Điểm báo quốc tế ngày 10/4: Thủ tướng Anh cam kết tăng cường hỗ trợ vũ khí cho Ukraine

Thủ tướng Anh cam kết hỗ trợ Ukraine; Phần Lan, Thụy Điển có thể sớm gia nhập NATO; Thượng Hải (Trung Quốc) thừa nhận thiếu sót trong chống dịch COVID-19; EU cấm nhập khẩu than đá của Nga: Con dao hai lưỡi;... là những tin thức quốc tế đáng chú ý ngày 10/4.

THỦ TƯỚNG ANH CAM KẾT HỖ TRỢ UKRAINE

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bất ngờ tới thủ đô Ki-ép và gặp trực tiếp Tổng thống Volodymyr Zelensky, cam kết tăng cường hỗ trợ vũ khí cho Ukraine. Tại cuộc gặp, Thủ tướng Johnson cam kết viện trợ xe bọc thép và hệ thống tên lửa chống hạm cho Ukraine. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Anh cũng tuyên bố sẽ viện trợ thêm 500 triệu USD cho Ukraine thông qua Ngân hàng Thế giới. Thủ tướng Anh là nhà lãnh đạo nước ngoài mới nhất tới thăm Ki-ép sau khi Nga rút quân khỏi các khu vực quanh thủ đô của Ukraine cách đây hơn 1 tuần.

PHẦN LAN, THỤY ĐIỂN CÓ THỂ SỚM GIA NHẬP NATO

Phần Lan và Thụy Điển có thể sớm gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong bối cảnh liên minh quân sự này đang củng cố sức mạnh trong khu vực. Đây là một thông tin đáng chú ý vừa được CNN đăng tải.

CNN dẫn lời các quan chức NATO tiết lộ, những cuộc thảo luận về việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh này đã trở nên nghiêm túc hơn kể từ khi xảy ra cuộc giao tranh tại Ukraine. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết vấn đề này đã được đưa ra bàn bạc tại hội nghị cấp ngoại trưởng của NATO trong tuần này. Theo CNN, Quốc hội Phần Lan dự kiến thảo luận về khả năng trở thành thành viên NATO trong những tuần tới. Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển cũng không loại trừ khả năng làm thành viên khối NATO trong một cuộc phỏng vấn vào cuối tháng 3 vừa qua.

THƯỢNG HẢI THỪA NHẬN THIẾU SÓT TRONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Lãnh đạo thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã phải lên tiếng thừa nhận thiếu sót trong cách phòng chống dịch covid-19, khi số ca mắc mới theo ngày tiếp tục tăng cao kỷ lục và thành phố này vẫn tiếp tục bị phong tỏa.

Channel News Asia dẫn lời Phó Thị trưởng Thượng Hải (Trung Quốc), bà Tôn Minh, thừa nhận, có rất nhiều việc mà giới chức thành phố làm chưa tốt, và vẫn chưa đáp ứng sự kỳ vọng của người dân, đồng thời cam kết sẽ cải thiện tình hình trong thời gian tới. Hiện người dân Thượng Hải vẫn tiếp tục bị phong tỏa. Nhiều người đã phàn nàn về tình trạng thiếu lương thực do thiếu lao động trong lĩnh vực vận tải và cũng không rõ khi nào mới kết thúc lệnh phong tỏa. 

MẠNG XÃ HỘI CỦA ÔNG DONALD TRUMP SỤT GIẢM NGƯỜI DÙNG

Sau khi ra mắt vào tháng 2 vừa qua, ứng dụng mạng xã hội Truth Social của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump ghi nhận mức suy giảm mạnh về số lượng người dùng và mức độ tương tác. 

Theo tờ The Guardian, số lượt tải xuống của ứng dụng Truth Social đã sụt giảm nhanh chóng qua từng ngày. Từng là ứng dụng miễn phí được tải xuống nhiều nhất trên App Store. Tuy nhiên, ba tuần sau khi ra mắt, vị trí trên bảng xếp hạng lượt tải xuống của ứng dụng này đã giảm xuống còn 116. Tuần trước, Truth Social đã không thể lọt vào top 200. Một nghiên cứu cho thấy rằng lượt tải xuống đã giảm tới 95%. Trong khi đó, hai giám đốc điều hành công nghệ hàng đầu của mạng xã hội này cũng đã đồng loạt từ chức vào tuần trước.

TIÊU ĐIỂM: EU CẤM NHẬP KHẨU THAN ĐÁ CỦA NGA: CON DAO HAI LƯỠI

Trong khuôn khổ gói trừng phạt mới, tất cả các dạng than đá của Nga sẽ bị cấm tại Liên minh châu Âu – một động thái mà Ủy ban châu Âu cho biết sẽ ảnh hưởng đến 8,7 tỷ USD giá trị xuất khẩu của Nga mỗi năm. Theo kế hoạch, EU sẽ chấm dứt nhập than Nga trong vòng 4 tháng. Đây là lần đầu tiên EU đánh vào lĩnh vực năng lượng của Nga. Vậy lệnh cấm này sẽ có tác động như thế nào đến thị trường năng lượng EU. Báo chí quốc tế đã có một số bài phân tích xung quanh vấn đề này.

“EU có thể chống chọi ra sao nếu không có than đá của Nga” – đây là tiêu đề một bài phân tích trên DW. Bài viết dẫn chứng, Khoảng 70% than nhiệt mà Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu để vận hành các nhà máy nhiệt điện là đến từ Nga. Đức và Ba Lan là hai quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi EU áp lệnh cấm nhập khẩu than đá đối với Nga.

Nga là nhà cung cấp than lớn nhất cho châu Âu, do đó, lệnh trừng phạt này sẽ khiến các nước thành viên trong khối phải chịu thêm thiệt hại, sau khi đã bị tác động từ việc thiếu hụt năng lượng và tình trạng giá dầu mỏ, khí đốt tăng cao.

Nhận định về tác động của lệnh cấm này đối với kinh tế EU, bài viết cho biết, nhu cầu nhập khẩu từ EU gia tăng sẽ đẩy giá than toàn cầu tăng theo, đồng nghĩa với việc hóa đơn tiền điện của các công ty và hộ gia đình sẽ tăng cao. Xu thế này sẽ khiến tăng lạm phát vốn đang ở mức cao kỉ lục trong nhiều năm qua tại EU. Thiếu hụt năng lượng có thể còn tệ hơn vào mùa đông tới, khi nhu cầu sưởi ấm tăng vọt.

Cấm nhập khẩu than đá của Nga – điều này buộc châu Âu phải tìm kiếm các nhà cung cấp mới. Trong đó, Indonesia và Australia – những nhà sản xuất than đá hàng đầu thế giới, là 2 ứng cử viên tiềm năng. Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, Indonesia và Australia, đã đạt giới hạn sản xuất và khó có thể đáp ứng nhu cầu cung cấp thêm của Liên minh châu Âu. 

Cụ thể, sản lượng than của Australia đã bị ảnh hưởng bởi các đợt lũ lụt nghiêm trọng ở New South Wales và Queensland, cũng như đại dịch COVID-19 và tình trạng thiếu lao động. Trong khi, Indonesia đang phải chật vật đáp ứng nhu cầu than nội địa khi lượng dự trữ tại các nhà máy điện giảm xuống mức thấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển than Indonesia đến châu Âu cũng không cạnh tranh so với các nhà cung cấp khác. Do đó, giới phân tích cho rằng, việc châu Âu tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế Nga không phải là dễ dàng. 
 

Thu Ngoan