Điểm báo quốc tế: Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu về Hungary

Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu về Hungary; Iran chính thức gia nhập SCO; Nhật Bản dỡ bỏ hạn chế du lịch; Samsung theo đuổi mục tiêu giảm thải khí nhà kính; Thiếu hụt lao động tại Mỹ và lối thoát qua công nghệ ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo quốc tế ngày 16/9/2022.

NGHỊ VIỆN CHÂU ÂU BỎ PHIẾU VỀ HUNGARY

Nghị viện Châu Âu mới đây đã bỏ phiếu, nhất trí với báo cáo cho rằng Hungary không còn là nền dân chủ toàn diện.

Trang Politico dẫn đánh giá của Nghị viện Châu Âu, trong đó bày tỏ quan ngại về cơ chế bầu cử và tính độc lập của hệ thống tư pháp Hungary. Báo cáo của Nghị viện Châu Âu cho rằng Hungary đã vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực dân chủ và cần hành động từ EU. Tuy nhiên động thái của Nghị viện Châu Âu chỉ mang tính biểu tượng, không dẫn tới bất kỳ sự trừng phạt nào đối với Hungary.

IRAN CHÍNH THỨC GIA NHẬP SCO

Iran đã chính thức gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), mở ra nhiều tiềm năng phát triển cho nền kinh tế nước này.

Iran cho biết việc gia nhập SCO đánh dấu một bước tiến lớn trong phát triển kinh tế với sự hợp tác trên các lĩnh vực như kinh tế, thương mại và phát triển năng lượng, chống đỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Năm ngoái yêu cầu gia nhập của Iran đã được các quốc gia thành viên khối SCO chấp thuận.

NHẬT BẢN DỠ BỎ HẠN CHẾ DU LỊCH

Nhật Bản dự kiến sẽ dỡ bỏ yêu cầu thị thực đối với khách du lịch cá nhân và loại bỏ giới hạn lưu lượng khách du lịch từ tháng 10 tới, nhằm thúc đẩy phục hồi du lịch.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida dự kiến sẽ công bố các thay đổi trong thủ tục nhập cảnh trong thời gian tới. Khách du lịch từ các nước như Mỹ và một số quốc gia khác sẽ không cần phải xin thị thực khi đến Nhật Bản, đồng thời giới hạn lưu lượng khách du lịch ở mức 50.000 người sẽ được gỡ bỏ.

SAMSUNG THEO ĐUỔI MỤC TIÊU GIẢM THẢI KHÍ NHÀ KÍNH

Tập đoàn Samsung đã tuyên bố theo đuổi Sáng kiến RE100, tập trung giảm phát thải khí carbon và ứng dụng năng lượng tái tạo.

Samsung cam kết về giảm thiểu rác thải nhựa cũng như tiêu thụ năng lượng và tài nguyên nước, từ đó giảm thiểu lượng khí thải carbon phát thải trực tiếp và gián tiếp vào môi trường. Quyết tâm của Samsung được thể hiện thông qua tuyên bố loại bỏ sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch trong hoạt động sản xuất tại triển lãm công nghệ IFA 2022 tại Berlin. 

THIẾU HỤT LAO ĐỘNG TẠI MỸ VÀ LỐI THOÁT QUA CÔNG NGHỆ

Trải qua một thời gian dài áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19, nền kinh tế Mỹ đã gặp nhiều trở ngại khi các hoạt động thương mại bị đình trệ và lạm phát tăng cao. Giới doanh nghiệp Mỹ mong muốn phục hồi sau khủng hoảng nhưng lại kẹt trong tình trạng thiếu nhân lực nghiêm trọng do kinh tế khó khăn, nhiều sinh mạng bị dịch bệnh cướp đi. Báo chí thế giới đã có một số bài phân tích về tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng của nền kinh tế Mỹ cũng như các giải pháp có thể giải tỏa áp lực cho nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Trong một bài phân tích trên tờ The Guardian với tiêu đề: “Covid kéo dài khiến hàng triệu người không có việc làm và tình trạng thiếu lao động tại Mỹ”, tác giả đưa ra đánh giá: kể từ năm 2020, số lượng người bỏ việc đạt mức kỷ lục. Đặc biệt hơn khi xu hướng này xảy ra rộng rãi và dường như có tính lây lan. Tác giả lập luận nên điều tra các tác động của đại dịch kéo dài đối với lực lượng lao động, trong bối cảnh nhiều người đã lựa chọn từ bỏ công việc hiện tại để tìm lại sự cân bằng giữa cuộc sống công việc và cuộc sống thường ngày.Mặt khác tác giả cũng lập luận rằng xu hướng người lao động bỏ việc hàng loạt cũng có thể là do việc áp dụng các quy định phòng dịch nghiêm ngặt như đeo khẩu trang và cách ly tại công sở thay vì làm việc từ xa. Đồng thời việc quay trở lại làm việc tập trung trong 1 không gian hẹp có thể làm gia tăng khả năng lây nhiễm dịch bệnh khi tỷ lệ tiêm phòng chưa đồng đều.Tác giả bài viết đánh giá việc khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cần phải xây dựng cơ chế lao động mới phù hợp với các quy chuẩn mới hậu Covid-19.

Trên Forbes, một bài viết cho rằng sự thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực sau đại dịch Covid-19 đã mở đường nghiên cứu và triển khai trên diện rộng Trí tuệ nhân tạo AI trong các hoạt động sản xuất. Điều này trên thực tế lại không có gì đáng ngạc nhiên khi ngay hiện tại nhiều ngành công nghệ đã và đang áp dụng giải pháp này, song câu hỏi đặt ra là cần phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu việc làm cho con người mà vẫn có thể áp dụng AI. Tác giả nhận định việc áp dụng AI trong xử lý các tác vụ cơ bản không cần quá nhiều tác động của con người sẽ giúp làm giảm thời gian cần thiết để tạo ra sản phẩm cũng như loại bỏ các sự cố nhỏ không đáng có do con người tạo ra.