Điểm báo quốc tế ngày 30/03: Yêu cầu thanh toán bằng đồng Ruble: Nga phản đòn trừng phạt

Yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble: Nga phản đòn trừng phạt; Cơ hội cho hội nghị thượng đỉnh Putin - Zelensky; Triều Tiên dường như đang khôi phục bãi thử hạt nhân bị đóng cửa; Thủ tướng Anh vẫn mắc kẹt trong bê bối tiệc tùng "Partygate"; Có thể có sự sống trên sao Diêm Vương ... là những tin tức quốc tế đáng chú ý trên các mặt báo ngày 30/03/2022.

Yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble: Nga phản đòn trừng phạt

Như tin đã đưa, Nga đã tuyên bố sẽ không cung cấp khí đốt cho các nước “không thân thiện” nếu không nhận được các khoản thanh toán bằng đồng rúp, trong khi phía châu Âu cũng như nhóm G7 cũng phản ứng mạnh khi cho biết sẽ không chấp nhận điều kiện này của Nga. Các trang báo đã có nhiều bài phân tích về động thái này của hai bên, trong bối cảnh những lo ngại về nguồn cung năng lượng bị gián đoạn ngày càng trở nên rõ ràng hơn.

Trang ABC News có bài phân tích với tiêu đề “Trả tiền bằng đồng rúp nghĩa là gì?”, trong đó phân tích về những động thái của Nga xung quanh vấn đề này. ABC News dẫn phát biểu của Giáo sư Eswar Prasad tại Đại học Cornell, cho rằng việc Nga yêu cầu được trả tiền mua khí đốt bằng đồng tiền của họ là động thái phản đòn, giúp nước này tránh được các lệnh trừng phạt tài chính, nâng cao giá trị của đồng rúp và bảo vệ nền kinh tế Nga. Theo đó để thanh toán bằng đồng tiền của Nga, các nhà nhập khẩu sẽ phải tìm một ngân hàng có thể đổi Euro và USD sang rúp. Điều này rất phức tạp vì một số ngân hàng Nga đã bị phương Tây trừng phạt hoặc bị cắt khỏi hệ thống SWIFT hỗ trợ thanh toán quốc tế. Hiện gần như tất cả các hợp đồng mua khí đốt của Nga được tính bằng đồng euro hoặc USD.

Trang web của Mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc CGTN cũng có bài phân tích, trong đó chỉ ra rằng, mặc dù cách giải quyết dễ nhất là châu Âu mua một lượng rúp Nga từ Ngân hàng Trung ương Nga, nhưng vì chính châu Âu đã đặt ngân hàng này vào các lệnh trừng phạt, nên điều này ảnh hưởng tiêu cực đến họ. Tối hậu thư “thanh toán khí đốt bằng đồng rúp” là một vấn đề mang tính nguyên tắc đối với Điện Kremlin, vì một nửa số vàng và dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương nước này đã bị đóng băng. Tối hậu thư này chính là một thông điệp rõ ràng tới châu Âu, có nghĩa là: "Nếu châu Âu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng Trung ương Nga, họ sẽ sống dễ thở hơn.”

Cơ hội cho hội nghị thượng đỉnh Putin - Zelensky

Nhà đàm phán hàng đầu Ukraine, ông David Arakhamia vừa cho biết, kết quả của cuộc gặp hôm qua giữa Nga và Ukraine là đủ để có thể tổ chức cuộc họp ở cấp lãnh đạo giữa hai nước trong tương lai gần.

Cuộc họp giữa các nhà đàm phán Ukraine và Nga tại Istanbul là cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên của hai bên sau gần ba tuần. Trang NDTV dẫn phát biểu của ông David Arakhamia khẳng định, “kết quả của cuộc họp vừa diễn ra đạt đủ tiến bộ cho một cuộc gặp ở cấp lãnh đạo giữa hai nước”. Cuộc gặp tập trung thảo luận về tình hình nhân đạo ở Ukraine cũng như yêu cầu của Nga rằng Ukraine sẽ trở thành một quốc gia trung lập, trong khi Ukraine kêu gọi một thỏa thuận quốc tế được các nước khác đảm bảo an ninh, giống với Điều 5 của NATO, trong đó cam kết các thành viên liên minh bảo vệ lẫn nhau.

Triều Tiên dường như đang khôi phục bãi thử hạt nhân bị đóng cửa

Tờ Korea Herald hôm nay dẫn báo cáo của Open Nuclear Network, một viện nghiên cứu có trụ sở tại Vienna (Áo), cho biết, các hình ảnh vệ tinh cho thấy, dường như Triều Tiên đang khôi phục bãi thử hạt nhân Punggye-ri, vốn bị đóng cửa từ năm 2018.

Theo đó, các hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy có “dấu hiệu gia tăng hoạt động” đáng kể ở khu vực này từ tháng 12 năm ngoái, đặc biệt là tại Cổng phía Nam và khu vực hành chính chính trong bãi thử hạt nhân này của Triều Tiên. Trong báo cáo, Tiến sĩ Katsuhisa Furukawa, nhà phân tích cấp cao của Open Nuclear Network cho biết, những diễn biến này cho thấy rõ ràng CHDCND Triều Tiên đã tái kích hoạt hoặc đang trong quá trình tái kích hoạt một số bộ phận của bãi thử vũ khí hạt nhân Punggye-ri. Triều Tiên đã không thử vũ khí hạt nhân kể từ năm 2017, nhưng Bình Nhưỡng đã tuyên bố rằng, họ có thể tiếp tục các thử nghiệm như vậy vì những cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ và các đồng minh vẫn bị đình trệ.

Thủ tướng Anh vẫn mắc kẹt trong bê bối tiệc tùng "Partygate"

Cảnh sát Anh đã quyết định xử phạt 20 người có liên quan đến bê bối tiệc tùng mà Thủ tướng Boris Johnson có liên quan trong thời gian đất nước bị phong tỏa, động thái xác nhận "bữa tiệc" này là hành động vi phạm pháp luật dù Thủ tướng Anh luôn phủ nhận điều này.

The Guardian cho biết, Thủ tướng Anh Boris Johnson có thể cũng sẽ phải chịu án phạt vì vụ bê bối tiệc tùng, sau khi Cảnh sát thủ đô London (MET) cho biết 20 người bị phạt mới chỉ là trong đợt điều tra đầu tiên. Cảnh sát sẽ tiếp tục thẩm vấn những người có liên quan trong bữa tiệc tại số 10 phố Downing trong thời gian cả nước phải thực hiện giãn cách phòng chống dịch bệnh COVID-19. Động thái của cảnh sát London được coi là hành động xác nhận rõ ràng về hành vi vi phạm pháp luật ở văn phòng Thủ tướng, tiếp tục khiến chiếc ghế của ông Boris Johnson bị đe dọa.

Có thể có sự sống trên sao Diêm Vương

Các chuyên gia đang cho rằng sao Diêm Vương có khả năng nuôi dưỡng sự sống, dựa trên một số bằng chứng mới được tìm ra. Những thu thập mới nhất đang viết lại gần như tất cả những gì chúng ta từng hiểu về Sao Diêm Vương.

CNN dẫn báo cáo vừa được công bố cho biết, theo những hình ảnh mới đây được chụp từ tàu New Horizons của NASA, trên bề mặt sao Diêm Vương (Pluto) tồn tại những ngọn núi lửa băng khổng lồ. 

Theo nghiên cứu, sao Diêm Vương đã từng có một đại dương dưới bề mặt, và việc tìm thấy những núi lửa băng này có thể cho thấy rằng đại dương dưới bề mặt vẫn còn tồn tại - và có thể có nước ngầm vẫn đang chảy bên dưới. Kết hợp với ý tưởng rằng sao Diêm Vương có lõi ấm hơn so với những gì con người đã biết trước đây, phát hiện mới nhất này đặt ra những câu hỏi hấp dẫn về khả năng sinh sống tiềm năng của các sinh vật trên hành tinh lùn này.