Điểm báo quốc tế sáng 4/5: Đức ủng hộ Phần Lan và Thuỵ Điển gia nhập NATO

Đức ủng hộ Phần Lan và Thuỵ Điển gia nhập NATO; Ba Lan thực hiện giải pháp độc lập khí đốt sau khi Nga cắt nguồn cung; Doanh thu của Pfizer tăng 77% nhờ vaccine Covid-19; Anh chấp nhận sống chung với lạm phát; Nhiều phụ huynh Ấn Độ chuyển trường cho con vì lạm phát... là những tin quốc tế đáng chú ý sáng 4/5.

ĐỨC ỦNG HỘ PHẦN LAN VÀ THUỴ ĐIỂN GIA NHẬP NATO

Thủ tướng Scholz tuyên bố nếu Phần Lan và Thụy Điển quyết định gia nhập NATO thì hai nước này hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự ủng hộ của Đức. Trước đó, Phần Lan cho biết nước này sẽ quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO vào ngày 12/5 tới. Còn Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson tuyên bố, chính phủ nước này không có kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý nếu Quốc hội quyết định xúc tiến nộp đơn gia nhập NATO.

BA LAN THỰC HIỆN GIẢI PHÁP ĐỘC LẬP KHÍ ĐỐT SAU KHI BỊ NGA CẮT NGUỒN CUNG

Ba Lan đã mở kết nối một đường ống dẫn khí đốt mới từ Litva sau khi tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga ngừng giao hàng cho nước này bắt đầu từ ngày 27/4 vừa qua. 

Đường ống khí đốt Ba Lan-Litva (GIPL), được xây dựng từ năm 2020, bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 1/5, sẽ đóng vai trò thay thế cho nguồn cung khí đốt từ Nga qua Ba Lan. Cơ sở hạ tầng mới dài 580km này sẽ cung cấp cho Ba Lan 2 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm, đáp ứng 10% nhu cầu hàng năm của Ba Lan. Ba Lan phát triển mạng lưới khí đốt cũng là cơ hội để các nước Trung Âu độc lập khỏi khí đốt của Nga. Ba Lan cũng có kế hoạch mở thêm một số đường ống mới trong vài năm tới, bao gồm cả đường ống Baltic, nhận khí đốt từ Na Uy.

DOANH THU CỦA PFIZER TĂNG 77% NHỜ VACCINE COVID-19

Trong quý I/2022, hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ đạt doanh thu lên tới 25,7 tỉ USD, tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nguồn thu chủ yếu từ các hợp đồng bán vaccine ngừa Covid-19.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2022 của Pfizer, thu nhập ròng của hãng tăng 61%, lên 7,9 tỉ USD. Mặc dù đạt kết quả kinh doanh khả quan như vậy, song hãng vẫn hạ dự báo lợi nhuận cả năm do sự chệnh lệch của tỉ giá đối đoái ngoại tệ. Đến nay, Pfizer đã chuyển khoảng 3,4 tỉ liều vaccine ngừa Covid-19 cho 179 nước. Sản phẩm của hãng hầu hết đã được cấp phép ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên, vẫn cần tiến hành thêm các thử nghiệm sử dụng vaccine này cho trẻ em dưới 5 tuổi. Theo Giám đốc điều hành của Pfizer Albert Bourla, công ty đang nghiên cứu phát triển các loại các vaccine thế hệ tiếp theo, trong đó có các loại vaccine ngừa biến thể mới vào mùa thu năm nay.

ANH CHẤP NHẬN SỐNG CHUNG VỚI LẠM PHÁT 

Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, Anh không thể giúp người dân vượt qua cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt hiện nay và người dân bắt buộc phải thận trọng với chi tiêu của mình để tránh gây ra vòng xoáy lạm phát. 

Thủ tướng Anh Boris Johnson thừa nhận rằng, Chính phủ Anh không thể ngay lập tức cung cấp đủ hỗ trợ để bù đắp chi phí tăng cao hơn, nhưng Chính phủ cũng đang làm việc để đối phó với giá cả trong trung và dài hạn. Giá cả tăng cao đang góp phần gây ra sức ép rất lớn lên thu nhập của các hộ gia đình kể từ những năm 1950. Điều này gây áp lực lên Chính phủ trong việc hỗ trợ những người nghèo nhất, đặc biệt là những người không có khả năng chi trả cho các hóa đơn năng lượng tăng cao. 

Khi được hỏi tại sao các khoản phúc lợi sẽ không tăng theo lạm phát, Thủ tướng Anh cho biết Chính phủ phải cảnh giác với việc gia tăng lạm phát hơn nữa, việc áp thuế đối với các công ty năng lượng sẽ cản trở đầu tư và giữ giá dầu cao hơn trong dài hạn.

NHIỀU PHỤ HUYNH ẤN ĐỘ CHUYỂN TRƯỜNG CHO CON VÌ LẠM PHÁT

Tại Ấn Độ, nhiều gia đình bắt buộc phải chuyển trường cho con từ hệ thống trường tư thục sang hệ thống giáo dục công lập. Đây được coi là sự đảo ngược của một xu hướng đã tồn tại ở Ấn Độ trong hai thập kỷ qua, khi nhiều gia đình lựa chọn giáo dục tư nhân nhằm mang lại cho con cái lợi thế trong thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh.

Cách đây khoảng 2 năm, khi dịch Covid -19 bắt đầu, anh Khan đã nhận thấy thu nhập của mình bắt đầu giảm và hiện chỉ còn bằng khoảng 1/5 so với trước đây, trong khi đó, tiền học phí của con trai anh đã tăng lên 10% trong năm nay.  

Ông WAQAR KHAN - phụ huynh Ấn Độ : Chúng tôi đã trả một phần học phí cho nhà trường khi các lớp học online bắt đầu nhưng khi chúng tôi không thể đóng học phí và chỉ còn khoảng 1-2 tháng thì nhà trường cấm con tôi học trực tuyến và tham gia kì thi cuối kì”.

Chi phí giáo dục bao gồm phương tiện đi lại, thực phẩm và quần áo đã tăng gần 25%, trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình Ấn Độ. Theo ước tính của chính phủ Ấn Độ, vào năm 2021, khoảng 4 triệu trẻ em nước này đã chuyển từ trường tư thục sang hệ thống trường công, chiếm hơn 4% trong tổng số khoảng 90 triệu trẻ em ở các trường tư thục. Dù đồng cảm với những phụ huynh không còn đủ khả năng chi trả học phí nhưng phía nhà trường cho biết họ cũng phải đối mặt với chi phí tăng cao. 

Tiến sĩ SUDHA ACHARYA - Hiệu trưởng Trường tư thục ITL : Về phía nhà trường, nếu không tăng học phí thì chúng tôi sẽ trả lương cho giáo viên như thế nào? Hàng năm chúng tôi phải trả thêm khoản trợ cấp điều chỉnh chi phí sinh hoạt và gia tăng nữa. Và để duy trì chất lượng giáo dục ở các trường tư thục, rất khó để không tăng học phí mà vẫn duy trì chất lượng”.

Các chuyên gia cho biết, việc chi phí giáo dục tại các trường tư thục ở Ấn Độ trở nên đắt đỏ đến từ một loạt các lý do bao gồm giá xăng dầu tăng, khiến chi phí đưa đón học sinh tăng, trong khi một số trường phải trả các khoản lãi suất vay do xây dựng trường và cộng thêm các chi phí trả cho nhân viên nhà trường khi trở lại học trực tiếp... Do đó, chi phí giáo dục có xu hướng tăng là điều không thể tránh khỏi.

Bá Hiệp