Điểm báo sáng 23/5: Lo ngại sửa cả chương trình sách giáo khoa mới vì thay đổi với môn Lịch sử

Mobile Money chưa như kỳ vọng; Đề nghị Lịch sử là môn học bắt buộc; Đưa Lịch sử thành môn học bắt buộc: Lo ngại phải sửa cả chương trình sách giáo khoa mới; Bão tăng học phí ở các tỉnh, thành... là những tin nổi bật trong sáng 23/5.

MOBILE MONEY CHƯA NHƯ KỲ VỌNG

 Với lợi thế về cơ sở hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, các nhà mạng đã triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money - hình thức thanh toán qua tài khoản viễn thông. Tuy nhiên, đến nay kết quả chưa như kỳ vọng. Bài viết trên Báo Hà Nội mới.

Báo Hà Nội mới đề cập, theo đại diện các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động, Mobile Money triển khai khi tỷ lệ thuê bao di động tại nước ta đạt khá cao (khoảng 130 triệu thuê bao/gần 100 triệu dân). Dịch vụ này có điểm thuận lợi là người dùng chỉ cần có thuê bao di động, không cần điện thoại thông minh hay tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, điều kiện để mở tài khoản Mobile Money rất chặt chẽ, như phải đáp ứng yêu cầu định danh khách hàng, thời gian kích hoạt, sử dụng thuê bao liên tục ít nhất 3 tháng… đã làm mất đi tính hấp dẫn của Mobile Money và làm cho nhà mạng tốn thêm nguồn lực. Để dịch vụ này phổ cập hơn nữa, nhất là tới được vùng sâu, vùng xa, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần có thêm các chính sách, chương trình thúc đẩy, qua đó mở rộng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, đem lại lợi ích cho người dân.

ĐỀ NGHỊ LỊCH SỬ LÀ MÔN HỌC BẮT BUỘC

Sáng 23/5, nhiều tờ báo lớn đều đăng tải thông tin liên quan đến kiến nghị của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội, đó là vẫn giữ Lịch sử là môn học bắt buộc. Báo điện tử VTV News đề cập, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, cho biết, đa số các ý kiến không đồng tình đối với việc đưa môn Lịch sử cấp trung học phổ thông thành môn lựa chọn.

Còn theo Báo Tuổi trẻ, Lịch sử là môn học đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ. Lịch sử cũng giúp bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội; từ đó hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại. Xét về tâm sinh lý lứa tuổi, học sinh từ 15 đến 17 tuổi có sự trưởng thành về nhận thức, khả năng tiếp nhận tốt hơn về lịch sử đất nước và lịch sử cách mạng Việt Nam. Từ đó, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp thu và quy định môn học Lịch sử cấp trung học phổ thông (THPT) trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc.

ĐƯA LỊCH SỬ THÀNH MÔN BẮT BUỘC: LO NGẠI PHẢI SỬA CẢ CHƯƠNG TRÌNH SÁCH GIÁO KHOA MỚI

Trong khi đó, trước vấn đề này báo Lao động lại có góc nhìn khác. Theo Báo Lao động, nếu sắp tới Lịch sử trở thành môn bắt buộc, có nhiều ý kiến lo ngại có thể làm phá vỡ kết cấu, mục tiêu của chương trình. Vì không đơn giản chỉ thay đổi từ ngữ “lựa chọn” hay “bắt buộc”, mà quan trọng là không thể bê chương trình đang xây dựng theo hướng chuyên sâu sang để giảng dạy đại trà. Về phía Bộ GD-ĐT, những ngày qua liên tục có những cuộc họp xin ý kiến về việc tổ chức dạy học môn Lịch sử ở cấp THPT. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa chốt phương án nào cụ thể để trình các cấp có thẩm quyền.

BÃO TĂNG HỌC PHÍ Ở CÁC TỈNH, THÀNH

vừa qua 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã đưa ra dự thảo nâng mức học phí tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp 5 lần. Trong khi đó, nhiều tỉnh thành cũng đã lên dự thảo tăng học phí ở các cấp trong năm học 2022-2023. Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua. 

Lý giải về dự thảo tăng học phí, báo Nông thôn ngày này cho rằng, dự thảo được xây dựng theo khung học phí mới của Chính phủ tại Nghị định 81/2021. Tại khung này, mức thấp nhất và mức cao nhất của học phí từng cấp được quy định cụ thể theo ba khu vực: thành thị, nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, áp dụng trong giai đoạn 2022-2025. Trên cơ sở khung của Chính phủ, HĐND các tỉnh, thành sẽ quyết định mức học phí cụ thể với từng trường tại từng địa bàn. Trong một khảo sát trên VnExpress, về mức học phí dự kiến của Hà Nội, 80% độc giả cho rằng, mức tăng này là quá cao; 11% cho là hợp lý, nhưng nên lùi thời điểm áp dụng; chỉ 9% cho đây là mức thu phù hợp.