Điểm tin quốc tế ngày 6/4: Thượng Hải chật vật trước làn sóng dịch Covid-19 lớn kỷ lục

Thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) trở thành điểm nóng dịch bệnh, thành phố bị phong tỏa nghiêm ngặt, người dân đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực trong khi các cơ sở y tế trở nên quá tải. Cùng với đó là tin tức về phát biểu của Tổng thống Ukraine trước Hội đồng bảo an Liên hợp quốc; EU dự định thu phí giám sát với các nền tảng trực tuyến.

Tổng thống Ukraine kêu gọi Liên hợp quốc hành động 

Phát biểu trực tuyến trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga về những cái chết của dân thường ở thị trấn Bucha, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm giải trình đối với Nga là điều "không thể tránh khỏi".

Tổng thống Ukraine VOLODYMYR ZELENSKY: "Các quân nhân Nga và những người đã ra lệnh cho họ phải chịu trách nhiệm về những tội ác đã gây ra ở Ukraine.”

Trong phát biểu sau đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cho rằng các cáo buộc từ phía Ukraine là không chính xác. 

Ông VASSILY NEBENZIA - Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc: Chúng tôi không bắn vào các mục tiêu dân thường. Đây chính xác là lý do vì sao chúng tôi không tiến nhanh như nhiều người nghĩ."

Tổng thống Zelensky cũng chất vấn giá trị của Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên, khi cơ quan này không thể có bất kỳ hành động gì đối với việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, vì Mátxcơva có quyền phủ quyết.

Tổng thống Ukraine VOLODYMYR ZELENSKY: “Cần thiết phải có các hành động ngay lập tức. Hiến chương Liên hợp quốc phải có hiệu lực trở lại ngay lập tức, để có sự đại diện công bằng của tất cả các khu vực trên thế giới trong Hội đồng Bảo an.”

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo Hội đồng Bảo an rằng xung đột ở Ukraine hiện nay là “một trong những thách thức lớn nhất đối với trật tự quốc tế”. Dự kiến Đại hội đồng Liên Hợp Quốc gồm 193 thành viên sẽ bỏ phiếu trong ngày 7/4 về kiến nghị loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền. Cần 2/3 số phiếu ủng hộ để đề xuất này được thông qua.

EU dự định thu phí giám sát với các nền tảng trực tuyến

Các quy tắc mới này thuộc Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA), dự kiến sẽ được thống nhất giữa các quốc gia thành viên EU và các nhà lập pháp vào cuối tháng này. Quy tắc áp dụng với các nền tảng trực tuyến có từ 45 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trở lên. Mức phí có thể tăng từ 20 triệu euro đến 30 triệu euro mỗi năm (khoảng 22 đến 33 triệu USD). Động thái của Ủy ban châu Âu diễn ra trong bối cảnh, khối này đang tìm kiếm các nguồn doanh thu mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực sau đại dịch, đồng thời thúc đẩy một nền kinh tế xanh hơn và thiên về kỹ thuật số hơn.

Thượng Hải chật vật trước làn sóng dịch lớn kỷ lục

Giới chức Thượng Hải cho biết, báo cáo ghi nhận 17.007 ca mắc mới trong ngày 5/4, lập kỷ lục ngày thứ 5 liên tiếp v đã quyết định phong tỏa toàn thành phố với 26 triệu dân, sau khi kế hoạch phong tỏa từng phần chưa thể làm giảm số ca mắc Covid-19 mới trong những ngày qua. Trước thực trạng quá tải tại các cơ sở y tế, trung tâm Hội nghị và Triển lãm Quốc gia ở Thượng Hải rộng 1,2 triệu m2 cũng đã được trung dụng, chuyển đổi thành cơ sở cách ly tạm thời có sức chứa hơn 40.000 người. Trong thời gian phong tỏa, cảm giác bất lực dường như bao trùm lên toàn bộ siêu đô thị lớn nhất của Trung Quốc. Nhiều người dân cảm thấy bức bối.

Cô JANE POLUBOTKO - Công dân Ukraine: “Không có thông tin chính thức, về bất kỳ kế hoạch, bất kỳ sự sắp xếp nào. Chúng tôi không biết khi nào sẽ rời đi, và chúng tôi cũng không biết chúng tôi có bao nhiêu xét nghiệm.”

Anh MAREK NAROZNIAK - Sinh viên Phần Lan: "Tôi thức dậy vào buổi sáng và khu nhà của tôi đã bị chăng dây phong tỏa, và chỉ có thế. Không thông báo, không cảnh báo, không thông tin, không gì hết."

Ngoài công tác cách ly, điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID, chính quyền thành phố Thượng Hải cũng chật vật tìm cách đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm cho cư dân sau khi các siêu thị đóng cửa và hoạt động giao hàng bị hạn chế. 

Anh MAREK NAROZNIAK - Sinh viên Phần Lan: “Tôi còn dư một ít ngũ cốc, không nhiều. Hoa quả thì chỉ có chanh. Tôi có một ít bột mì, nhưng rất tiếc sữa đã hết hạn nên cũng không làm bánh được. Lương thực của tôi đang rất khan hiếm.”

Không dừng lại ở đó, trên các mạng xã hội, người dân Thượng Hải cũng bày tỏ sự bất bình với các quy định cách ly kiểm dịch, nhất là việc tách trẻ em mắc Covid-19 khỏi cha mẹ. Tuy nhiên, trước những chỉ trích từ phía các gia đình có trẻ nhỏ, chính quyền thành phố đã phải rút lại quy định này. 

Nhằm tiếp sức cho Thượng Hải, 38.000 lính quân y và nhân viên y tế đã được điều động tới Thượng Hải hỗ trợ dập dịch, đánh dấu đợt huy động sức người chống dịch lớn nhất tại Trung Quốc kể từ sau đợt bùng dịch Vũ Hán năm 2020. 

Ông BAI XIANGJUN - Phó giám đốc Bệnh viện Đồng Tế, Vũ Hán: “Chúng tôi hiểu khó khăn của Thượng Hải. Hầu hết bệnh nhân ở Vũ Hán đều có triệu chứng nặng nên rất dễ phát hiện. Nhưng hầu hết bệnh nhân ở Thượng Hải chỉ có những triệu chứng nhẹ, không dễ phát hiện. Vì vậy, việc kiểm tra hàng loạt ngày nay là rất quan trọng.”

Trong khi thành phố “đóng băng” mọi hoạt động, chờ đợi các biện pháp phòng chống dịch bệnh phát huy tác dụng, có lẽ điều thiết thực nhất mà người dân Thượng Hải có thể làm lúc này là giữ bình tĩnh và một thái độ tích cực. 

Cô JO HE - Người dân Thượng Hải: “Tôi nghĩ chúng ta nên bình tĩnh đối mặt với điều này. Đại dịch có thể kéo dài, vì vậy tốt hơn là nên đối mặt với nó với một thái độ tích cực. Mong rằng dịch bệnh sẽ sớm qua đi. Hãy để Thượng Hải trở lại sự sống động trước đây càng sớm càng tốt.”

Thực hiện : Bùi Thảo