và nguy cơ lạm phát đi kèm suy thoái kinh tế ngày một cao – lại tiếp tục phải chuẩn bị đối mặt thêm với những gián đoạn lớn hơn nữa khi Trung Quốc đang ghi nhận một đợt bùng phát dịch Covid-19 mới. Các lệnh phong tỏa khiến nhiều nhà máy ở nước này buộc phải đóng cửa, đe dọa đến chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Diễn biến dịch bệnh gia tăng khiên giới chức Trung Quốc đã phải ban bố lệnh phong tỏa thành phố Thâm Quyến trong 7 ngày bắt đầu từ ngày 14/3, nơi được coi là trung tâm công nghệ của Trung Quốc với 17,5 triệu dân. Lệnh phong tỏa này đã khiến hàng loạt công ty sản xuất lớn phải đóng cửa trong đó Foxxon, Tencent và Huawei Technologies, các công ty sản xuất điện thoại và các sản phẩm điện tử hàng đầu trên thế giới. Cùng với đó là sự ngưng trệ sản xuất tại các nhà máy sản xuất xe hơi và linh kiện một trọng những ngành dễ bị tổn thương do đây là loại hàng hóa nhạy cảm về thời gian có giá trị cao. Cùng với Thâm Quyến, thành phố Trường Xuân, nơi sản xuất 11% sản lượng xe hơi của Trung Quốc cũng đang bị phong tỏa.

Tuy nhiên một vấn đề đáng lo ngại hơn là ảnh hưởng của lệnh phong tỏa đến việc luân chuyển hàng hóa ở cảng quốc tế Diêm Điền tỉnh Thâm Quyến. Đây là cảng vận chuyển lớn thứ 4 trên thế giới vận chuyển khoảng 90% lượng hàng điện tử Trung Quốc. Khi dịch bệnh bùng nổ vào năm 2020, cảng Diêm Điềm dừng hoạt động 2/3 công suất trong 3 tuần đã khiến hàng nghìn công ten nơ bị tồn đọng và tạo ra cú sốc cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu lệnh phong tỏa lần này ảnh hưởng đến hoạt động của cảng Diêm Điền thì nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng là rất cao. 

Và với tư cách là “công xưởng sản xuất” của thế giới, bất kỳ sự gián đoạn nào đối với xuất khẩu từ Trung Quốc cũng sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung, từ đó có thể làm tăng lạm phát trên quy mô quốc tế./.

Bùi Thảo