Điểm báo quốc tế 9/8: Nga ngừng cho phép Mỹ thanh sát kho vũ khí hạt nhân

Nga ngừng cho phép Mỹ thanh sát kho vũ khí hạt nhân; Thổ Nhĩ Kỳ chưa đồng ý Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO; Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc từ chức; 55 du khách Thái Lan biến mất ở Hàn Quốc; Trung Quốc tiếp tục tập trận trên eo biển Đài Loan... là những tin tức quốc tế đáng chú ý trên các mặt báo trưa 9/8.

NGA NGỪNG CHO PHÉP MỸ THANH SÁT KHO VŨ KHÍ HẠT NHÂN

Nga vừa tuyên bố đình chỉ hoạt động của Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START), theo đó dừng việc cho phép Mỹ thanh sát kho vũ khí hạt nhân của nước này. The Guardian đưa tin, động thái này được Nga đưa ra vì các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt.

Các cuộc thanh sát kho vũ khí hạt nhân Nga – Mỹ theo Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới vốn bị đình chỉ thời gian qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, và Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ sẽ tiếp tục tạm dừng việc này trong thời gian tới. Nguyên nhân là do các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Nga vì cuộc xung đột Nga - Ukriane đã cản trở các thanh sát viên Nga tới Mỹ, Nga đã nêu vấn đề này tới các nước liên quan nhưng không nhận được câu trả lời. Hiện phía Mỹ chưa đưa ra phản hồi về động thái này.

THỔ NHĨ KỲ CHƯA ĐỒNG Ý PHẦN LAN, THỤY ĐIỂN GIA NHẬP NATO

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vừa tiếp tục khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), cho đến khi cả hai nước này giải quyết được các quan ngại an ninh của mình.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển đã ký một bản ghi nhớ bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid ngày 28/6 nhằm xóa bỏ các rào cản đối với việc hai nước này gia nhập liên minh. Tuy nhiên tờ Tass dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay khẳng định, Ankara đã nêu rõ lập trường rằng nếu 2 nước không giải quyết vấn đề với các tổ chức mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố, việc gia nhập NATO sẽ không thể thành hiện thực. Trước đó, các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tuyên bố rằng, bản ghi nhớ đã ký với Phần Lan và Thụy Điển không phải là quyết định cuối cùng.

BỘ TRƯỞNG GIÁO DỤC HÀN QUỐC TỪ CHỨC

Korea Herald đưa tin, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Park Soon Ae vừa đệ đơn từ chức. Quyết định này được đưa ra gần một tháng sau khi bà Park nhậm chức, sau những tranh cãi xung quanh kế hoạch hạ độ tuổi nhập học tiểu học của bà.

Park Soon Ae là Bộ trưởng đầu tiên trong chính quyền của Tổng thống Tổng thống Yun Sấc Yơng từ chức. Trong phát biểu của mình, bà Park khẳng định chịu trách nhiệm cho tất cả những tranh cãi liên quan đến kế hoạch cải cách độ tuổi nhập học tiểu học, vốn vấp phải phản ứng mạnh của các bậc phụ huynh. Đối với kế hoạch này, hiện Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết đang thu thập ý kiến của người dân trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

55 DU KHÁCH THÁI LAN BIẾN MẤT Ở HÀN QUỐC

Hãng Thông tấn Yonhap và tờ Bangkok Post đưa tin, 55 du khách Thái Lan tới Hàn Quốc đã “biến mất” vào tuần trước, và cơ quan chức năng hai nước đang nỗ lực tìm kiếm nhóm người này.

Theo đó, 55 du khách Thái Lan đã bay đến đảo Jeju của Hàn Quốc cùng với 280 du khách khác trong một tour du lịch trọn gói 3 ngày, tuy nhiên họ đã không trở lại Thái Lan sau khi kết thúc tour. Cơ quan xuất nhập cảnh Hàn Quốc đang nỗ lực truy vết những người này, nghi ngờ họ tìm cách ở lại đây để làm việc. Trên thực tế, mức lương khá cao, khoảng 2.100 bath mỗi ngày (khoảng 1 triệu 300 nghìn VNĐ) tại Hàn Quốc đã khiến nhiều người Thái Lan đóng giả làm khách du lịch và trốn ở lại làm việc bất hợp pháp ở nước này.

TRUNG QUỐC TIẾP TỤC TẬP TRẬN TRÊN EO BIỂN ĐÀI LOAN

Như tin đã đưa, Quân đội Trung Quốc vừa tuyên bố sẽ vẫn tiếp tục các cuộc tập trận trên biển và trên không quanh đảo Đài Loan, dù trước đó nước này thông báo thời gian tập trận chỉ kéo dài trong 4 ngày. Động thái này thể hiện thông điệp cứng rắn của Trung Quốc tới Mỹ và các nước đồng minh trong vấn đề Đài Loan.

Bài báo trên South China Morning Post dẫn lời nhiều chuyên ra phân tích chỉ ra rằng hành động của Trung Quốc là chưa từng có tiền lệ, với mục đích gửi thông điệp cảnh báo tới Mỹ và các đồng minh chủ chốt trong khu vực như Nhật Bản và Australia không can thiệp vào vấn đề Đài Loan. Bên cạnh đó, các cuộc tập trận này cũng nhằm mục đích kiểm tra khả năng thực chiến của quân đội Trung Quốc.

Một bài báo khác trên Japan Times cho rằng, nguy cơ Mỹ và các đồng minh can dự vào vấn đề Đài Loan mang lại cho quân đội Trung Quốc một cơ sở mới để từ đó thúc đẩy nhiều ranh giới hơn trong các cuộc tập trận trong tương lai. Để tránh làm gia tăng căng thẳng, Mỹ và các đồng minh như Nhật Bản không thể can dự trực tiếp để buộc Bắc Kinh dừng các cuộc tập trận này mà chỉ có thể lên án.

Cũng cùng quan điểm, một bài viết trên New York Times cho rằng, việc duy trì tập trận trên eo biển Đài Loan có thể là cách mà Trung Quốc bình thường hóa sự hiện diện quân sự của họ tại đây. Điều này cho phép Bắc Kinh từ từ siết chặt gọng kìm với hòn đảo, bao gồm cả hạn chế việc tiếp cận không phận và hải phận.

Hồng Nhung