Điểm tin quốc tế 16/6: Mỹ kéo dài thời gian miễn trừng phạt năng lượng Nga

Israel và Ai Cập thoả thuận tăng xuất khẩu khí đốt sang EU; Mỹ kéo dài thời gian miễn trừng phạt năng lượng Nga; WHO dự kiến ban bố tình trạng khẩn cấp đối với bệnh đậu mùa khỉ; Mỹ hỗ trợ Ukraine xuất khẩu ngũ cốc; Thuỵ Sĩ đóng cửa không phận do lỗi kỹ thuật máy tính; Hàn Quốc: Tài xế quay trở lại làm việc... là những tin quốc tế nổi bật sáng 16/6.

ISRAEL VÀ AI CẬP THOẢ THUẬN TĂNG XUẤT KHẨU KHÍ ĐỐT SANG EU

Trong bối cảnh Liên minh Châu Âu (EU) đang nỗ lực tìm kiếm nguồn thay thế năng lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga, Israel và Ai Cập thoả thuận sẽ tăng cường xuất khẩu khí đốt vào khu vực này. 

Bộ Năng lượng Israel cho biết, thỏa thuận được ký kết với EU sẽ là khởi đầu cho việc xuất khẩu một lượng lớn khí đốt của quốc gia này sang Châu Âu. Bên cạnh đó, EU cũng khuyến khích các công ty Châu Âu tham gia vào các cuộc đấu thầu thăm dò của Israel và Ai Cập. Về cách thức vận chuyển, một lượng khí đốt của Israel sẽ được gửi bằng đường ống đến các nhà máy hóa lỏng trên bờ biển Địa Trung Hải của Ai Cập, và được xuất khẩu dưới dạng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Bà URSULA VON DER LEYEN, Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu (EC):EU đang đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch từ các nhà cung cấp khác ngoài Nga. Nguồn cung cấp năng lượng truyền thống từ phía Bắc hiện đang chuyển dịch lớn về phía nam Địa Trung Hải. Thoả thuận trên sẽ tận dụng những nguồn tài nguyên thử nghiệm trước, và hướng đến sử dụng năng lượng sạch trên toàn cầu trong tương lai.”

Theo các chuyên gia, thoả thuận trên cho thấy khí đốt tự nhiên sẽ có vai trò trung tâm trong thị trường năng lượng của EU từ nay cho đến năm 2030. Sau đó, sẽ giảm dần lượng sử dụng loại khí đốt này để EU hướng đến 1 nền kinh tế không ohats thải CO2 vào năm 2050.

MỸ KÉO DÀI THỜI GIAN MIỄN TRỪNG PHẠT NĂNG LƯỢNG NGA

Bộ Tài chính Mỹ bất ngờ cho phép các tổ chức tài chính nước này tiếp tục xử lý các giao dịch liên quan đến mua bán sản phẩm năng lượng Nga thêm gần 6 tháng. Theo đó, thời gian miễn áp lệnh trừng phạt vào Nga đã được kéo dài.

Trong bối cảnh việc miễn trừ các lệnh trừng phạt tài chính nghiêm ngặt của Mỹ nhằm loại Nga khỏi hầu hết các hệ thống tài chính toàn cầu dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 24/6, quyết định gia hạn bất ngờ đã được thông qua. Washington sẽ tiếp tục cho phép thanh toán tiền mua năng lượng cho Nga đến hết ngày 5/12. Liên quan đến vấn đề trên, vào cuối tháng 5 vừa qua, 27 quốc gia EU đã thống nhất áp lệnh trừng phạt thứ 6 đối với Moscow do ảnh hưởng từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Theo đó, EU sẽ cắt giảm tới 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga.

WHO DỰ KIẾN BAN BỐ TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP ĐỐI VỚI BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ

Trong bối cảnh bệnh đầu mùa khỉ đang có xu hướng lây lan mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới, WHO dự kiến ban bố tình trạng khẩn cấp đối với dịch bệnh này để nâng cao cảnh giác trong cộng đồng.

Trước các mối lo ngại về tình trạng bùng phát bất thường của dịch đậu mùa khỉ, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sẽ tổ chức họp khẩn vào ngày 23/6 để đánh giá khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng. Đây được coi là mức độ cảnh báo cao nhất mà WHO đưa ra.

Liên quan đến việc tìm hiểu nguyên nhân lây nhiễm, WHO hiện đang xem xét các báo cáo về sự xuất hiện của loại virus này trong tinh dịch của các ca nhiễm tại Italia và Đức. Yếu tố trên đang củng cố gải thuyết đây là bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

Bà CATHERINE SMALLWOOD, Chuyên gia y tế: “Hiện nay, chúng tôi đánh giá phần lớn căn bệnh này lây nhiễm qua sự gần gũi về thể chất giữa các cá nhân, tiếp xúc da với da, da với miệng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khuyến nghị bệnh nhân nên quan hệ tình dục an toàn, sử dụng các biện pháp bảo vệ sức khoẻ. Bên cạnh đó, sẽ có những nghiên cứu kỹ hơn về sự hiện diện của virus trong tinh dịch và các chất dịch cơ thể khác.”

Được biết, tại các nước Châu Phi, bệnh đậu mùa khỉ được coi là bệnh đặc hữu. Trước các mối lo ngại về sự kỳ thị và phân biệt sắc tộc xung quanh loại virus này, nhiều chuyên gia của WHO cho rằng cần đổi tên gọi và đề xuất là "hMPXV A.1”.

MỸ HỖ TRỢ UKRAINE XUẤT KHẨU NGŨ CỐC

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết các hầm chứa tạm thời sẽ được xây dựng dọc theo biên giới với Ukraine, bao gồm cả ở Ba Lan, nhằm hỗ trợ Ukraine xuất khẩu lượng lớn ngũ cốc đang bị tồn đọng tại các cảng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng việc hỗ trợ Ukraine xuất khẩu ngũ cốc sẽ hỗ trợ mạnh mẽ giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang gia tăng. Bên cạnh đó, ông cho biết chính quyền Mỹ đang làm việc với các nước Châu Âu khác để khai thác nguồn ngũ cốc này và xuất ra thị trường, nhằm hạ giá lương thực thực phẩm đang tăng cao.

Tổng thống Mỹ JOE BIDEN: “Mỹ đang xem xét kế hoạch đưa ngũ cốc của Ukraine sang các quốc gia khác bằng đường sắt. Trước mắt, chúng tôi sẽ xây dựng các hầm chứa tạm thời ở biên giới Ukraine, bao gồm cả ở Ba Lan để có thể phân phối ra toàn cầu, mặc dù quá trình này sẽ tốn nhiều thời gian hơn thông thường.”

Ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine, các cảng thương mại của Ukraine tại khu vực biển Đen đã bị phong toả khiến cho hơn 20 triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt trong các hầm chứa. Trước đó, Nga và Ukraine chiếm 30% nguồn cung lúa mì toàn cầu. Ukraine xuất khẩu chính là ngô và dầu hướng dương, trong khi đó Nga xuất khẩu chủ yếu là phân bón.

THUỴ SĨ ĐÓNG CỬA KHÔNG PHẬN DO LỖI KỸ THUẬT MÁY TÍNH

Theo giới chức Thuỵ Sĩ, sân bay Geneva đã phải đóng cửa không phận trong vài giờ vào sáng 15/6 do lỗi kỹ thuật máy tính. Sự cố trên khiến nhiều chuyến bay phải trì hoãn và khiến nhiều hành khác lo lắng. 

Theo Cơ  quan kiểm soát không lưu Thụy Sĩ, không phận Thụy Sĩ đã mở trở lại sau khi sự cố kỹ thuật máy tính được xử lý. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến sự cố kể trên không được thông báo chi tiết. Ngay sau đó, các hoạt động tại sân bay quốc gia ở Geneva và Zurich đã được nối lại nhanh chóng để phục vụ hành khách.

HÀN QUỐC: TÀI XẾ QUAY TRỞ LẠI LÀM VIỆC

Tại Hàn Quốc, cuộc đình công kéo dài 1 tuần qua của hàng ngàn tài xế nhằm phản đối giá nhiên liệu tăng cao đã gây gián đoạn chuỗi cung ứng trong nhiều lĩnh vực. Sau khi đạt được thoả thuận đình công, hàng ngàn tài xế đã quay trở lại làm việc như thường lệ.

Giới chức Hàn Quốc cho biết, Công đoàn và Bộ Giao thông Vận tải nước này đạt được một thỏa thuận dự kiến để chấm dứt cuộc đình công dài ngày của các tài xế. Theo đó, mức cước vận tải tối thiểu của các tài xế xe tải sẽ được kéo dài, mức lương tối thiểu được đảm bảo, đồng thời tăng trợ cấp nhiên liệu trong quá trình vận tải hàng hoá.