Điểm tin quốc tế sáng 26/03: Mỹ và Liên minh châu Âu công bố thỏa thuận cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng

Thỏa thuận khí đốt tự nhiên hóa lỏng Mỹ-EU; Anh và Canada khởi động đàm phán FTA; Các nhà đầu tư rút vốn khỏi thị trường Trung Quốc; Kong Kong (Trung Quốc) dần trở lại hoạt động bình thường; Độc đáo cửa hàng bách hóa mỳ ăn liền tại Thái Lan;... là những tin tức quốc tế đáng chú ý sáng ngày 26/03/2022.

THỎA THUẬN KHÍ ĐỐT TỰ NHIÊN HÓA LỎNG MỸ - EU 
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố thỏa thuận cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhằm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Nga-phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine đã và đang tác động mạnh mẽ đến thị trường khí đốt toàn cầu.

Sáng kiến mới được Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu  (EC) Ursula von der Leyen công bố nhân chuyến thăm của nhà lãnh đạo Mỹ tới Brussels. Theo đó, hai bên sẽ thành lập một lực lượng đặc trách về an ninh năng lượng do đại diện của Nhà Trắng và đại diện của Chủ tịch EC điều hành.
Tổng thống Mỹ JOE BIDEN: “Chúng tôi đang cùng nhau hợp tác để giảm bớt sự phụ thuộc của châu  u vào năng lượng của Nga.  Trước đó, vào đầu tháng này, tôi đã tuyên bố Mỹ sẽ cấm tất cả hoạt động nhập khẩu năng lượng từ Nga, để làm rõ rằng người dân Mỹ sẽ không tham gia trợ cấp cho chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine”.

Theo đó, trong năm nay, Mỹ sẽ cung cấp thêm cho EU 15 tỷ m3 khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Lực lượng dặc trách cũng sẽ phối hợp với các nước thành viên EU để hướng tới mục tiêu từ nay cho đến năm 2030, Washington cung cấp thêm cho khối 50 tỷ m3 khí đốt tự nhiên hóa lỏng /năm.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu  Âu Ursula von der Leyen cho biết EU muốn đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, hướng tới một nhà cung cấp đáng tin cậy. 

Bà URSULA VON DER LEYEN - Chủ tịch Ủy ban châu  Âu: “Cam kết của Mỹ nhằm cung cấp thêm ít nhất 15 tỷ m3 LNG cho EU trong năm nay là một bước đi lớn, vì điều này sẽ thay thế nguồn cung LNG mà chúng tôi hiện nhận từ Nga. Và trong tương lai, Mỹ và châu  u sẽ đảm bảo cung cấp ổn định đáp ứng nhu cầu và Mỹ sẽ cung cấp thêm ít nhất 50 tỷ mét khối LNG cho đến năm 2030. "

Hiện các nước thành viên EU vẫn đang bất đồng về vấn đề cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga. Sản xuất nội địa chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu khí đốt của EU, trong khi khí đốt từ Nga chiếm khoảng 40% tổng lượng tiêu thụ ở châu  Âu.

ANH VÀ CANADA KHỞI ĐỘNG ĐÀM PHÁN FTA
Vương quốc Anh và Canada vừa tuyên bố khởi động các cuộc đàm phán thương mại tự do song phương trong bối cảnh nước này tìm cách thúc đẩy tiếp cận thương mại kể từ khi chính thức rời Liên minh Châu  Âu (EU) vào năm ngoái.  Dự kiến, các cuộc đàm phán dự kiến sẽ kéo dài hai năm. Trong năm 2021, Anh là đối tác thương mại lớn thứ ba của Canada về hàng hóa và dịch vụ với kim ngạch song phương đạt giá trị hàng tỷ USD. Anh cũng nước xuất khẩu dịch vụ lớn nhất thế giới và gần một nửa hàng hóa xuất khẩu của Anh sang Canada là lĩnh vực dịch vụ. Cho đến nay, Anh đã ký thỏa thuận với các nước Châu  Âu không thuộc EU như Na Uy, Iceland, và các nước khác như Nhật Bản, Israel và gần đây là Australia và New Zealand.

CÁC NHÀ ĐẦU TƯ RÚT VỐN KHỎI THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC
Theo báo cáo mới nhất của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), các nhà đầu tư đã rút tiền ra khỏi Trung Quốc với quy mô chưa từng có tiền lệ kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine từ cuối tháng 2. Đây là thay đổi rất bất thường trong dòng vốn toàn cầu ở các thị trường mới nổi. +  Theo dữ liệu thống kê chính thức, các nhà đầu tư nước ngoài đã giảm lượng nắm giữ trái phiếu chính phủ Trung Quốc nhiều nhất trong tháng 2, một phần do xung đột Nga-Ukraine thúc đẩy việc mua lại giữa các nhà đầu tư lợi tức cố định toàn cầu. Các lệnh trừng phạt đã đóng băng dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương Nga bằng đồng euro và USD, dẫn đến suy đoán rằng Nga có thể bán tài sản Trung Quốc đang nắm giữ để có tiền. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện còn quá sớm để nhận định đó có phải là xu hướng hay không.

HONG KONG (TRUNG QUỐC) DẦN TRỞ LẠI HOẠT ĐỘNG BÌNH THƯỜNG
Từ ngày 1/4, chính quyền Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) sẽ dần khôi phục các dịch vụ công, mục tiêu là khôi phục hoạt động bình thường vào ngày 21/4. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các quy định về phòng chống dịch, một số dịch vụ không khẩn cấp hoặc không thiết yếu có thể chưa được nối lại sau đó. Cũng từ ngày 1/4, các cơ quan chính quyền tại Hong Kong sẽ trở lại hoạt động bình thường sau thời gian thực hiện yêu cầu làm việc giãn cách, tất cả nhân viên phải hoàn thành 2 mũi tiêm vaccine ngừa Covid-19 trước ngày này.  Trong khi đó, các trường học sẽ nối lại các lớp học trực tiếp sớm nhất vào ngày 19/4, trước hết là các trường quốc tế, tiểu học và mẫu giáo. Nếu tỷ lệ tiêm vaccine trong trường học đạt 90%, các lớp có thể giảng dạy trực tiếp cả ngày. Từ ngày 21/4, Hong Kong cũng sẽ dỡ bỏ lệnh cấm ăn uống trong nhà hàng sau 18h, mở cửa trở lại hầu hết các địa điểm công cộng và cơ sở thể thao.

ĐỘC ĐÁO CỬA HÀNG BÁCH HÓA MỲ ĂN LIỀN TẠI THÁI LAN
Thái Lan – đất nước nổi tiếng với các món ăn đường phố đa dạng và phong phú, thì dường như kinh doanh mì ăn liền khó có thể thành công. Tuy nhiên, mới đây, tại thủ đô Bangkok đã xuất hiện một cửa hàng bách hóa chuyên về mì ăn liền, phục vụ tới hơn 70 loại mì ăn liền từ khắp châu Á, mang đến trải nghiệm độc đáo cho khách hàng.

Cửa hàng mì ăn liền Good Noodle được mở cửa tại một trung tâm thương mại ở Bangkok vào tháng 10 năm ngoái. Hàng nghìn khách hàng trẻ tuổi đã đến đây để thưởng thức món ăn này ngay tại cửa hàng. Mỳ gói ở đây rất đa dạng, có xuất xứ từ nhiều nước như Indonesia, Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Kông, Trung Quốc.

Khách hàng: "Đây đã là lần thứ 3 tôi ghé cửa hàng. Tôi rất thích đến nơi này, vì tôi muốn được thưởng thức các loại mì ăn liền khác nhau”

Khi đến cửa hàng, thực khách có thể tự nấu cho mình một tô mì gói, với giá mỗi suất ăn từ 6-250 bath, tương đương 0,18 đến 7,46 USD.

Anh UNGKOOL WONGKOLHOOT - Quản lý cửa hàng: "Mục tiêu của chúng tôi là khiến khách hàng ăn thử mì gói chứ không phải mua về nhà. Họ sẽ có thể tự chọn loại mì gói mà họ thích và có thể tự nấu. Nếu thích, họ có thể mua thêm để mang về nhà. Tôi muốn mang đến cho khách hàng trải nghiệm mì ngay lập tức."

Mì ăn liền là một món ăn cực kỳ phổ biến ở một số quốc gia châu Á vì hương vị thơm ngon, tiện lợi và giá thành rẻ. Tuy nhiên các chuyên gia y tế cảnh báo không nên tiêu thụ quá nhiều thực phẩm đã qua chế biến vì nó thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng.