Điểm báo quốc tế ngày 01/4: Nga mở rộng trừng phạt các quan chức hàng đầu EU

Nga tuyên bố mở rộng thêm danh sách trừng phạt nhắm vào các quan chức hàng đầu của Liên minh châu Âu, vì có liên quan đến các lệnh trừng phạt và kích động nhằm vào Mát-cơ-va.

Hãng tin Reuters dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ, "Các hạn chế áp dụng đối với lãnh đạo cao nhất của Liên minh châu Âu, bao gồm một số ủy viên châu Âu và người đứng đầu các cơ quan quân sự của EU, cũng như đại đa số thành viên của Nghị viện châu Âu, những người thúc đẩy các chính sách phản đối Nga". Matxcơva cho biết danh sách đen này cũng bao gồm đại diện của một số quốc gia thành viên EU, các nhân vật nổi tiếng và nhà báo.

FACEBOOK THẤT BẠI NGĂN CHẶN THÔNG TIN SAI LỆCH VỀ CHIẾN SỰ TẠI UKRAINE

#Xung đột Nga-Ukraine leo thang trong hơn 1 tháng qua đã trở thành mảnh đất màu mỡ để thông tin sai lệch, tin giả lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội. Và theo một nghiên cứu mới đây, Facebook đã thất bại trong việc gắn nhãn 80% các bài đăng có nội dung sai lệch.  

Tờ The Guardian viện dẫn nghiên cứu mới nhất của Trung tâm Chống lại sự căm thù kỹ thuật số (CCDH) cho biết, 80% bài đăng trên Facebook có nội dung rằng Mỹ đang tài trợ cho việc sử dụng vũ khí sinh học ở Ukraine  – đã không bị gắn nhãn là "thông tin sai lệch" hoặc "thiếu kiểm chứng". Trong khi đó, một nghiên cứu khác từ Tổ chức giám sát truyền thông phi lợi nhuận của Mỹ - Media Matters, cho thấy YouTube không những không xóa được hàng nghìn video về phòng thí nghiệm sinh học mà còn thu lợi từ chúng thông qua các kênh kiếm tiền.

HÀN QUỐC CẤM ĐỒ NHỰA DÙNG MỘT LẦN TẠI NHÀ HÀNG

 Sau hai năm gián đoạn vì đại dịch covid-19, Bộ Môi trường Hàn Quốc đã khôi phục lệnh cấm sử dụng các sản phẩm dùng một lần tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Thông tin được đăng tải trên tờ Korea Herald.

Bắt đầu từ hôm nay 1/4, khách hàng dùng bữa tại nhà hàng, quán cà phê, quán ăn và quán bar không được sử dụng các sản phẩm dùng một lần, bao gồm cốc nhựa, hộp đựng, đũa gỗ và tăm. Những sản phẩm này sẽ chỉ được sử dụng cho mục đích bán mang đi hoặc giao hàng tận nơi. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp vi phạm sẽ bị phạt từ 500.000 won (412 USD) đến 2 triệu won. Từ ngày 10/6, khách hàng sẽ phải trả một khoản tiền đặt cọc từ 200 won đến 500 won cho mỗi cốc dùng một lần tại các cửa hàng cà phê.

CHUYẾN BAY THƯƠNG MẠI THỨ 4 VÀO VŨ TRỤ

 Channel News Asia đưa tin, Blue Origin, công ty du lịch vũ trụ của tỷ phú Jeff Bezos (giép bây-dốt), đã hoàn thành chuyến bay thương mại thứ tư vào vũ trụ, và hạ cánh thành công xuống vùng nông thôn phía tây Texas sau chuyến đi vòng quanh quỹ đạo kéo dài 10 phút.

Trong cuộc “du ngoạn” vào không gian, 6 hành khách có dịp trải nghiệm trạng thái không trọng lượng ở độ cao 106 km so với bề mặt Trái Đất. Hồi tháng 7 năm ngoái, Blue Origin đã thực hiện chuyến bay vào không gian chở hành khách đầu tiên với sự tham gia của tỷ phú Jeff Bezos, em trai ông Mark Bezos, nữ phi công tiên phong trong lĩnh vực hàng không vũ trụ Wally Funk và sinh viên người Hà Lan Oliver Daemen (18 tuổi).

 BẦU CỬ TỔNG THỐNG PHÁP 2022: CUỘC ĐUA NHIỀU ẨN SỐ

Thưa quý vị và các bạn, chỉ còn 10 ngày nữa, vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Pháp sẽ chính thức diễn ra. Hiện đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang chiếm ưu thế áp đảo trong các cuộc thăm dò. Vậy liệu cuộc đua vào vị trí người đứng đầu nước Pháp năm 2022, đã biết trước kết quả hay sẽ tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ? Báo chí quốc tế đã có nhiều bài phân tích xung quanh vấn đề này.

Trong bài phân tích trên tờ The Guardian với tiêu đề  “Cử tri Pháp được kêu gọi đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống vì kết quả không được đảm bảo”, tác giả bài viết đặt từ “không được đảm bảo” đặt trong ngoặc kép với ý rằng, sẽ rất nguy hiểm khi cử tri Pháp không còn quan tâm đến cuộc bầu cử, chỉ bởi vì các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Emmanuel Macron sẽ giành chiến thắng. Đại dịch Covid và cuộc xung đột ở Ukraine – được xem là những yếu tố khiến cuộc đua vào điện Elysee năm nay trở nên khó đoán định và mọi dự báo về kết quả đều không đáng tin cậy.

Theo khảo sát của Tờ Tiếng vang, chi phí sinh hoạt và an sinh xã hội vẫn là mối quan tâm hàng đầu của cử tri Pháp. Trong khi đó, 25% cử tri cho rằng, cuộc xung đột ở Ukraine sẽ ảnh hưởng đến lá phiếu của họ. Trong khi đó, giới phân tích cũng cho rằng, nếu giành chiến thắng, tổng thống Macron vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong nhiệm kì 2, nhằm thúc đẩy các cải cách gây tranh cãi, bao gồm cả việc thay đổi hệ thống lương hưu đã được hứa hẹn từ lâu.

 “Ai sẽ là đối thủ của Tổng thống Macron trong cuộc bầu cử 2022” là tiêu đề một bài phân tích của hãng tin Reuters. Bài viết nhận định, mặc dù các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy tổng thống đương nhiệm sẽ lọt vào vòng hai và tái đắc cử, nhưng thực tế cuộc bầu cử này lại tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ. 

Bài viết đã chỉ ra những đối thủ đáng gờm mà Tổng thống Macron sẽ phải đối mặt trong cuộc đua năm nay bao gồm: bà Marine Le Pen – đối thủ của ông Macron năm 2017- được dự báo sẽ giành được 21% sự ủng hộ của cử tri ở vòng 1, ông Jean-Luc Melenchon - ứng cử viên cánh tả duy nhất đứng đầu danh sách đối thủ nặng kí của ông Macron - được dự báo sẽ giành được 21%, nhà báo nổi tiếng cực hữu Eric Zemmour – một làn gió mới với nhiều ẩn số - được dự báo sẽ giành được 9-13%, và nữ chính khách Valerie Pecresse, người tự miêu tả bản thân là sự kết hợp của Margaret Thatcher và Angela Merkel - được dự báo sẽ giành được 10-13%. Đây là 4 ứng cử viên được dự báo sẽ là đối đầu với tổng thống đương nhiệ Macron tại vòng 2 cuộc bầu cử. 
 

Đinh Giang