Điểm tin quốc tế 13/4: Đàm phán hòa bình Nga - Ukraine ngày càng khó khăn

Triển vọng về việc sớm tháo gỡ bất đồng giữa Nga và Ukraine đang ngày càng thu hẹp lại. Đã 2 tuần trôi qua mà 2 bên chưa có thêm các cuộc đàm phán mới. Phía Ukraine thừa nhận đối thoại đang cực kỳ khó khăn. Còn Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, Ukraine đã đi chệch hướng khỏi thỏa thuận đạt được trong cuộc hòa đàm ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.

ĐÀM PHÀN HÒA BÌNH NGA VÀ UKRAINE KHÔNG CÓ TIẾN TRIỂN

Phát biểu trước báo giới trong cuộc họp báo với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Ukraine đã đi ngược lại các thỏa thuận dự kiến được thực hiện giữa các đoàn đàm phán Nga và Ukraine tại Istanbul vào cuối tháng 3 vừa qua.

Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN: “Chúng ta đã đạt được một số thỏa thuận ở Istanbul, nhưng phía Ukraine đã rời bỏ thỏa thuận đã đạt được ở Istanbul. Giờ đây, việc yêu cầu đảm bảo an ninh là một chuyện, còn việc giải quyết các mối quan hệ với Crimes, Sevastopol và Donbass lại nằm ngoài khuôn khổ thỏa thuận. Do vậy, một lần nữa chúng ta lại rơi vào bế tắc.”

Trong khi đó, phía Ukraine thừa nhận các cuộc đàm phán đang diễn ra với Nga nhằm chấm dứt xung đột là "vô cùng khó khăn", sau khi Moskva cáo buộc các nhà đàm phán Ukraine làm chậm các cuộc thảo luận bằng cách thay đổi các yêu cầu.

Ông MYKHAYLO PODOLYAK - Trưởng đoàn đám phán Ukraine: "Phía Nga tuân thủ các chiến thuật truyền thống là gây sức ép dư luận đối với quá trình đàm phán, bao gồm cả việc thông qua một số tuyên bố công khai. Tuy nhiên, lập trường của chúng tôi sẽ không thay đổi. Chúng tôi sẽ tuân thủ những đề xuất mà chúng tôi đã đưa ra tại cuộc đàm phán với Nga ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.”

Trong một diễn biến có thể khiến cuộc xung đột Nga – Ukraine trở nên trầm trọng hơn, dự kiến, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố gói viện trợ quân sự 750 triệu USD cho Ukraine. Kế hoạch này được tài trợ trong khuôn khổ Đạo luật sản xuất quốc phòng, vốn trao cho Tổng thống thẩm quyền chuyển giao các hàng hóa và dịch vụ mà không cần Quốc hội thông qua trong trường hợp khẩn cấp. Các thiết bị nằm trong gói hỗ trợ bổ sung này có thể bao gồm các hệ thống pháo mặt đất hạng nặng cho Ukraine, trong đó có cả pháo phản lực.

Với những diễn biến trên thực địa và bàn đàm phán như vậy, có thể thấy cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khó chấm dứt trong thời gian ngắn khi các bên vẫn chưa dung hòa được lợi ích của mình.

IRAN LẠC QUAN THẬN TRỌNG VỀ ĐÀM PHÁN HẠT NHÂN 

Trong cuộc họp với các thành viên của chính phủ Iran, ông Khamenei tuyên bố tuyệt đối không chờ đợi các cuộc đàm phán hạt nhân để lập kế hoạch cho sự phát triển của đất nước mà cần tiếp tục tiến về phía trước. Theo Lãnh tụ Khamenei, tương lai của Iran không nên gắn liền với sự thành công hay sụp đổ của các cuộc đàm phán hạt nhân với các cường quốc trên thế giới, đồng thời cho biết thêm các cuộc đàm phán để khôi phục một thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đang tiến triển tốt. Tuyên bố này được đưa ra sau gần một năm đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ về vấn đề hạt nhân nhưng vẫn bế tắc.

INDONESIA THÔNG QUA LUẬT PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC TÌNH DỤC

Sau 6 năm thảo luận và vượt qua nhiều vướng mắc, tranh cãi, đa số các nghị sỹ Indonesia nhất trí thông qua Dự luật tội phạm bạo lực tình dục, tạo khuôn khổ pháp lý cho các nạn nhân tìm lại công lý và xóa bỏ vấn nạn này. Theo luật này, tội phạm lạm dụng tình dục, tùy theo mức độ nghiêm trọng, sẽ phải chịu mức án từ 4 tới 15 năm tù. Luật cũng quy định tòa án phải buộc những kẻ bị kết án bồi thường cho nạn nhân, trong khi các cơ quan chức năng cần cung cấp dịch vụ tư vấn cho nạn nhân. Nhiều nhà hoạt động xã hội và công chúng Indonesia đã lên tiếng hoan nghênh quyết tâm của Chính phủ, cơ quan lập pháp nước này trong việc xây dựng và thông qua Luật tội phạm bạo lực tình dục, một bộ luật được cho là có cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm và bảo vệ các thế hệ tương lai. 

SRI LANKA VỠ NỢ, CHÌM TRONG KHỦNG HOẢNG

Tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu trầm trọng, cùng với việc cắt điện hàng ngày kéo dài đã gây ra nhiều khó khăn cho 22 triệu người tại Sri Lanka trong thời kỳ suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ khi nước này giành được độc lập vào năm 1948.

Người dân Sri Lanka: “Hôm qua cắt điện 10 tiếng, còn hôm nay chính quyền thông báo là 13 tiếng. Tất cả đồ ăn trong tủ lạnh đều hỏng hết. Thời tiết thì quá nóng, bọn trẻ con cứ khóc suốt.”

Người dân Sri Lanka: “Với tình trạng cắt điện thế này, chúng tôi không thể làm gì được. Việc kinh doanh vì thế mà cũng bị gián đoạn.”

Thực trạng này đã khiến người dân Sri Lanka giận giữ và mất niềm tin đối với Chính phủ. Hàng nghìn người đã cắm trại bên ngoài văn phòng của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ở thủ đô Colombo nhiều ngày liên tiếp nhằm kêu gọi ông từ chức. Trong khi đó, nhiều người còn cố gắng xông vào nhà của các nhà lãnh đạo chính phủ khiến lực lượng an ninh phải sử dụng hơi cay và đạn cao su để giải tán.

Người dân Sri Lanka: “Đất nước đang đoàn kết với nhau và Tổng thống Gotabaya cần phải từ chức. Chúng tôi đang đấu tranh cho gia đình mình, cho quyền lợi của chính mình.”

Cuộc khủng hoảng kinh tế của Sri Lanka bắt đầu với việc không thể nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, sau khi đại dịch Covid-19 làm sụt giảm doanh thu quan trọng từ du lịch và kiều hối. Bên cạnh đó, chi tiêu của chính phủ ở mức cao, việc cắt giảm thuế khiến nguồn thu của nhà nước bị thâm hụt, các khoản trả nợ lớn cho Trung Quốc và dự trữ ngoại hối ở mức thấp nhất trong thập kỷ cũng góp phần gây ra khủng hoảng hiện nay. Chính phủ nước này đã áp dụng một lệnh cấm nhập khẩu rộng rãi để bảo tồn dự trữ ngoại tệ và sử dụng chúng để trả các khoản nợ, tuy nhiên chính sách này không hiệu quả và dẫn tới tình trạng vỡ nợ. 

SỨC ÉP LẠM PHÁT GIA TĂNG TẠI CHÂU Á

“Bán đồ chất lượng cao với một mức giá hợp lý” là tiêu chí của bà Choi Sun-hwa, 67 tuổi, chủ một cửa hàng bán kim chi tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Bà luôn tự tay mua nguyên và làm ra những hộp kim chi chất lượng, nhưng kể khi giá cả bắt đầu tăng cao, việc kinh doanh của bà cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

Bà CHOI SUN-HWA - Chủ cửa hàng bán kim chi, Hàn Quốc: “Giá nguyên liệu đều tăng lên. Chẳng hạn, cùng với một mức giá đó, trước tôi có thể mua được 10 bó cải thảo, nhưng bây giờ chỉ chỉ còn 7 bó thôi. Tuy nhiên, tôi vẫn bán kim chi với giá cũ. Nhưng nếu giá vẫn tăng thế này thì tôi không thể kinh doanh được. Chắc tôi phải tăng giá kim chi lên thôi.”

Cũng giống với bà Choi, anh Yusuke Iwai, chủ cửa hàng bán mỳ udon tại Nhật Bản cũng đang phải đối phó với tình trạng giá cả tăng cao do lạm phát. Không chỉ riêng hóa đơn tiền điện và chi phí nhân công, giá nguyên liệu, từ bột mỳ cho tới dầu ăn, đều đã tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Anh YUSUKE IWAI - Chủ cửa hàng mỳ Udon, Nhật Bản: “Trước tôi chỉ bán một bát mỳ udon với giá từ 2-3 USD, nhưng bây giờ phải tăng giá lên rồi. Như vậy mới đủ để tôi bù vào khoản tiền mua nguyên liệu.”

Giá nguyên liệu tăng đột biến bắt đầu từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong đại dịch Covid-19. Đối với các hộ gia đình ở châu Á, điều này khiến họ thấy áp lực bởi thức ăn đường phố - với ưu điểm về chất lượng mà giá cả phải chăng - là một phần không thể thiếu trong xã hội và có đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế tại những quốc gia ở châu lục này.

Thực khách: “Tôi nghĩ việc giá cả leo thang là điều dễ hiểu vì bây giờ cái gì cũng tăng giá. Chúng ta cần phải điều chỉnh lại một số thói quen ăn uống thôi.”

Ngoài Hàn Quốc và Nhật Bản, rất nhiều quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, … cũng đang phải đối phó với sức ép lạm phát. Tuy nhiên, Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định lạm phát gia tăng trong khu vực vẫn có thể kiểm soát được. Điều quan trọng là các ngân hàng trung ương trong khu vực phải theo dõi tình hình lạm phát của mỗi nước một cách chặt chẽ. Lạm phát cao và kéo dài ảnh hưởng nặng nề nhất đến người nghèo và do đó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội.

ÁP DỤNG NGHỆ THUẬT DÂN GIAN TRONG SẢN XUẤT ĐÈN LỒNG 

Chị Abeer Antar, một nghệ nhân Ai Cập, đã kết hợp nghệ thuật dân gian với các vật dụng đựng nước truyền thống để cho ra đời những chiếc đèn lồng trang trí thủ công.

Chị ABEER ANTAR - Nghệ nhân Ai Cập: “Tôi sử dụng Qulla, là những thứ trong dân gian mọi người sử dụng để đựng nước uống. Nó được làm từ đất sét, và được cho là có tác dụng lọc nước, giúp cho nước mát khi tủ lạnh chưa ra đời. Giờ thì nó không được sử dụng phổ biến nữa ngoài việc là một vật trang trí trong nhà.”

Người Ai Cập thường đón lễ Ramadan bằng cách mua những chiếc đèn lồng để trang trí nhà cửa, đường phố. Đèn lồng là một vật gắn liền với tháng lễ quan trọng này từ hơn 1.100 năm trước. Ngày nay, đèn lồng đã trở thành một món quà phổ biến dành cho trẻ em trong tháng lễ Ramadan.  

Chị ABEER ANTAR - Nghệ nhân Ai Cập: “Tôi cố gắng đổi mới nhiều nhất có thể trong từng sản phẩm để nó trở nên độc đáo. Tôi không muốn khách hàng bước vào đây và nhìn những món đồ giống hệt nhau. Họ sẽ mang về những món đồ độc nhất và chỉ mình họ có.”

Trước đây, mỗi năm, Ai Cập thường nhập khẩu đèn lồng với trị giá hàng triệu USD. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, lệnh cấm nhập khẩu đèn lồng của chính phủ đã khiến nhiều nghệ nhân chuyển sang tự sản xuất mặt hàng này nhằm phục vụ thị trường trong nước. 

Ngọc Anh