Điểm báo quốc tế: Hàn Quốc triệu tập họp sau vụ việc Triều Tiên bắn đạn pháo

Hàn Quốc triệu tập họp sau vụ Triều Tiên bắn đạn pháo; Tổng thống Mỹ hoan nghênh nỗ lực kiềm chế bạo lực súng đạn; Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất; Thế giới đối mặt với nguy cơ giá gạo tăng; Ukraine và con đường tới Liên minh châu Âu.

HÀN QUỐC TRIỆU TẬP HỌP SAU VỤ TRIỀU TIÊN BẮN ĐẠN PHÁO

Theo hãng tin Yonhap, hôm qua, Văn phòng An ninh Quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc đã triệu tập cuộc họp để thảo luận về vụ việc Triều Tiên bắn nhiều đạn pháo được cho là từ bệ phóng tên lửa.

Thông báo từ Văn phòng An ninh Quốc gia cho biết, nhiều tiếng súng được phát hiện trong khoảng thời gian từ 8h07 phút đến 11h03 phút sáng 12/6 (theo giờ địa phương). Văn phòng đã triệu tập cuộc họp để thảo luận về khả năng sẵn sàng đối phó của quân đội Hàn Quốc, tái khẳng định quan điểm của Seoul là ứng phó một cách bình tĩnh và chặt chẽ, đồng thời theo dõi sát tình hình.

TỔNG THỐNG MỸ HOAN NGHÊNH NỖ LỰC KIỀM CHẾ BẠO LỰC SÚNG ĐẠN

Hôm qua (12/6), một nhóm gồm 20 thượng nghị sĩ của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ đã nhất trí về khuôn khổ đối với dự luật kiểm soát súng đạn, ủng hộ kiểm tra lý lịch chặt chẽ hơn đối với những người mua súng dưới 21 tuổi. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ngay lập tức lên tiếng hoan nghênh nỗ lực này. 

Báo The Straits Times dẫn phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định đề xuất từ các thượng nghị sĩ để kiềm chế bạo lực súng đạn là một bước tiến quan trọng và kỳ vọng đây sẽ là đạo luật an toàn súng đạn quan trọng nhất được Quốc hội Mỹ thông qua trong nhiều thập kỷ. Cũng theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, không có lý do gì để trì hoãn thông qua dự luật này.

FED CÓ THỂ TIẾP TỤC TĂNG LÃI SUẤT

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được cho là sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp vào lúc 2 giờ 30 phút chiều ngày 15/6 tới theo giờ địa phương. 

Theo CNN, đây sẽ là lần thứ hai liên tiếp Fed quyết định tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ đã ghi nhận mức tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 5 vừa qua. Theo các chuyên gia, Fed có thể sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong 2 cuộc họp tiếp theo.

THẾ GIỚI ĐỐI MẶT VỚI NGUY CƠ GIÁ GẠO TĂNG

Theo trang CNBC, giá lương thực trên toàn cầu đã tăng liên tục trong vài tháng vừa qua, và gạo có thể sẽ là mặt hàng tiếp theo đối mặt với tình trạng tăng giá. 

Bài viết dẫn thông tin từ Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc cho biết giá gạo trên thị trường quốc tế đã tăng tháng thứ năm liên tiếp và đạt mức cao nhất trong 12 tháng vừa qua. Theo các chuyên gia của Tổ chức này, sản xuất lúa gạo vẫn rất dồi dào. Tuy nhiên, với đà tăng của giá lúa mì và chi phí canh tác nói chung cũng tăng cao, cần phải theo dõi chặt chẽ giá gạo trong thời gian tới.

UKRAINE VÀ CON ĐƯỜNG TỚI LIÊN MINH CHÂU ÂU

Ukraine chính thức nộp đơn để trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 28/2, chỉ bốn ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại nước này. Con đường tới Liên minh châu Âu của Ukraine được dự báo có thể có những thuận lợi đặc biệt, nhưng bên cạnh đó cũng là không ít khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh dự kiến, vào cuối tuần này, Liên minh châu Âu sẽ chính thức đưa ra quyết định về việc có trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên để kết nạp vào khối hay không, báo chí quốc tế đã có những bài viết phân tích về vấn đề này.

Bài viết trên trang Al Jazeera cho biết, trong chuyến thăm bất ngờ tới thủ đô Kiev của Ukraine vào cuối tuần qua, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, bàn bạc về quyết định tư cách ứng cử viên của nước này. 

Nhấn mạnh đây chỉ là một bước đi sơ bộ trong cả tiến trình dài, Al Jazeera cho biết, theo quy trình, tất cả 27 quốc gia thành viên EU cần phải đồng ý cấp tư cách ứng cử viên cho Ukraine, sau đó sẽ có các cuộc đàm phán sâu rộng về các cải cách cần thiết trước khi Kiev có thể được xem xét trở thành thành viên của EU. 

Các quan chức và lãnh đạo Liên minh châu Âu cảnh báo rằng, ngay cả khi được phê duyệt tư cách ứng cử viên, việc kết nạp Ukraine chính thức trở thành thành viên EU có thể mất nhiều năm, hoặc thậm chí là nhiều thập kỷ.  

Cũng phân tích về vấn đề này, báo The Guardian đăng tải bài viết cho hay, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các quan chức cấp cao của EU, bao gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đã lên tiếng ủng hộ việc nhanh chóng kết nạp Ukraine vào Liên minh châu Âu. Trong khi một số quốc gia như Estonia, Latvia, Litva hưởng ứng, thì vẫn còn sự chần chừ từ Berlin, Paris và một số nước Tây Âu khác. 

Tác giả bài viết nhận định, Kiev coi cơ hội gia nhập Liên minh châu Âu vừa là bước đi mang tính biểu tượng, vừa là cách thức chiến lược để giải quyết những điểm yếu địa chính trị của khối này, sau khi Tổng thống Ukraine thừa nhận rằng nước này nước này sẽ không trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). 

Khảo sát gần đây cho thấy, 91% người dân Ukaine ủng hộ nước này gia nhập EU. Trong khi đó, trong một tuyên bố được đưa ra gần đây, Nga cho biết coi việc Ukraine gia nhập EU tương đương với việc gia nhập NATO.

Kim Ngọc