Điểm báo quốc tế: Việt Nam khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị bán dẫn

Bầu cử Malaysia: Liên minh hy vọng tuyên bố giành chiến thắng; Trung Quốc để ngỏ đàm phán với Mỹ bên lề hội nghị ASEAN; Nhật Bản: Bộ trưởng thứ 3 trong nội các từ chức; Ông Trump không quan tâm tới tài khoản Twitter; Việt Nam khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị bán dẫn... là những tin tức quốc tế đáng chú ý.

BẦU CỬ MALAYSIA: LIÊN MINH HY VỌNG TUYÊN BỐ GIÀNH CHIẾN THẮNG

Tại Malaysia , ứng cử viên của Liên minh Hy vọng, ông Anwar Ibrahim, đã tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử.

Channel News Asia đưa tin, ông Anwar Ibrahim khẳng định rằng ông đã có đủ sự ủng hộ để thành lập một chính phủ liên bang mới. Tuy nhiên, ông không nói rõ đang hợp tác với đảng phái chính trị nào, mà sẽ để họ đưa ra thông báo riêng.
Tuyên bố của ứng cử viên Liên minh Hy vọng được đưa ra trong bối cảnh Quốc vương Malaysia đã yêu cầu các đảng chính trị phải công bố số ghế giành được trước 14h chiều nay theo giờ địa phương./.

TRUNG QUỐC ĐỂ NGỎ ĐÀM PHÁN VỚI MỸ BÊN LỀ HỘI NGHỊ ASEAN

Bên lề hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng đang diễn ra tại Campuchia, các chuyên gia cho biết có cơ hội để đại diện Mỹ và Trung Quốc tiến hành các cuộc đàm phán quân sự cấp cao, với việc Trung Quốc thể hiện “thái độ cởi mở và tích cực” với chủ đề này. Thông tin được Khmer Times đăng tải.
Theo đó, trả lời câu hỏi về việc liệu các Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc và Mỹ có tổ chức hội đàm hay không, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết hai bên đang “liên lạc và phối hợp” về các hình thức trao đổi song phương trên bên lề hội nghị. Nếu diễn ra, đây sẽ những nỗ lực giảm căng thẳng tiếp theo giữa hai bên, sau cuộc gặp trực tiếp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden trước Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali tuần trước.

NHẬT BẢN: BỘ TRƯỞNG THỨ 3 TRONG NỘI CÁC TỪ CHỨC

Reuters đưa tin, Bộ trưởng Nội vụ Nhật Bản Terađa Minôru vừa từ chức vì liên quan đến một vụ bê bối tài chính, trở thành thành viên thứ 3 trong nội các của Thủ tướng Kishiđa Fumiô rời đi trong vòng chưa đầy một tháng. Ông Terada thừa nhận rằng một trong những nhóm hỗ trợ của ông đã nộp tài liệu tài trợ do một người đã khuất ký. Thủ tướng Kishiđa đã nhận trách nhiệm và gửi lời xin lỗi tới người dân, tuy nhiên giới quan sát đánh giá, những vụ bê bối liên tiếp trong Nội các thể làm suy yếu thêm vị thế của ông Kishida. Tỉ lệ ủng hộ Thủ tướng Nhật Bản vẫn ở mức dưới 30% trong một số cuộc thăm dò dư luận gần đây./.

ÔNG TRUMP KHÔNG QUAN TÂM TỚI TÀI KHOẢN TWITTER

Liên quan đến thông tin cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump được Twitter mở lại tài khoản, CNBC hôm nay đưa tin, ông Trump khẳng định không “mặn mà” với điều này, mà sẽ tiếp tục gắn bó với Truth Social, ứng dụng do Trump Media & Technology phát triển.

Trước khi bị khóa ngày 8/1/2021 sau vụ bạo loạn Đồi Capitol, tài khoản Twitter của ông Trump được hơn 88 triệu người theo dõi. Và từ khi được mở lại ngày hôm qua, ông đã có thêm gần 100.000 người theo dõi. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Mỹ khẳng định mình không hứng thú với việc quay lại Twitter, khi chỉ ra mạng xã hội này đang gặp các vấn đề bot, tài khoản ảo.

VIỆT NAM KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ TRONG CHUỖI GIÁ TRỊ BÁN DẪN

Thời gian qua, thị trường sản xuất thiết bị bán dẫn toàn cầu nóng lên trong cuộc chiến gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia ghi nhận sự chuyển hướng và những bước đi tích cực của các tập đoàn chip hàng đầu thế giới tại Việt Nam. Nhiều bài phân tích đã chỉ ra rằng, Việt Nam, với những chính sách đúng đắn, đang dần khẳng định vị thế của mình trong chuỗi giá trị bán dẫn trên toàn cầu.

Một bài viết trên trang Asia Times mở đầu với thông tin Samsung thông báo đầu tư 850 triệu USD để sản xuất linh kiện bán dẫn tại Thái Nguyên, đưa Việt Nam trở thành nước thứ 4 trên thế giới, cùng Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ, sản xuất bán dẫn cho Samsung Electronics – nhà sản xuất memory chip lớn nhất hành tinh. Lựa chọn Việt Nam thay vì các quốc gia phát triển khác cho thấy Việt Nam ngày càng quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn.

Bài viết phân tích: Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới với 15 hiệp định tự do thương mại, môi trường kinh doanh ngày một cải thiện và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội rõ ràng, cùng với chính sách ngoại giao trung lập.

Các chính sách công nghệ và công nghiệp của chính phủ dành ưu đãi lớn đối với những dự án công nghệ cao, bao gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế bán hàng, miễn, giảm tiền thuê đất. Cùng với đó, Việt Nam có lợi thế so với các nước láng giềng là nhân lực kỹ thuật trẻ, tài năng. Việt Nam nằm trong 10 nước nhiều cử nhân kỹ thuật nhất thế giới.

Tất cả những điều này khiến bức tranh bán dẫn Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng. Synopsys – công ty hàng đầu về phần mềm thiết kế chip – đang chuyển dịch đầu tư và đào tạo kỹ thuật từ Trung Quốc sang Việt Nam. Gần đây, Intel cũng “bơm” thêm 475 triệu USD cho nhà máy thử nghiệm và lắp ráp tại Việt Nam để sản xuất vi xử lý.

Cùng chung quan điểm, bài phân tích chi tiết trên Tech Monitor cho ra rằng, Việt Nam đang nổi lên trong khu vực và trên thế giới với khả năng lấp đầy khoảng trống về nguồn cung, trước những nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập Trung Quốc khỏi thị trường chip.

Theo đó, Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhất trong cuộc chiến chip giữa Mỹ và Trung Quốc, khi các nhà sản xuất toàn cầu bắt đầu chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Kết quả là sự gia tăng các khoản đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam, với sự “đổ bộ” của các tập đoàn lớn Intel, Samsung, Synopsys.

Không chỉ vậy, tác động của các khoản đầu tư nước ngoài này cũng đã tạo ra những bước đột phá trong khả năng sản xuất chất bán dẫn trong nước. FPT Semiconductor, một đơn vị trực thuộc tập đoàn công nghệ FPT, mới đây đã ra mắt dòng chip bán dẫn đầu tiên, cùng kế hoạch cung cấp 25 triệu chip trên toàn cầu vào năm tới./.

Hồng Nhung