Điểm báo quốc tế ngày 18/10: Chính quyền ông Trump bị cáo buộc “điều chỉnh” thông tin về Covid-19

Máy bay chiến đấu Su-34 đâm vào tòa chung cư ở Nga; Mỹ khẳng định hợp tác với Trung Quốc; Chính quyền ông Trump bị cáo buộc “điều chỉnh” thông tin về Covid-19; Pháp đẩy mạnh nỗ lực chuyển hướng sang xe điện; Gián đoạn Kakaotalk: Mở ra những vấn đề về dịch vụ độc quyền ... là những tin tức quốc tế đáng chú ý ngày 18/10/2022.

MÁY BAY CHIẾN ĐẤU SU-34 ĐÂM VÀO TÒA CHUNG CƯ Ở NGA

The Guardian đưa tin, một chiếc máy bay Su-34 của quân đội Nga gặp sự cố vừa rơi vào một tòa nhà chung cư, khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.

Vụ việc xảy ra vào sáng qua theo giờ địa phương, chiếc máy bay Su-34 đã đâm vào một khu của tòa nhà chung cư ở Yây-scơ gần khu vực miền đông Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga sau đó thông tin, máy bay tham gia huấn luyện đã gặp sự cố cháy động cơ, không thể tăng độ cao nên đã gặp nạn ngay sau khi cất cánh. Hai phi công đã kịp nhảy dù ra khỏi máy bay trước khi xảy ra va chạm.

MỸ KHẲNG ĐỊNH HỢP TÁC VỚI TRUNG QUỐC

Chỉ vài ngày sau khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden xác định Trung Quốc là thách thức lớn nhất trong Chiến lược An ninh Quốc gia, Ngoại trưởng Antony Blinken hôm nay khẳng định Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực.

The Guardian dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, mối quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh là một trong những mối quan hệ phức tạp và nhiều thách thức với những sự cạnh tranh leo thang thời gian gần đây. Tuy nhiên, những thách thức lớn mà thế giới đang phải đối mặt như vấn đề biến đổi khí hậu, y tế… sẽ không thể được giải quyết nếu không có sự góp sức của hai nước. Vì vậy, Mỹ sẽ không “đánh mất khía cạnh hợp tác” trong quan hệ song phương Mỹ - Trung thời gian tới.

CHÍNH QUYỀN ÔNG TRUMP BỊ CÁO BUỘC “ĐIỀU CHỈNH” THÔNG TIN VỀ COVID-19

Một báo cáo điều tra của Quốc hội Mỹ vừa công bố một thông tin chấn động: Chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngăn cản các quan chức y tế cung cấp thông tin chính xác về đại dịch COVID-19 trong nỗ lực ủng hộ quan điểm lạc quan của ông về đợt bùng phát dịch bệnh này năm 2020.

Thông tin đăng tải trên Channel News Asia cho biết, các nhân viên cấp cao của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã nóirằng, chính phủ của ông Trump đã cố gắng sửa chữa các báo cáo của họ nhằm điều chỉnh hướng dẫn của Tổng thống với sự đánh giá nhẹ hơn về dịch bệnh. Đảng Cộng hòa đã bác bỏ báo cáo này và tuyên bố sẽ tiến hành cuộc điều tra riêng nếu giành lại Hạ viện hoặc Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11.

PHÁP ĐẨY MẠNH NỖ LỰC CHUYỂN HƯỚNG SANG XE ĐIỆN

Trong bối cảnh nước Pháp đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nhiên liệu do đình công, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang nỗ lực thúc đẩy sự chuyển hướng của quốc gia này đối với xe điện. Thông tin được tờ Le Monde đăng tải sáng nay.

Theo đó, Tổng thống Pháp sẽ tham dự Triển lãm Ô tô tại Paris, với nỗ lực nắm bắt sự thay đổi của Châu Âu đối với ô tô chạy hoàn toàn bằng điện vốn đã được thống nhất trong toàn khối. Trước khi chương trình khai mạc, Tổng thống Macron đã có buổi họp riêng với các công ty sản xuất xe điện hàng đầu để thúc đẩy việc đạt được mục tiêu: sản xuất 2 triệu xe điện ở Pháp vào năm 2030. Trước đó hồi tháng 6, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua việc ngừng bán xe ô tô chạy bằng xăng và dầu sau năm 2035.

GIÁN ĐOẠN KAKAOTALK: MỞ RA NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ DỊCH VỤ ĐỘC QUYỀN 

Với 47 triệu người dùng hàng tháng, KakaoTalk là ứng dụng liên lạc phổ biến hàng đầu Hàn Quốc. Thế nhưng, vụ việc KakaoTalk gặp sự cố ngừng dịch vụ trên diện rộng vào cuối tuần qua gây ảnh hưởng lớn tới hàng triệu người đang đặt ra câu hỏi về sự phụ thuộc và độc quyền của ứng dụng này. Nhiều bài phân tích đã cùng đề cập đến vấn đề này, trong bối cảnh Tổng thống và Chính phủ Hàn Quốc đã vào cuộc điều tra.

“Sự hoài nghi gia tăng khi người dân Hàn Quốc phụ thuộc quá nhiều vào Kakao” là tiêu đề bài phân tích trên tờ Korea Times, chỉ ra rằng sự cố gián đoạn dịch vụ lâu nhất từ trước đến nay của ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Hàn Quốc, KakaoTalk, và các dịch vụ liên quan (trò chơi, đặt xe, thanh toán trực tuyến..) đã khiến người dùng phải suy nghĩ lại về sự phụ thuộc vào ứng dụng này. Theo đó, nhiều người đã bắt đầu tìm kiếm các giải pháp thay thế cho các dịch vụ của Kakao để tránh sự phụ thuộc trong tương lai.

Tuy nhiên, tờ Korea Herald phân tích, sự cố ngừng hoạt động của KakaoTalk dường như không chỉ là một vấn đề xã hội, mà đã lan sang cả lĩnh vực chính trị, với sự vào cuộc của Tổng thống và các Đảng phái.

Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét liệu sự độc quyền của Kakao có thể bóp méo thị trường dịch vụ truyền thông hay không. Các nhà lập pháp khẳng định sẽ nhanh chóng đưa ra các biện pháp để ngăn chặn vụ việc như thế này tái diễn.

Tổng thống Yoon Suk-yeol đã lên tiếng cho biết, mặc dù Kakao là một mạng lưới do một công ty tư nhân vận hành, nhưng xét trên góc độ người dân thì nó không khác gì một mạng lưới truyền thông quốc gia. Dù ông tôn trọng quyền tự chủ và sáng tạo của doanh nghiệp, nhưng điều này cần phải dựa trên tiền đề cạnh tranh bình đẳng, vì vậy ông sẽ đưa vấn đề chống dịch vụ độc quyền ra Quốc hội, cũng như các biện pháp để có thể phòng ngừa hiệu quả các sự cố gián đoạn dịch vụ như của Kakao trong thời gian tới.

Trang CNBC dẫn phát biểu của Tổng thống Yoon Suk-yeol: “nếu có tình trạng độc quyền hoặc thao túng thị trường, Hàn Quốc cần thực hiện các biện pháp cải tổ hệ thống từ cấp độ toàn quốc, vì lợi ích của người dân”.

Hiện Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc đã quyết định thành lập một lực lượng đặc nhiệm an ninh, khẳng định Chính phủ đang rất coi trọng giải quyết vấn đề này.

Hồng Nhung