Điểm báo quốc tế 19/8: Ukraine có thể sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công Crimea

Politico: Ukraine có thể sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công Crimea; Đức giảm thuế VAT khí đốt; Phương pháp mới giúp loại bỏ “hóa chất vĩnh viễn” PFAS; Thái Lan cấp “thị thực vàng” kéo dài 10 năm; Châu Âu chia rẽ trước lệnh cấm du khách Nga ... là những tin tức đáng chú ý trên các báo quốc tế ngày 19/8/2022.

POLITICO: UKRAINE CÓ THỂ SỬ DỤNG VŨ KHÍ MỸ ĐỂ TẤN CÔNG CRIMEA

Trang Politico dẫn một nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết Washington ngầm ủng hộ Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ trên bán đảo Crimea do Nga kiểm soát.

Dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ, bài viết cho hay, Mỹ “không chọn mục tiêu và tất cả những gì Mỹ cung cấp là để tự vệ. Bất kỳ mục tiêu nào Ukraine quyết định theo đuổi trên đất có chủ quyền, theo định nghĩa là tự vệ”. Bài viết cho hay Kiev đứng đằng sau hàng loạt vụ nổ hồi tuần trước ở Crimea nhưng chưa công khai thừa nhận. Từ khi nổ ra xung đột, Ukraine muốn Mỹ cung cấp các vũ khí tầm xa, song Washington dường như không muốn cung cấp vì lo ngại chúng có thể được sử dụng để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, làm leo thang căng thẳng.  

ĐỨC GIẢM THUẾ VAT KHÍ ĐỐT

Chính phủ Liên bang Đức có kế hoạch giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) khí đốt cho người tiêu dùng trong bối cảnh kế hoạch miễn thuế VAT đối với phụ phí khí đốt không được Liên minh châu Âu (EU) chấp thuận.

Hãng Bloomberg đưa tin, Chính phủ Đức sẽ cắt giảm thuế VAT đối với khí đốt tự nhiên trong khoảng thời gian giới hạn từ mức 19% hiện nay xuống còn 7%. Kế hoạch này sẽ giúp giảm đáng kể gánh nặng đối với người tiêu dùng do phải trả thêm phụ khí khí đốt từ tháng 10 tới. Quyết định cắt giảm thuế VAT của Đức đối với khí đốt vẫn cần phải tuân thủ các quy tắc của Liên minh Châu Âu.

PHƯƠNG PHÁP MỚI GIÚP LOẠI BỎ “HÓA CHẤT VĨNH VIỄN” PFAS

“Hóa chất vĩnh viễn” (viết tắt là PFAS) được cho là có liên quan tới các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe con người, môi trường, vật nuôi do độc tính, cũng như tính khó phân hủy của hợp chất này khi thải ra môi trường. Các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc mới đây đã tìm ra phương pháp đột phá giúp phân hủy hợp chất độc hại này. Tờ South China Morning Post đưa tin.

Cụ thể, các nhà khoa học đã loại bỏ được hợp chất PFAS ở nhiệt độ tương đối thấp cùng các thuốc thử thông thường. Do đặc tính không thể phá hủy của PFAS, các phương pháp xử lý hiện nay đều rất khắc nghiệt, chẳng hạn ở nhiệt độ cực cao hoặc chiếu xạ bằng sóng siêu âm. Kết quả nghiên cứu mới này đã được công bố trên tạp chí Science, mở ra hy vọng cho việc loại bỏ hoàn toàn hợp chất nguy hại này.

THÁI LAN CẤP “THỊ THỰC VÀNG” KÉO DÀI 10 NĂM

Thái Lan đang chuẩn bị cho một chương trình thị thực mới có giá trị lên tới 10 năm thu hút thêm nhiều chuyên gia nước ngoài tới Thái Lan làm việc.

Theo hãng tin DW, Thái Lan dự kiến bắt đầu nhận đơn xin cấp thị thực theo chương trình “thị thực vàng” từ ngày 1/9 theo 4 loại, gồm “Chuyên gia có tay nghề cao”, “chuyên gia làm việc từ Thái Lan”, “Công dân toàn cầu giàu có” và “Người hưởng lương hưu giàu có”. Yêu cầu cơ bản để được cấp “thị thực vàng” là phải chứng minh tài sản ít nhất 1 triệu USD và thu nhập hàng năm là 80.000 USD, mặc dù các quy tắc này có thay đổi đôi chút giữa các nhóm khác nhau. Kế hoạch này dự kiến sẽ mang lại khoảng 26 tỷ euro cho nền kinh tế đất nước trong thập kỷ tới.

CHÂU ÂU CHIA RẼ TRƯỚC LỆNH CẤM DU KHÁCH NGA

Xung đột Nga-Ukraine cho tới nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ukraine đang vận động với Liên minh Châu Âu cấm công dân Nga đi lại trong EU. Tuy nhiên, điều này đã vấp phải những phản ứng trái chiều. Một số quốc gia EU đồng ý, nhưng có những quốc gia khác lại phản đối. Vấn đề này đã được nhiều báo lớn đề cập trong những ngày qua.

Tờ Bangkok Post của Thái Lan có bài viết “Châu Âu chia rẽ trước lệnh cấm du khách Nga”. Theo bài viết, đã có một số quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu cấm hoặc hạn chế thị thực đối với công dân Nga khi tới nước mình, nhưng không có lệnh cấm trên toàn EU. Tuy nhiên, Đức và Bồ Đào Nha lại không ủng hộ. Hy Lạp và Thụy Điển không đưa ra quan điểm nào, trong khi Đan Mạch lại mong thấy sự đồng thuận của Châu Âu trong vấn đề này. 

Bài viết trên báo The Guardian của Anh giải thích rõ hơn. Theo đó các nước bao gồm Ukraine, Estonia, Latvia, Phần Lan và CH Séc đã kêu gọi EU hạn chế hoặc chặn thị thực Schengen ngắn hạn đối với người Nga, để phản đối chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine. Tuy nhiên, Đức đã bác bỏ lời kêu gọi này, cho rằng lệnh cấm thị thực là “khó tưởng tượng”. Các bộ trưởng ngoại giao EU dự kiến sẽ thảo luận về biện pháp này tại một cuộc họp không chính thức trong tháng này. Đề xuất này hiện cũng đang gây ra một cuộc tranh cãi sôi nổi giữa những người Nga, bao gồm cả những người phản đối cuộc xung đột đang sống tại châu Âu,  về việc lệnh cấm thị thực có thể dẫn tới sự cô lập như thời kỳ Xô Viết.

Trong một bài phân tích được hãng DW đăng tải, tác giả lại cho rằng, từ chối tất cả các thị thực du lịch của người Nga vào khu vực Schengen, ở một khía cạnh nào đó, chắc chắn là không công bằng, bởi những người không ủng hộ cuộc xung đột cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tác giả khẳng định, vẫn còn cơ hội cho người Nga vào lãnh thổ Châu Âu, bởi khối này, đặc biệt là Đức, vẫn đang có vấn đề về nhân khẩu học. Rất nhiều công ty đã tìm kiếm công nhân lành nghề trong thời gian dài, trong khi hàng triệu người Nga trẻ tuổi, có trình độ học vấn, đã chuyển tới Đức. Tác giả cho rằng điều này nên được tiếp tục khuyến khích. Điều quan trọng là tất cả các quốc gia Schengen phải đồng thuận về các quy tắc nhất quán và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt khi có hòa bình lâu dài ở Ukraine.

Đỗ Lê Ngọc Anh