Điểm báo quốc tế ngày 7/7: Mỹ - Hàn Quốc bắt đầu tập trận chung

Mỹ - Hàn Quốc bắt đầu tập trận chung; Nga sẽ đáp trả những mối đe dọa từ Thụy Điển và Phần Lan; 10% dân số thế giới đối mặt với nạn đói; Nhật Bản ứng phó với tình trạng thiếu lao động ngành lâm nghiệp; EU bộc lộ chia rẽ về cách thức chống biến đổi khí hậu... là những tin tức quốc tế đáng chú ý trưa 7/7.

MỸ - HÀN QUỐC BẮT ĐẦU TẬP TRẬN CHUNG

Hãng CNN đưa tin, 6 chiếc máy bay chiến đấu tàng hình F-35A của không quân Mỹ đã đến Hàn Quốc để tham gia cuộc tập trận kéo dài 10 ngày giữa 2 nước. Đây là cuộc tập trận kết hợp đầu tiên giữa F-35 của Mỹ với quân đội Hàn Quốc trong 5 năm qua.

Cuộc tập trận với máy bay F-35 là một dấu hiệu rõ ràng thể hiện cam kết an ninh của Tổng thống Mỹ Joe Biden với người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sau cuộc gặp hồi tháng 5 vừa qua. CNN dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng tương tác của các lực lượng không quân Mỹ - Hàn, đồng thời thể hiện khả năng răn đe mạnh mẽ và thế trận phòng thủ chung của liên minh. Các chuyên gia cho rằng, các máy bay chiến đấu tàng hình có thể né tránh các radar của Triều Tiên sẽ rất quan trọng trong bất kỳ hành động nào đối phó với nước này.

NGA SẼ ĐÁP TRẢ NHỮNG MỐI ĐE DỌA TỪ THỤY ĐIỂN VÀ PHẦN LAN

Nga vừa lên tiếng cảnh báo rằng, nước này chắc chắn sẽ có các hành động đáp trả nếu Thụy Điển và Phần Lan có các bước đi đe dọa sau khi gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tờ Tass dẫn lời ông Alexey Zaitsev, Phó Phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga, cảnh báo rằng “khi sẵn sàng gia nhập NATO, Thụy Điển và Phần Lan nên nhận ra những hậu quả của bước đi này, bởi việc 2 nước gia nhập NATO là một bước tiến gần hơn làm leo thang căng thẳng chính trị và quân sự ở Châu Âu, cũng như sẽ làm trầm trọng thêm tình hình khu vực Baltic và Bắc Cực”. Ông Zaitsev kết luận, Nga lấy làm tiếc khi 2 quốc gia độc lập lại bị lôi kéo vào cuộc chiến địa chính trị của các bên khác để đối đầu với Nga.

10% DÂN SỐ THẾ GIỚI ĐỐI MẶT VỚI NẠN ĐÓI

Một báo cáo của Liên hợp quốc vừa cho biết, 150 triệu người đã rơi vào nạn đói kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, trong khi cuộc xung đột Nga - Ukraine đang tiếp tục đẩy những quốc gia nghèo nhất vào tình trạng đói kém cùng cực. Thông tin đăng tải trên tờ The Guardian.

Báo cáo của Liên hợp quốc cho biết, trên toàn cầu, số người bị suy dinh dưỡng đã tăng lên tới 828 triệu người vào năm 2021 (tương đương khoảng 10% dân số thế giới), tăng gấp ba lần tính từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Với tình trạng giá nhiên liệu, giá lương thực và phân bón tăng vọt kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Liên hợp quốc dự kiến con số sẽ này sẽ còn tăng cao hơn nữa. Ông David Beasley, Giám đốc điều hành của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc cảnh báo, điều này sẽ dẫn tới sự mất ổn định toàn cầu, nạn đói và di cư hàng loạt xảy ra trên quy mô chưa từng có. Liên hợp quốc kêu gọi thế giới phải hành động ngay hôm nay để ngăn chặn thảm họa đang rình rập này.

NHẬT BẢN ỨNG PHÓ VỚI TÌNH TRẠNG THIẾU LAO ĐỘNG NGÀNH LÂM NGHIỆP

Tại Nhật Bản, thiếu lao động trong ngành lâm nghiệp là một vấn đề nan giải, và nước này đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp bù đắp sự thiếu hụt này. Một trong số đó là thử nghiệm sử dụng robot.

Robot 4 chân màu vàng có thể tự di chuyển trong điều kiện đất mấp mô, bám vào than cây… của công ty Boston Dynamics đang được Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp và Lâm sản Nhật Bản cùng Tập đoàn SoftBank thử nghiệm, với mục tiêu tìm ra giải pháp cho tình trạng thiếu lao động trong ngành lâm nghiệp. Nếu thành công, các nhà nghiên cứu hy vọng robot sẽ có thể giúp con người trong việc giám sát và trồng rừng. Trong những năm gần đây, chính phủ Nhật Bản luôn ủng hộ các sáng kiến “lâm nghiệp thông minh”, sử dụng robot và các công nghệ khác để cải thiện thông tin liên lạc, nỗ lực trồng rừng và khắc phục hậu quả thiên tai.

EU BỘC LỘ CHIA RẼ VỀ CÁCH THỨC CHỐNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Nghị viện Châu Âu vừa thông qua đề xuất coi năng lượng hạt nhân và khí đốt tự nhiên là những nguồn năng lượng "xanh", quyết định được cho là sẽ mở đường để đề xuất của EU trở thành luật, bất chấp những tranh cãi nội khối về việc liệu những năng lượng này có thực sự là lựa chọn bền vững hay không. Nhiều bài phân tích trên các báo chỉ ra rằng, bước đi này đang bộc lộ những chia rẽ trong nội bộ về cách thức khối này chống biến đổi khí hậu.

Bài phân tích của Reuters cho biết, Liên minh Châu Âu cho rằng, đây là một đề xuất thực tế để đảm bảo rằng các khoản đầu tư vào khí đốt tự nhiên và năng lượng hạt nhân cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ phải đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt của khối. Tuy nhiên, điều này thực tế đang chia rẽ các quốc gia trong khối, các nhà lập pháp và các nhà đầu tư. Brussels đã soạn thảo văn bản đề xuất này nhiều lần, và cuối cùng đã thông qua, làm nổ ra cuộc tranh luận gay gắt về cách thức khối có thể đạt được các mục tiêu khí hậu. Khí đốt tự nhiên vẫn thải ra lượng carbon dioxide bằng một nửa so với than đá, trong khi năng lượng hạt nhân không thải ra CO2 nhưng tạo ra chất thải phóng xạ. 

Những người ủng hộ như Pháp cho rằng, năng lượng hạt nhân là sự thay thế quan trọng để đáp ứng các mục tiêu cắt giảm khí thải, trong khi những người phản đối lại bày tỏ lo ngại về việc xử lý chất thải phóng xạ. Reuters dẫn lời Giám đốc đầu tư tại quỹ hưu trí của Đan Mạch cho rằng, đây là một tín hiệu xấu đối với phần còn lại của thế giới, có thể làm suy yếu vị trí lãnh đạo của EU trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Cùng chung quan điểm, CNBC dẫn lời nhiều chuyên gia cho rằng, việc coi năng lượng hạt nhân và khí đốt tự nhiên là những nguồn năng lượng xanh làm suy yếu mục tiêu của EU trong các hành động khí hậu. Giám đốc điều hành của Quỹ Khí hậu Châu Âu Laurence Tubiana cho rằng, với việc dán nhãn khí đốt tự nhiên thành năng lượng xanh, Châu Âu đã bỏ lỡ cơ hội thiết lập tiêu chuẩn và đặt ra những tiền lệ nguy hiểm trong lĩnh vực năng lượng. 

Trong khi đó, một số nhà quan sát cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo và chính phủ các nước Châu Âu đang đối mặt với thực tế khó khăn rằng sẽ cần nhiều thời gian và bước đi hơn nữa cho quá trình chuyển đổi năng lượng của khối để đạt được các mục tiêu khí hậu vào năm 2050.

Thu Ngoan