Điểm báo: Tự chủ toàn diện – khó khăn của các bệnh viện tuyến cuối

Tự chủ toàn diện – khó khăn của các bệnh viện tuyến cuối; Vì sao gần 35% thí sinh bỏ xét tuyển đại học 2022?; Để không còn những cuộc giải cứu; "Bệnh nan y" của lao động Việt ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo ngày 28/8/2022.

TỰ CHỦ TOÀN DIỆN – KHÓ KHĂN CỦA CÁC BỆNH VIỆN TUYẾN CUỐI

Tự chủ là xu thế tất yếu để các bệnh viện có thể phát triển và mô hình này đã thành công tại rất nhiều các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các bệnh viện nằm trong diện thí điểm thực hiện tự chủ toàn diện đều lần lượt xin dừng, điều này khiến dư luận băn khoăn. Bài viết trên báo Đại đoàn kết.

Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai đã phải xin dừng tự chủ toàn diện sau 2 năm thí điểm để chuyển sang thực hiện tự chủ theo (nhóm 2) của Nghị định số 60. Theo lý giải, việc tự chủ toàn diện trong 2 năm qua đã khiến bệnh viện hụt hơi và gặp nhiều khó khăn. Báo Đại đoàn kết trích dẫn một số ý kiến cho rằng, hiện nay chúng ta chưa có cơ chế rõ ràng, các văn bản quy định triển khai tự chủ toàn diện liên quan nhiều luật khác như Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Quản lý tài sản công... chưa được giải quyết. Bên cạnh đó, chọn mẫu bệnh viện hạng đặc biệt để thí điểm tự chủ cũng là chưa hợp lý.

VÌ SAO GẦN 35% THÍ SINH BỎ XÉT TUYỂN ĐẠI HỌC 2022?

Con số gần 35% thí sinh không nhập nguyện vọng xét tuyển đại học trong năm nay khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Liệu điều này có bất thường? Là tín hiệu đáng mừng hay đáng lo? Báo điện tử Vietnamnet đã có bài viết về vấn đề này.

Trao đổi với Vietnamnet, GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, khá bất ngờ với con số này. Tuy nhiên, theo ông Đức, đây lại là tín hiệu tích cực. Bởi điều này cho thấy các bạn trẻ đã có định hướng rõ ràng hơn tương lai của mình. Báo Vietnamnet trích dẫn ý kiến của một số chuyên gia, vào đại học và có bằng đại học đâu phải là con đường duy nhất để lập nghiệp. Hiện nay, nhu cầu thợ lành nghề đang rất cao. Chính vì vậy, nếu thấy năng lực không phù hợp học đại học mà phù hợp với học nghề hơn thì việc xác định và đăng ký học nghề ngay từ đầu cũng là một lựa chọn tốt.

ĐỂ KHÔNG CÒN NHỮNG CUỘC GIẢI CỨU

Liên quan đến vụ 42 người Việt tháo chạy khỏi sòng bạc ở Campuchia vượt sông về Việt Nam, báo Tuổi trẻ mới đây có bài bình luận với tiêu đề: “Để không còn những cuộc giải cứu”.

Báo Tuổi trẻ đề cập, vụ việc vẫn chưa lắng dịu thì dư luận lại lo ngại khi đặt câu hỏi "Còn bao nhiêu người Việt nữa bị dính bẫy "việc nhẹ lương cao" đang bị giam giữ và hành hạ tệ bạc ở những nơi khác chưa phát hiện và cần giải cứu"? Một lần nữa vấn đề cần đặt ra là chính quyền, cơ quan chức năng của Việt Nam cần phải hành động ra sao để ngăn ngừa không còn những vụ tương tự và những cuộc giải cứu tương tự xảy ra trong tương lai. Theo đó, phải tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn từ xa bằng việc phát triển thị trường lao động, xây dựng, hoàn thiện các thiết chế tư vấn, giới thiệu, giải quyết việc làm đủ sức phủ xuống khu vực nông thôn và dân nghèo đô thị.

"BỆNH NAN Y" CỦA LAO ĐỘNG VIỆT

Chuyển sang bài viết liên quan thị trường lao động được đăng tải trên báo Điện tử Dân trí. So với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, chỉ 26%, năng suất lao động không cao, khó đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư FDI công nghệ cao.

“Bệnh nan y” của lao động Việt là bài viết trên báo Điện tử Dân trí. Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp. Quý II năm 2022, chỉ số này mới chỉ đạt mức 26,2%. Do vậy, nguồn lực lao động chưa thể đáp ứng kịp với tốc độ và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tính thích ứng, chủ động, linh hoạt kém. Làm rõ vấn đề này, đại diện Ngân hàng Thế giới cũng nhận định, Việt Nam có lực lượng lao động có kỹ năng chưa được cao. Hiện tại, Việt Nam đứng thứ 116/141 nước về kỹ năng của học sinh tốt nghiệp trong "Báo cáo về cạnh tranh toàn cầu", thấp hơn nhiều so với một số nước, trong đó có Singapore (đứng thứ 79).