Điểm báo quốc tế ngày 5/4: Tổng thống Ukraine: Triển vọng đàm phán với Nga khó khăn hơn

Triển vọng đàm phán với Nga khó khăn hơn; Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) không tranh cử nhiệm kỳ 2; Hàn Quốc lên kế hoạch phóng tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn; Anh thử nghiệm làm việc 4 ngày/tuần; Mỹ tốn 2.000 tỷ/năm do biến đổi khí hậu; Hành trình di cư trên Địa Trung Hải: Giấc mơ không thành ... là những tin tức quốc tế đáng chú ý trên các mặt báo trưa ngày 05/4/2022.

Triển vọng đàm phán với Nga khó khăn hơn

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng việc đàm phán với Nga đã trở nên khó khăn hơn liên quan đến quy mô chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. 

Theo thông tin được hãng tin Reuters đăng tải, tuyên bố của Tổng thống Dê-len-x-ki được đưa ra khi ông tới thăm thị trấn Bucha, gần thủ đô Kiev, sau khi xuất hiện thông tin về việc phát hiện nhiều thi thể tại đây. Ông Zelensky đổ lỗi cho quân đội Nga gây ra vụ việc. Tuy nhiên, phía Nga bác bỏ mọi cáo buộc và khẳng định video về vụ việc đã được các phần tử cực đoan ở Ukraine dàn dựng. Dẫn lời Tổng thống Zelenskyi, bài viết cho hay “rất khó để có thể đàm phán khi thấy những gì xảy ra ở đây”. Ông cũng nhấn mạnh, “Nga càng kéo dài quá trình đàm phán, thì điều đó càng gây bất lợi cho Nga, cho tình hình hiện nay và cho cuộc xung đột này.”

Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) không tranh cử nhiệm kỳ 2

Dẫn lời bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, bài viết trên tờ South China Morning Post cho biết “nhiệm kỳ 5 năm của bà sẽ kết thúc vào ngày 30/6 tới, chính thức kết thúc sự nghiệp 42 năm phục vụ cho chính quyền Hong Kong.”. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga chia sẻ, “đã đến lúc để tôi tập trung cho gia đình mình. Gia đình là điều quan trọng nhất”. 

Hàn Quốc lên kế hoạch phóng tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết nước này có kế hoạch tiến hành một vụ phóng tên lửa đẩy sử dụng hoàn toàn nhiên liệu rắn vào năm 2025. Seoul đặt ra mục tiêu trên sau khi phóng thành công tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn hôm 30/3 vừa qua.

Báo The Korea Times cho hay, Hàn Quốc đã đặt mục tiêu phát triển tên lửa đẩy để đưa vệ tinh thực nghiệm trọng lượng 500 kg lên quỹ đạo tầm thấp, cách Trái đất 500 km. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, quân đội nước này đã lên kế hoạch phóng tên lửa đẩy sử dụng hoàn toàn nhiên liệu rắn vào năm 2025 tại Trung tâm vũ trụ Naro, huyện Goheung, tỉnh Nam Jeolla, cách Seoul 473 km về phía Nam. Trước đó, Cơ quan Phát triển quốc phòng Hàn Quốc đã tiến hành một vụ phóng tên lửa đẩy tại bãi thử nghiệm ở Taean nhằm mục đích kiểm chứng khả năng phân tách, hoạt động của động cơ tên lửa và một số tính năng cơ bản khác. Vụ thử này đánh dấu một “cột mốc quan trọng” trong mục tiêu tăng cường khả năng do thám và giám sát trên không một cách độc lập của quốc gia này.

Anh thử nghiệm làm việc 4 ngày/tuần

Khoảng 3.000 lao động trên khắp nước Anh sẽ tham gia cuộc thử nghiệm làm việc chỉ 4 ngày/tuần mà vẫn giữ nguyên lương như hiện tại. 

Theo thông tin đăng tải trên tờ The Guardian của Anh, chương trình này dự kiến sẽ kéo dài từ tháng 6 tới tháng 12 bao gồm người lao động từ 60 đơn vị thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Các nhà nghiên cứu từ đại học Oxford kết hợp với đại học Boston tại Mỹ sẽ theo dõi khả năng liệu khung thời gian mới có cho phép giảm áp lực với người lao động, đồng thời vẫn nâng cao năng suất và khả năng sáng tạo. Hiện ngoài chương trình này, một số doanh nghiệp lớn như Unilever và Panasonic cũng đã bắt đầu thử nghiệm tuần làm 4 ngày cho nhân viên.

Mỹ tốn 2.000 tỷ/năm do biến đổi khí hậu

Những hệ lụy từ biến đổi khí hậu như ngập lụt, hỏa hoạn và hạn hán có thể khiến ngân sách Mỹ từ nay đến cuối thế kỷ tiêu tốn 2.000 tỷ USD mỗi năm. Văn phòng Quản lý ngân sách Mỹ đã đưa ra con số trên trong một bản đánh giá đầu tiên về vấn đề này.

Báo The Japan Times nêu rõ các thảm họa thiên tai do biến đổi khí hậu mỗi năm có thể làm thất thoát 7,1% nguồn thu ngân sách liên bang, tương ứng 2.000 tỷ USD giá trị hiện tại. Dẫn lời nhà kinh tế trưởng của OMB Danny Yagan và chuyên gia về khí hậu Candace Vahlsing , “những thiệt hại trong tương lai có thể vượt xa ở thời điểm hiện tại nếu lượng phát thải thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục không suy giảm”. Bên cạnh đó, nạn cháy rừng gia tăng có thể khiến chính phủ liên bang phải tiêu tốn từ 1,55 tỷ USD đến 9,6 tỷ USD hàng năm để khắc phục hậu quả. Trong khi đó, gần 12.200 tòa nhà và công trình liên bang có thể bị ngập khi nước biển dâng, đòi hỏi sự thay thế với chi phí lên tới gần 44 tỷ USD.

Hành trình di cư trên Địa Trung Hải: Giấc mơ không thành

Vấn đề di cư trên biển Địa Trung Hải vẫn luôn khiến nhiều quốc gia đau đầu giải quyết. Và đây cũng là nội dung đã được đưa ra phân tích trên nhiều trang báo và hãng tin lớn sau sự kiện gần 100 người di cư thiệt mạng vừa xảy ra.  

Gần 100 người thiệt mạng, chỉ 4 người được cứu trên một con thuyền nhồi nhét người di cư trên biển Địa Trung Hải, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hành trình tìm đến miền đất hứa châu Âu. Đây là nội dung được đăng tải trên báo South China Morning Post. Dẫn lời một quan chức Liên hợp quốc, bài viết cho rằng "Châu Âu đã chứng minh khả năng có thể đón 4 triệu người tị nạn từ Ukraine một cách hào phóng và hiệu quả. Vì vậy, châu Âu nên cân nhắc kỹ để áp dụng công tác cứu trợ người tị nạn như vậy với những người di cư khác đang “gõ cửa” trong tuyệt vọng”.

Bài viết với tiêu đề “Tại sao châu Âu bỗng dưng quan tâm tới việc giúp đỡ người tị nạn?” được hãng tin Aljazeera đăng tải đã chỉ ra những bất cập trong các chính sách hỗ trợ người tị nạn của châu Âu. Tác giả bài viết cho rằng, nếu châu Âu không tận dụng thời điểm này để “suy ngẫm” về những phản ứng nhân đạo của mình, thì cuối cùng những chính sách và biện pháp chính trị sẽ ảnh hưởng tới các cuộc khủng hoảng trong tương lai. 

Trong khi đó, trong bài viết trên tờ The Nation với tiêu đề “Sự phân biệt và tính không thống nhất của hệ thống tị nạn trên thế giới”, các nhà phân tích cho rằng hệ thống giải quyết những cuộc khủng hoảng di cư hiện nay của thế giới đang dần trở nên sai lệch, và sự đoàn kết được thể hiện một cách có chọn lọc. Bài viết nhận định, bất kỳ ai cũng có thể trở thành người tị nạn, nhưng với lòng can đảm chính trị, một hướng đi mới giúp đảm bảo sự an toàn cho những người dễ bị tổn thương là hoàn toàn có thể.

Ngọc Anh