Điểm tin quốc tế 4/2: Tỷ phú Elon Musk thắng kiện trong vụ “thao túng thị trường”

Tổng thống Hàn Quốc sắp thăm Mỹ; Ukraine chuẩn bị nhận viện trợ tên lửa tầm xa; Nghị sỹ Canada tranh cãi về họp nghị viện trực tuyến; Tỷ phú Elon Musk thắng kiện trong vụ “thao túng thị trường”; Căng thẳng Mỹ - Trung sau vụ khinh khí cầu do thám ;... là những tin tức nổi bật có trong điểm tin quốc tế ngày 4/2.

TỔNG THỐNG HÀN QUỐC SẮP THĂM MỸ
 
Korea Herald hôm nay đưa tin, Mỹ và Hàn Quốc đang thảo luận về khả năng Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington trong nửa đầu năm nay.

Theo đó, nếu diễn ra, đây sẽ là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Mỹ của một Tổng thống Hàn Quốc sau 12 năm. Các bên đang thảo luận về quy mô có thể của chuyến thăm, và tháng 4 được coi là thời điểm thích hợp nhất, trùng với thời điểm hai nước kỷ niệm 70 năm quan hệ, trong bối cảnh Seoul đang tìm kiếm sự liên kết chặt chẽ hơn với Washington về cả các vấn đề an ninh và kinh tế.

UKRAINE CHUẨN BỊ NHẬN VIỆN TRỢ TÊN LỬA TẦM XA

Liên quan đến xung đột Nga – Ukraine, Lầu Năm Góc vừa cho biết, một loại tên lửa mới có thể tăng gấp đôi tầm tấn công của Ukraine đã được đưa vào gói viện trợ quân sự trị giá 2,175 tỷ USD của Mỹ dành cho nước này. Thông tin được Reuters đăng tải.

Loại vũ khí mới, có tên “Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất” (GLSDB) sẽ cho phép quân đội Ukraine tấn công các mục tiêu ở khoảng cách xa gấp đôi so với các tên lửa hiện được bắn từ hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp. Với tầm bắn 151km, GLSDB có thể vươn tới mọi mục tiêu của Nga ở chiến tuyến miền Đông, Nam và một phần của Crimea.

NGHỊ SỸ CANADA TRANH CÃI VỀ HỌP NGHỊ VIỆN TRỰC TUYẾN

Các nghị sỹ Canada đang tranh cãi xung quanh việc chấm dứt hay duy trì hình thức họp Nghị viện trực tuyến, vốn đã được thực hiện linh hoạt trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19. Thông tin trên Politico.

Theo đó, một ủy ban liên bang đã khuyến nghị rằng hình thức họp Nghị viện trực tuyến có thể duy trì vô thời hạn, thay vì phải chấm dứt như Hạ viện Mỹ hồi tháng trước. Nhiều nghị sỹ đồng tình với quyết định này khi nó giúp họ có nhiều thời gian hơn để tham dự các sự kiện ở khu vực bầu cử của mình, tuy nhiên các nghị sỹ Đảng Bảo thủ đối lập đã khẳng định phải thực hiện các cuộc họp trực tiếp, cho rằng lựa chọn “nghị viện ảo” cho phép chính phủ có thể trốn tránh trách nhiệm giải trình.

TỶ PHÚ ELON MUSK THẮNG KIỆN TRONG VỤ “THAO TÚNG THỊ TRƯỜNG”

Ông Elon Musk vừa được tuyên thắng kiện trong vụ kiện của các nhà đầu tư hãng xe điện Tesla về một chia sẻ được vị tỷ phú đăng trên mạng xã hội Twitter hơn 4 năm trước, với những cáo buộc “thao túng thị trường” chứng khoán.

CNN đưa tin, phán quyết được Tòa án Liên bang Mỹ đưa ra đã kết thúc phiên tòa kéo dài 3 tuần đối với vụ kiện tập thể của cổ đông Tesla, liên quan đến dòng tweet về việc tư nhân hóa Tesla. Một số cổ đông của Tesla cáo buộc rằng họ đã mất một khoản đầu tư đáng kể do giá cổ phiếu biến động sau dòng tweet, tuy nhiên phán quyết bác bỏ cáo buộc ông Musk vi phạm luật an ninh tài chính, giúp vị tỷ phú này tránh khỏi việc phải trả hàng tỷ USD tiền bồi thường./.

CĂNG THẲNG MỸ - TRUNG SAU VỤ KHINH KHÍ CẦU DO THÁM

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã quyết định hoãn chuyến thăm đến Bắc Kinh sau khi một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay vào không phận Mỹ. Dù Trung Quốc khẳng định đây là khinh khí cầu khí tượng bị “bay lạc” sang Mỹ, Washington vẫn cho rằng đây là “sự vi phạm rõ ràng” chủ quyền của nước này. Báo chí quốc tế có nhiều bài phân tích trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước lại gia tăng.

The Guardian cho biết, Trung Quốc đã lên tiếng xin lỗi Mỹ về vụ việc, khẳng định đây là khinh khí cầu khí tượng bị thổi lệch hướng, nhưng các quan chức Mỹ đã bác bỏ. Lầu Năm Góc đã tái khẳng định đây là một khinh khí cầu do thám, hiện nó đã đổi hướng và đang ở khu vực trung tâm nước Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã lập tức có cuộc điện đàm với ông Vương Nghị, cho rằng đây là một hành động vô trách nhiệm và vi phạm rõ ràng chủ quyền của Mỹ và luật pháp quốc tế, làm suy yếu mục đích của chuyến thăm của ông.

Theo The Guardian, việc chuyến thăm Trung Quốc của ông Blinken bị hoãn lại sẽ cản trở những nỗ lực giải quyết bất đồng giữa hai nước, đặc biệt là vấn đề Đài Loan, vị thế quân sự của mỗi bên ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bắc Kinh tuần này đã kịch liệt phản đối một thỏa thuận giữa Philippines và Mỹ, trong đó Manila cho phép Mỹ mở rộng quyền tiếp cận các căn cứ quân sự của nước này.

Cùng chung quan điểm, bài phân tích trên Channel News Asia, việc hoãn chuyến thăm của ông Blinken là một đòn giáng mạnh vào hy vọng của Mỹ - Trung trong việc củng cố mối quan hệ đang ngày càng rạn nứt. Chuyến thăm cuối cùng của một ngoại trưởng Mỹ đến Trung Quốc là vào năm 2017.

Tuy nhiên, Channel News Asia cũng dẫn quan điểm của ông, Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về châu Á dưới thời Tổng thống Barack Obama, cho biết ông không thấy lý do chiến lược nào để hủy bỏ chuyến thăm và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ với Trung Quốc.

Quan hệ hai nước đã xấu đi đáng kể trong những năm gần đây, đặc biệt là sau chuyến thăm Đài Loan hồi tháng 8/2022 của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.