Điểm tin quốc tế 21/6: EU cân nhắc gói trừng phạt mới nhằm vào Nga và Belarus

EU cân nhắc gói trừng phạt mới nhằm vào Nga và Belarus; Brics thúc đẩy hợp tác giữa Brazil và Trung Quốc; Đông Nam Á đối mặt với mất an ninh lương thực; Người dân Nhật Bản áp lực vì giá thực phẩm tăng cao; Biểu tượng nhà hàng nổi của Hongkong (Trung Quốc) bị chìm; Hàn Quốc phóng tên lửa Nuri tự chế tạo lần hai;... là những tin quốc tế nổi bật ngày 21/6.

EU CÂN NHẮC GÓI TRỪNG PHẠT MỚI NHẰM VÀO NGA VÀ BELARUS 

Trong cuộc họp Hội đồng Đối ngoại Liên minh Châu Âu tại Luxembourg, nhiều nước thành viên đã thảo luận về việc tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, đồng thời cân nhắc các gói trừng phạt mới nhằm vào Nga và đồng minh Belerus.

Động thái của EU được đưa ra khi chiến dịch quân sự mà Moscow phát động tại Kiev vẫn chưa kết thúc. Theo đó, khoảng 1/3 trong số 27 nước EU, chủ yếu là là các nước Bắc Âu và Đông Âu, muốn Ủy ban Châu Âu (EC) triển khai gói trừng phạt thứ 7. Tuy nhiên, phía Đức và một số quốc gia khác muốn tập trung vào các gói trừng phạt trước đó để xử lý các kẽ hở còn tồn đọng hơn là đưa ra các biện pháp mới. 

BRICS THÚC ĐẨY HỢP TÁC GIỮA BRAZIL VÀ TRUNG QUỐC

Cơ chế nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi BRICS đã góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại, khoa học và y tế giữa Brazil và Trung Quốc. Đây là khẳng định vừa được Đại sứ Brazil tại Trung Quốc đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh BRICS. 

Theo đại sứ Đại sứ Brazil tại Trung Quốc Paulo Estivallet de Mesquita, quan hệ thương mại giữa Brazil và Trung Quốc được đánh giá là đem lại nhiều cơ hội kinh doanh tiềm năng cho các nhà đầu tư. Sự hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ từ nhiều thập kỷ trước đã thúc đẩy ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của Brazil phát triển. 

Ông PAULO ESTIVALLET DE MESQUITA, Đại sứ Brazil tại Trung Quốc: “Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Brazil trong 12 năm qua. Quan hệ thương mại của Brazil với Trung Quốc hiện lớn gấp đối so với Mỹ. Điều này được coi là một thành công lớn trong tiến trình phát triển quan hệ ngoại giao và cùng đem lại lợi ích song phương.”

Ngoài ra, một số lĩnh vực khác như du lịch vẫn còn dư địa để tăng trưởng mặc dù bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch Covid-19 trong suốt 3 năm qua.

ĐÔNG NAM Á ĐỐI MẶT VỚI MẤT AN NINH LƯƠNG THỰC

Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) vừa đưa ra cảnh báo, tình trạng mất an ninh lương thực có thể xảy ra tại khu vực Đông Nam Á, ngay cả khi các quốc gia tại đây có thế mạnh về nông nghiệp.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), chỉ số giá lương thực thế giới trong tháng 5 tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá lương thực, thực phẩm tiếp tục ở mức cao kỷ lục, trở thành mối đe doạ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân Đông Nam Á. 

Trong khối ASEAN, nguy cơ cuộc khủng hoảng lương thực luôn hiện hữu, thể hiện qua tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng và tăng trưởng thấp còi luôn ở mức cao. Theo nghiên cứu, mức chi trung bình của người dân Philippines cho lương thực thực phẩm là khoảng 30-40% thu nhập,  vì vậy thực trạng giá cả thực phẩm tăng mạnh có thể coi là cú sốc đối với họ. Một số nước Đông Nam Á đã áp dụng chính sách bảo hộ lương thực. 

FAO cho rằng, mất an ninh lương thực tại một quốc gia sẽ ảnh hưởng đến các nước láng giềng. Giải pháp tối ưu là xem xét xử lý vấn đề an ninh lương thực của cả khu vực. Cuộc khủng hoảng lương thực lần này trên toàn cầu cũng phản ánh thực tế về sự phụ thuộc vào nguồn ngũ cốc nhập khẩu của nhiều quốc gia. Vì vậy, các quốc gia cần đa dạng hóa nguồn cung lương thực, dự trữ các nguồn thay thế.

NGƯỜI DÂN NHẬT BẢN ÁP LỰC VÌ GIÁ THỰC PHẨM TĂNG CAO

Tại Nhật Bản, đứng trước áp lực chi phí nhiên liệu nhập khẩu và giá năng lượng tăng cao, nhiều doanh nghiệp đã tăng giá sản phẩm trên thị trường. Động thái này hỗ trợ bảo vệ lợi ích cho các doanh nghiệp trước các biến động kinh tế nhưng lại trở thành mối lo lớn đối với người tiêu dùng nước này.

Giá của hơn 10.000 mặt hàng thực phẩm tại Nhật Bản có thể tăng trung bình 13% trong năm 2022. Hiện nay, nhiều công ty thực phẩm lớn đã bắt đầu tăng giá trong tháng 6 và dự kiến tăng mạnh hơn trong tháng 7 tới. Trước tình hình đó, nhiều hộ gia đình tại Nhật Bản đã phải siết chặt chi tiêu tài chính. Các chuyên gia cho rằng giá cả leo thang chủ yếu do nhu cầu tăng mạnh ở giai đoạn phục hồi hậu Covid-19. Các yếu tố khác như xung đột Nga-Ukraine cũng làm gián đoạn chuỗi cung ứng và tác động từ sự sụt giá của đồng nội tệ.

BIỂU TƯỢNG NHÀ HÀNG NỔI CỦA HONGKONG (TRUNG QUỐC) BỊ CHÌM

Giới chức Hongkong (Trung Quốc) cho biết, nhà hàng nổi Jumbo, được coi như một biểu tượng văn hoá du lịch nổi tiếng đã bị chìm tại biển Đông. Vụ việc xảy ra khi chưa đầy 1 tuần Nhà hàng nổi Jumbo di dời khỏi cảng Aberdeen.

Các cơ quan cứu hộ cho biết không có thương vong trong vụ tai nạn. Nguyên nhân dẫn đến vụ việc được cho là do thời tiết xấu, sóng dữ đã tràn vào Nhà hàng nổi Jumbo tại khu vực biển Đông, gây ngập một phần. Ngay sau đó, công ty phụ trách kéo tàu đã tìm cách xử lý nhưng không hiệu quả. Dự kiến việc trục vớt sẽ cực kỳ khó khăn do độ sâu tại nơi nhà hàng bị chìm là hơn 1.000m.

HÀN QUỐC PHÓNG TÊN LỬA NURI TỰ CHẾ TẠO LẦN HAI

Giới chức Hàn Quốc cho biết, quốc gia này chuẩn bị phóng thử lần hai tên lửa Nuri tự sản xuất nội địa. Lần thử đầu tiên của tên lửa này được tiến hành vào 8 tháng trước, tuy thành công nhưng chưa đưa được vệ tinh giả vào quỹ đạo.

Tên lửa đã được dựng lên bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Naro. Các vấn đề tồn đọng về cảm biến bình chứa chất ôxy hóa đã được xử lý kịp thời trước khi khởi động. Tên lửa Nuri được thiết kế để đưa lên quỹ đạo cách trái đất đến 800km. Thiết bị này được coi là nền tảng để khởi động chương trình không gian, phát triển hệ thống mạng 6G, vệ tinh do thám và thậm chí cả tàu thăm dò Mặt Trăng của Hàn Quốc.

Đinh Phượng