Điểm tin quốc tế sáng 30/03: Nga tuyên bố sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu người dân bị đe dọa

Nga tuyên bố sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu người dân bị đe dọa; EU huy động 17 tỷ EURO đối phó với khủng hoảng tị nạn Ukraine; 132 nạn nhân vụ rơi máy bay tại Trung Quốc đã được nhận dạng; Trung Quốc: Người dân thượng hải thích nghi với phong tỏa từng phần; Gia tăng số ca mắc covid-19 ở trẻ em tại Mỹ ... là những tin tức quốc tế đáng chú ý sáng 30/03/2022.

Nga tuyên bố sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu người dân bị đe dọa

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov tuyên bố Nga sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu “sự sống còn của đất nước bị đe dọa”, chứ không phải do cuộc xung đột với Ukraine.

Ông DMITRI PESKOV, Người phát ngôn Điện Kremlin: "Bất kỳ kết quả nào của chiến dịch ở Ukraine không phải lý do cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi có khái niệm an ninh rất rõ ràng rằng chỉ khi có mối đe dọa đối với sự sống còn của đất nước, chúng tôi có thể sử dụng và chúng tôi sẽ thực sự sử dụng vũ khí hạt nhân để loại bỏ mối đe dọa đó."

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các quốc gia phương Tây nhanh chóng gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, bao gồm cả cấm vận dầu mỏ, để gây áp lực lên Moscow. Ông Zelensky cho rằng phương Tây đã sai lầm khi trì hoãn áp lệnh cấm vận vào năm ngoái, dẫn đến việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine.

EU huy động 17 tỷ euro đối phó với khủng hoảng tị nạn Ukraine

Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này sẽ huy động tổng cộng 17 tỷ euro từ các nguồn khác nhau để xử lý cuộc khủng hoảng người tị nạn Ukraine, ước tính đã có khoảng 4 triệu người Ukraine chạy sang lánh nạn tại nhiều quốc gia EU. 

Số tiền 17 tỷ euro sẽ là khoản chi lớn đầu tiên mà châu Âu huy động nhằm trợ giúp các quốc gia thành viên ứng phó với cuộc khủng hoảng tị nạn Ukraine. Một phần lớn số tiền này sẽ được chi cho các nước thành viên xây dựng các địa điểm tiếp nhận, sắp xếp nơi cư trú cũng như chi phí an sinh xã hội tối thiểu cho những người chạy nạn từ Ukraine. Các nguồn tài chính lớn hơn có thể tiếp tục được huy động trong tương lai, tuỳ thuộc vào tình hình chiến sự tại Ukraine.

132 nạn nhân vụ rơi máy bay tại Trung Quốc đã được nhận dạng

Toàn bộ 132 nạn nhân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay của hãng hàng không China Eastern Airlines hôm 21/3 đã được nhận dạng bằng xét nghiệm ADN. Đến nay, hơn 36 nghìn mảnh vỡ máy bay đã được tìm thấy.

Phát biểu với báo giới, người đứng đầu Văn phòng an toàn hàng không, thuộc Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc cho biết, sau khi tìm thấy 2 hộp đen của máy bay, lực lượng cứu hộ đang tích cực tìm kiếm thêm các mảnh vỡ máy bay, các đoạn băng video thu được gần đó về vụ tai nạn cũng như nhân chứng. Tai nạn thảm khốc xảy ra ngày 21/3 khi máy bay Boeing 737-800 số hiệu 5735 của Hãng hàng không China Eastern Airlines, khởi hành từ thành phố Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam) đến thành phố Quảng Châu (thủ phủ tỉnh Quảng Đông), mất liên lạc khi bay qua thành phố Ngô Châu, tỉnh Quảng Tây. Máy bay sau đó đã bị đâm xuống vùng núi. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, trên máy bay có 132 người, bao gồm 123 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn.

Trung Quốc: Người dân thượng hải thích nghi với phong tỏa từng phần

Để đối phó với tình trạng lây lan mạnh của virus SARS-CoV-2, chính quyền thành phố Thượng Hải, Trung Quốc đã phong tỏa từng phần để phục vụ việc triển khai xét nghiệm COVID-19 trên toàn thành phố. Thượng Hải là trung tâm tài chính và thành phố lớn nhất Trung Quốc với 26 triệu dân, người dân thành phố đang xoay xở để thích nghi với biện pháp chống dịch mới.

Thành phố Thượng Hải được chia đôi dọc theo sông Hoàng Phố trong 9 ngày. Từ ngày 28/3 đến sáng 1/4, lệnh phong tỏa tạm thời được áp dụng tại các vùng ở phía Đông và phía Nam sông Hoàng Phố, sau đó từ sáng 1/4 đến sáng 5/4, lệnh phong tỏa được triển khai tại các quận nội đô ở phía Tây sông Hoàng Phố. Trong các khu vực phong tỏa, người dân được yêu cầu ở trong nhà, các dịch vụ như xe bus, tàu điện, phà, taxi, dịch vụ gọi xe công nghệ và tất cả cơ sở kinh doanh không thiết yếu sẽ tạm dừng hoạt động. Ở những khu vực chưa phong tỏa, người dân đang đổ về các siêu thị và các khu chợ để mua thêm thực phẩm, chuẩn bị cho hơn 3 ngày ở yên trong nhà

Chị GAO GE, Người dân Thượng Hải, Trung Quốc: "Dịch bệnh lan nhanh và tôi không bất ngờ khi thành phố phong tỏa như thế này. Tôi nghĩ chính phủ đã làm tốt, chúng tôi cũng ủng hộ nỗ lực chống dịch của các nhân viên y tế và cảnh sát".

Ông BI YINGWU, Người dân Thượng Hải, Trung Quốc: "Nhiều chợ đầu mối đóng cửa nên giờ muốn nhập rau về cũng khó lắm, nhiều chủ buôn bán rau cho chúng tôi ngay trên đường phố, nếu các chợ dân sinh mà bị đóng cửa thì chúng tôi sẽ khó khăn".

Thượng Hải trở thành điểm nóng dịch bệnh với số ca mắc mới liên tục tăng cao từ đầu tháng 3. Chính quyền thành phố vẫn tìm cách phòng dịch mà không phải phong tỏa toàn bộ thành phố. Giới chức nhấn mạnh, cần phải duy trì hoạt động của thành phố cảng cũng như đảm bảo chức năng trung tâm tài chính không bị gián đoạn. Hiện Trung Quốc đang trải qua làn sóng dịch tồi tệ nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này.

 Gia tăng số ca mắc covid-19 ở trẻ em tại Mỹ

Tại Mỹ, gần 30.000 trẻ em đã được xác nhận mắc COVID-19 trong tuần qua. Số ca mắc mới COVID-19 ở trẻ em Mỹ tăng mạnh trong năm 2022, khi làn sóng dịch mới bùng phát do biến thể Omicron lây lan nhanh. 

Theo Viện Nhi khoa Mỹ và Hiệp hội Viện nhi Mỹ, hơn 12,8 triệu trẻ em Mỹ đã mắc COVID-19 kể từ khi dịch bùng phát tại quốc gia này, trong đó hơn 171.000 ca được ghi nhận trong 4 tuần qua. Giới chức y tế nước này cho rằng, cần phải đánh giá những tác động của đại dịch với sức khỏe trẻ em cũng như những tác động lâu dài về thể chất, tinh thần và đời sống xã hội của thế hệ trẻ em và thanh thiếu niên hiện nay do ảnh hưởng của đại dịch. Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 15/2 công bố báo cáo cho thấy, so với làn sóng dịch bệnh do biển thể Delta trước đó, những biến chứng do làn sóng dịch bệnh mà chủng virus Omicron gây ra có thể khiến số trẻ em và thanh thiếu niên nhập viện điều trị tăng tới 4 lần.

Nguyễn Quỳnh Hoa