Điểm tin quốc tế chiều 26/6: Tổng thống Indonesia công du Nga, Ukraine để thúc đẩy hòa bình

Tổng thống Mỹ công du Châu Âu; Tổng thống Indonesia công du Nga, Ukraine để thúc đẩy hòa bình; Đức tăng cường an ninh cho Hội nghị thượng đỉnh G7; Lũ lụt ở nhiều nơi trên thế giới; Vaccine Covid-19 cứu sống 20 triệu người trong năm đầu đại dịch; Trẻ em khu vực Mỹ Latinh thiệt thòi về giáo dục... là những nội dung quốc tế đáng chú ý ngày 26/6.

TỔNG THỐNG MỸ CÔNG DU CHÂU ÂU

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã rời Nhà Trắng lên đường tới Châu Âu dự một loạt hội nghị quan trọng, gồm Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Đức và Hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Tây Ban Nha. Trong khuôn khổ chuyến thăm Châu Âu, Tổng thống Biden dự kiến sẽ có các cuộc gặp song phương với với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và Quốc vương Tây Ban Nha Philip VI. Ngoài ra, có khả năng ông Biden sẽ tham dự một số cuộc gặp song phương khác bên lề các hội nghị thượng đỉnh. 

Các hội nghị diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp diễn, lạm phát gia tăng trên phạm vi toàn cầu do giá nhiên liệu leo thang gây sức ép lớn cho các nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19. Trong khi đó, Mỹ đối diện với nguy cơ nền kinh tế rơi vào suy thoái và một số vấn đề nội bộ phức tạp.

TỔNG THỐNG INDONESIA CÔNG DU NGA, UKRAINE ĐỂ THÚC ĐẨY HÒA BÌNH

Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Đức trước khi đến thăm Ukraine và Nga để làm hòa giải cho cuộc xung đột. Cuộc chiến Nga-Ukraine phủ bóng lên các cuộc họp của G20 với Indonesia là nước Chủ tịch năm 2022.

Phát biểu trước khi lên đường tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Đức, ông cho biết sẽ nỗ lực thúc giục người đồng cấp Nga và Ukraine mở rộng cơ hội đối thoại trong sứ mệnh xây dựng hòa bình cho các nước. 

Tổng thống Indonesia JOKO WIDODO: “Tôi sẽ đến thăm Ukraine và sẽ gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskiy. Từ Ukraine, tôi sẽ tới Nga để gặp Tổng thống Vladimir Putin. Nhiệm vụ là mời Tổng thống Ukraine, Tổng thống Zelenskiy mở cửa cho đối thoại vì hòa bình và chuỗi lương thực toàn cầu cần được kích hoạt lại. Với sứ mệnh tương tự, tôi sẽ mời Tổng thống Putin mở cửa đối thoại, ngừng bắn ngay lập tức”.

Theo nhận định của truyền thông, chuyến thăm Nga và Ukraine của Tổng thống Indonesia có thể là một nỗ lực để giảm bớt áp lực quốc tế về việc Tổng thống Putin có thể tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20. Việc mời nhà lãnh đạo Ukraine và Nga đến tham dự hội nghị cùng chuyến thăm hai nước đã phản ánh nỗ lực cân bằng lợi ích giữa phương Tây và Nga của Indonesia.

ĐỨC TĂNG CƯỜNG AN NINH CHO HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Để đảm bảo an toàn cho Hội nghị thượng đỉnh G7, hàng nghìn cảnh sát Đức đã được triển khai làm nhiệm vụ. Giới chức Đức trước đó cũng đã áp đặt nhiều biện pháp an ninh tăng cường nhằm đảm bảo tuyệt đối cho sự kiện này.

Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra từ ngày 26/6 đến 28/6 tại Elmau, một khách sạn sang trọng ở miền Nam nước Đức. Khách sạn này được phong tỏa một cách tuyệt đối với một khu an ninh tăng cường như một pháo đài bất khả xâm phạm trong phạm vi rộng 4 km2. Khoảng 18.000 cảnh sát được triển khai xung quanh sân bay Munich và địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Ngoài ra, một màn hình giám sát an ninh rộng 40m2 luôn có khoảng 100 cảnh sát túc trực suốt ngày đêm để có thể tham gia điều phối và giải quyết kịp thời mọi tình huống.

LŨ LỤT Ở NHIỀU NƠI TRÊN THẾ GIỚI

Trong tuần qua, nhiều nơi trên thế giới đã ghi nhận các đợt lũ lụt gây hậu quả nặng nề, phần lớn do các hiện tượng biến đổi khí hậu gây nên. Thành phố du lịch Venice của Italia ngập trong nước trong một đợt mưa kéo dài dẫn đến lũ lụt bất thường. Mực nước không đủ cao để kích hoạt Hệ thống rào chắn lũ Mose trong khi mực nước biển dâng và triều cường bất thường đã dẫn đến sụt lún đất, đẩy mặt nền thành phố xuống thấp. 

Tại thành phố Ngô Châu, thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, mực nước đã lên tới 26,12 mét, mức cao kỉ lục trong năm nay. Mưa lũ đã làm hư hỏng các tuyến đường, khiến nhà cửa ngập trong nước và người dân phải dùng thuyền để đi lại. Chính quyền địa phương đã bố trí xuồng xung kích để đưa đón học sinh sắp tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. 

Còn tại Ấn độ, hàng chục người đã thiệt mạng trong trận lũ lụt kinh hoàng do mưa lớn gây ra trên khắp bang Assam. Khoảng 5,5 triệu người đã phải di dời, trong đó khoảng 3,7 triệu người đang ở trong các khu nhà tạm của chính phủ trên các bờ kè nâng cao hoặc các nền đất khác cao hơn.

VACCINE COVID-19 CỨU SỐNG 20 TRIỆU NGƯỜI TRONG NĂM ĐẦU ĐẠI DỊCH

Sau khi được ra mắt, vaccine phòng bệnh COVID-19 đã ngăn ngừa gần 20 triệu ca tử vong xảy ra trong năm đầu tiên của đại dịch. Hãng thông tấn AFP đưa tin đó là kết quả của nghiên cứu quy mô lớn đầu tiên về việc ước tính số ca tử vong được ngăn ngừa trực tiếp và gián tiếp nhờ tiêm vaccine COVID-19.

Kết quả vừa được nhóm chuyên gia tại Đại học Imperial London công bố, dựa trên số liệu của 185 quốc gia và vùng lãnh thổ được thu thập từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Theo đó, đã có khoảng 19,8 triệu ca tử vong được ngăn ngừa trong số 31,4 triệu ca tử vong có thể xảy ra nếu không có vaccine, tương ứng với 63%. Nghiên cứu này sử dụng các số liệu chính thức hoặc ước tính về số ca tử vong do COVID-19, cũng như tổng số ca tử vong vượt mức của mỗi quốc gia. Sau đó, các chuyên gia đã so sánh số liệu với một kịch bản giả định trong đó không sử dụng vaccine ngừa COVID-19.

TRẺ EM KHU VỰC MỸ LA-TINH THIỆT THÒI VỀ GIÁO DỤC

Trường học đóng cửa do đại dịch và việc thiếu các thiết bị điện tử thông minh đã ảnh hưởng tới trình độ học vấn của trẻ em trên thế giới. Tại một số nơi ở khu vực Mỹ La-tinh, nơi các điều kiện vật chất thiếu thốn và hạn chế, tình trạng bỏ học dẫn đến sự thiệt thòi về giáo dục sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tương lai của các em.

Ở thành phố cao nguyên La Paz của Bolivia, hai cậu bé, 11 tuổi và 8 tuổi, con của chị Maribel Sanchez thường xuyên bỏ học vì thời khóa biểu của 2 em bị trùng nhau trong khi gia đình lại chỉ có 1 chiếc điện thoại thông minh.

Bà MARIBEL COAQUIRA SANCHEZ, phụ huynh học sinh: “Bọn trẻ không học được gì trong các lớp học online. Chúng bị phân tâm. Con trai tôi học năm nhất cấp 2 chưa học được gì, vẫn là con số 0. Cháu chỉ thực sự học khi các lớp học trực tiếp bắt đầu”.

Đây là hiện tượng phổ biến ở khắp khu vực Mỹ La-tinh từ Mexico đến Brazil. Các lớp học trực tiếp chỉ mới bắt đầu trở lại vào năm học 2022 này. Theo các chuyên gia, thế hệ trẻ em đi học ở Mỹ La tinh sẽ giảm 12% thu nhập cả đời do khoảng cách về giáo dục trong thời kỳ đại dịch.

Ông ANDRES UZIN PACHECO, Giám đốc học viện của trường kinh doanh Olave và Trường quản lý công La Paz: “Thế hệ này - chúng ta có thể gọi là thế hệ bị giam cầm - sẽ phải gánh chịu hậu quả không phải trong 5 năm tới, mà trong 20 hoặc 30 năm tới, điều này đòi hỏi phần còn lại của giáo dục hoặc khả năng tiếp cận giáo dục của trẻ tại các trường học hoặc trường đại học, và toàn bộ cuộc đời làm việc của chúng”.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, sự thiệt thòi về giáo dục sẽ dẫn đến các hệ lụy xã hội khác. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, bối cảnh không thuận lợi về mọi mặt, nhiều trẻ em ở những năm cuối cấp 2 buộc phải ra ngoài thị trường lao động hoặc đảm nhận công việc của các thành viên trong gia đình hoặc anh chị em trong gia đình, do cha mẹ phải đi làm.

Quỳnh Hoa