Điểm tin quốc tế tối 04/03: Tổng thống Ukraine đề xuất đối thoại trực tiếp với Tổng thống Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất đối thoại trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin; ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt Nga đến kinh tế các nước châu Âu và Ai Cập; nỗ lực kiểm soát lạm phát bằng việc tăng lãi suất của Mỹ; trải nghiệm khu vui chơi mới tại Walt Disney với chủ đề Chiến tranh giữa các vì sao...là những tin tức quốc tế đáng chú ý.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định, ông sẵn sàng đối thoại trực tiếp và cởi mở với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Theo đó đề xuất hai bên ngồi vào bàn đàm phán như những "người láng giềng" và thảo luận về cuộc chiến đang diễn ra.

Tổng thống Ukraine VOLODYMYR ZELENSKIY: “Tôi nghĩ tôi cần phải nói chuyện với Tổng thống Nga Valadimr Putin. Thế giới phải nói chuyện với ông ấy vì không còn cách nào khác để ngăn chặn cuộc chiến này. ”

Trước đó, vào rạng sáng nay, vòng đàm phán thứ hai giữa Nga và Ukraine đã kết thúc, với sự đồng thuận về các hành lang nhân đạo, cũng như khả năng ngừng bắn. Hai bên đồng ý tiếp tục tiến hành vòng đàm phán thứ ba càng sớm càng tốt.

 Ông VLADIMIR MEDINSKY, Trưởng phái đoàn Nga: "Để thực hiện các thỏa thuận, sẽ có vòng đàm phán thứ ba, không kém phần quan trọng trong những ngày tới. Điều này cũng đòi hỏi sự nỗ lực từ 2 nước. Một số thỏa thuận sẽ cần được phê chuẩn và thự hiện"

 Dư luận khu vực và quốc tế đã đánh giá cao việc Nga và Ukraine xúc tiến hòa đàm, coi đây là bước đi mang lại hy vọng hạ nhiệt xung đột giữa hai bên. Nhiều nhà quan sát cho rằng cuộc xung đột tại Ukraine có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro đe dọa an ninh châu Âu và toàn cầu. Việc đạt được đối thoại là một bước tiến đáng ghi nhận, song các bên liên quan cần kiềm chế các bước đi làm leo thang tình hình, tiếp tục đối thoại để sớm tìm kiếm giải pháp hòa bình.

CẢNH BÁO NGUY HIỂM NẾU LÒ PHẢN ỨNG HẠT NHÂN Ở UKRAINE BỊ TỔN HẠI

Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vừa lên tiếng hối thúc Nga và Ukraine không giao tranh tại khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Za-po-rizh-zhia, cảnh báo "đặc biệt nguy hiểm" nếu nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của Ukraine này bị tổn hại.

Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi kêu gọi các lực lượng quân sự đang hoạt động tại Enerhodar - nơi đặt nhà máy Zaporizhzhia - kiềm chế hành động gần nhà máy điện hạt nhân này. 

Trong khi đó, Thị thưởng Energodar thông báo, sáng 4/3, nhà máy điện hạt nhân này đã bị cháy sau một hoạt động quân sự. Giám đốc nhà máy cho biết hiện các yếu tố an toàn phóng xạ vẫn được đảm bảo. Cơ quan Tình trạng khẩn cấp Ukraine sau đó thông báo đã dập tắt và khống chế được đám cháy ở gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

TRỪNG PHẠT NGA, PHƯƠNG TÂY NHẬN HẬU QUẢ NGƯỢC

Việc thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine đã khiến Nga phải hứng chịu một loạt các biện pháp trừng phạt nặng nề chưa từng có từ Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia khác. Mục tiêu là làm suy yếu Nga nhưng theo các chuyên gia các biện pháp trừng phạt này cũng sẽ là con dao hai lưỡi làm tổn hại chính nền kinh tế châu Âu vừa có dấu hiệu phục hồi sau dịch bệnh.     

Các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga sẽ làm chậm quá trình phục hồi của nền kinh tế Đức – đây là khẳng định vừa được Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đưa ra.

Ông ROBERT HABECK, Bộ trưởng Kinh tế Đức: “Đối với nền kinh tế Đức, hậu quả của các lệnh trừng phạt và xung đột có thể nhìn thấy rõ ràng và có thể cảm nhận được ở một mức độ nào đó. Và dù sao thì động thái này cũng được áp dụng trong một bối cảnh vẫn còn căng thẳng. Chúng tôi đều hy vọng rằng với mùa xuân này, chúng ta sẽ chứng kiến một nền kinh tế tăng trưởng và một giai đoạn phục hồi hậu covid19”.

Các gói lệnh trừng phạt “có mục tiêu” liên tiếp nhắm vào các lĩnh vực tài chính, năng lượng và vận tải của Nga. Đáng kể nhất là quyết định của Đức đình chỉ việc cấp phép cho Dòng chảy phương Bắc 2 và loại bỏ ngân hàng trung ương Nga và một số ngân hàng khác của Nga khỏi Hệ thống thanh toán liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT)

Ông ROBERT HABECK, Bộ trưởng Kinh tế Đức: "Tôi không ủng hộ lệnh cấm vận nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga. Trên thực tế, tôi sẽ phản đối vì chúng ta có thể gây nguy hiểm cho hòa bình xã hội ở Đức."

Hiện chính phủ Đức đang thực hiện các biện pháp nhằm giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt, đồng thời giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

XUNG ĐỘT ẢNH HƯỞNG NHẬP KHẨU LÚA MÌ VÀ DU LỊCH

Không chỉ tại châu Âu, tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine còn lan rộng khắp toàn cầu. Tại Ai Cập, việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt quân sự nhằm vào Ukraine đã gây gián đoạn hoạt động nhập khẩu lúa mì. Hai lô lúa mì mà Ai Cập đặt mua đang bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine, các chuyến hàng khác cũng đang gặp rủi ro. Điều này đẩy ra giá lúa mì tại nước này tăng mạnh.

Ông AHMED SHOUKRY RASHAD, Chuyên gia kinh tế: “Giá lúa mì tăng 30%, dầu, khí đốt tự nhiên và giá vàng cũng tăng. Trong tình huống khẩn cấp, Ai cập sẽ phải sử dụng đến kho dự trữ. Không ai biết rõ, xung đột sẽ diễn ra trong bao lâu. Kho dự trữ của chúng tôi đủ cho bốn tháng cộng với sản lượng địa phương có thể giúp duy trì đến tháng 11. Do đó, điều quan trọng là xung đột phải chấm dứt sớm”. 

Ai Cập là nước nhập khẩu lúa mì hàng đầu thế giới. Năm ngoái, lượng lúa mì mà nước này nhập khẩu từ Nga và Ukraine lần lượt là 50% và 30%.

Không chỉ hoạt động nhập khẩu, ngành du lịch của Ai Cập cũng đang chịu tác động từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Hiện có 20.000 du khách Ukraine bị mắc kẹt tại các khu nghỉ dưỡng của Ai Cập.

Ông MOHAMED WAFA, Quản lý Jar Hotels Group: "Phải chắc chắn một điều, thị trường Nga và Ukraine rất quan trọng đối với ngành du lịch Ai Cập. Hai nước này chiếm phần lớn lượng du khách đến Ai Cập. Chúng tôi hy vọng rằng cuộc khủng hoảng này sẽ nhanh chóng kết thúc để mọi thứ diễn ra bình thường”

Có thể khẳng định, xung đột Nga – Ukraine, cùng với các lệnh trừng phạt lẫn nhau đã và đang gây ra những tác động khôn lường đối với kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phục hồi của các nước giai đoạn hậu COVID-19.

ĐỂ KIỂM SOÁT LẠM PHÁT, CỤC DỰ TRỮ LIÊN BANG MỸ QUYẾT ĐỊNH TĂNG LÃI SUẤT

Hiên nay, chỉ số CPI tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây khiến các chuyên gia kinh tế liên tiếp đưa ra những dự báo về khả năng Cục dự trữ liên bang nước này (FED) sẽ tăng lãi suất trong kỳ họp tới vào tháng 3 này. Mới đây, trong cuộc họp với Ủy ban dịch vụ tài chính Hạ viện Mỹ, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang ông Powell đã có bài phát biểu ủng hộ kịch bản tăng lãi suất 0.25% cho kỳ tăng lãi suất trong tháng 3 và nhấn mạnh việc sẽ sử dụng bất cứ công cụ chính sách nào nhằm kiểm soát mức lạm phát kể cả việc này đồng nghĩa sẽ phải đánh đổi những lợi ích kinh tế.

Chỉ số giá tiêu dùng vốn của Mỹ đã đang tăng với tốc độ rất mạnh trong năm 2021 thì nay trước những bất ổn địa chính trị leo thang giữa Nga và Ukraine, giá dầu và giá hàng hóa tăng cao, chỉ số này được dự báo sẽ tiếp tục lập đỉnh. Chỉ số lạm phát 1 năm tính đến hết tháng 1 ở mức 6.1%. Mức lương trung bình tại Mỹ liên tục được đẩy lên cao trong những tháng gần đây để bù đắp mức tăng lạm phát. 

Ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ: “Thị trường lao động trở nên thắt chặt vô cùng. Tỷ lệ người có việc làm tăng 6,7 triệu trong năm 2021. Và mức lương tăng mạnh trong tháng 1. Tỷ lệ thất nghiệp giảm đáng kể trong năm vừa qua và đạt mức 4% trong tháng 1, và dự đoán duy trì ở mức này trong dài hạn”

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo việc Fed sẽ tăng lãi suất 0.5% trong kỳ họp tháng 3 như là một động thái mạnh mẽ nhằm làm giảm lạm phát nhưng dự báo này không được Chủ tịch Fed ủng hộ.

Ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ: “Tôi nghĩ sẽ là phù hợp để tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 3 sẽ diễn ra trong vài tuần tới và tôi nghiêng về phía đề xuất và ủng hộ phương án tăng 0.25% lãi suất cơ bản.”

Sau phát biểu này của Chủ tịch Fed, thị trường chứng khoán tại Mỹ và châu Á đã tăng trở lại do đã loại bỏ được những lo ngại Fed tăng 0.5% lãi suất cơ bản và tạo hiệu ứng mạnh mẽ khiến dòng vốn rút ra khỏi thị trường chứng khoán. Ông Powell cũng bổ sung thêm rằng tốc đột tăng lãi suất trong thời gian tới tiếp tục phụ thuộc vào diễn biến của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

ĐẮM CHÌM TRONG THẾ GIỚI CỦA “CHIẾN TRANH GIỮA CÁC VÌ SAO”

Mới đây, Walt Disney đã khai trương một công viên giải trí đặc biệt, với mong muốn đem đến cho người hâm mộ sự mới mẻ trong trải nghiệm khi khiến họ quên rằng họ đang ở Florida và thay vào đó là cảm giác như đang ghé thăm một thiên hà xa xôi.

Trải nghiệm "Star Wars: Galactic Starcruiser" tại Walt Disney World ở Orlando, kéo dài hai đêm, đưa khách vào một câu chuyện lấy bối cảnh trên Halcyon - một con tàu vũ trụ kiểu dáng đẹp được cho là nơi Công chúa Leia và Han Solo nghỉ tuần trăng mật.

Các nhà thiết kế của Disney hy vọng du khách có cơ hội được nhập vai vào thế giới hư cấu do George Lucas tạo ra. Khách trên Halcyon có thể tương tác với các phi hành gia không gian, hoặc người bạn lông lá Chewbacca của Han và gặp gỡ các nhân vật mới. Các thành viên phi hành đoàn sẽ được đào tạo về cách xử lý thanh kiếm ánh sáng hoặc chống lại các mối đe dọa đến từ tàu không gian. Trang phục "Chiến tranh giữa các vì sao" được khuyến khích tại đây.

Chuyến phiêu lưu này giá khá đắt đỏ, hơn 4.800 USD cho hai khách, bao gồm hai ngày hai đêm tại một trong 100 cabin của Starcruiser, đồ ăn và thức uống lấy cảm hứng từ dải ngân hà và chuyến thăm Batuu - hành tinh "Chiến tranh giữa các vì sao" bên trong công viên giải trí Disney World./.

Thu Ngoan