Điểm báo quốc tế 8/9: Phái đoàn Nghị sĩ Mỹ tới Đài Loan (Trung Quốc)

Phái đoàn Nghị sĩ Mỹ tới Đài Loan (Trung Quốc); Quốc hội Thái Lan từ chối đề xuất của phe đối lập; Đồng yên xuống mức thấp kỷ lục so với USD; Nghi phạm tấn công bằng dao tại Canada tử vong; Khủng hoảng năng lượng tại Châu Âu và những giải pháp... là những nội dung chính trong điểm báo quốc tế ngày 8/9.

PHÁI ĐOÀN NGHỊ SĨ MỸ TỚI ĐÀI LOAN (TRUNG QUỐC)

Một phái đoàn nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã đến Đài Loan (Trung Quốc) trong một chuyến thăm không báo trước vào ngày hôm qua.

Đoàn Mỹ có 8 người do Hạ nghị sĩ Stephanie Murphy, một thành viên Đảng Dân chủ và là ủy viên Ủy ban lực lượng vũ trang đã dẫn đầu. Bà Murphy và các nghị sĩ đến Đài Loan trên một chuyến bay dân sự từ Hàn Quốc. Trong chuyến thăm, nhóm nghị sĩ Mỹ dự kiến sẽ thảo luận về thành lập các chuỗi cung ứng cùng các vấn đề quan trọng khác.

QUỐC HỘI THÁI LAN TỪ CHỐI ĐỀ XUẤT CỦA PHE ĐỐI LẬP

Quốc hội Thái Lan mới đây đã bác bỏ yêu cầu của đảng đối lập nhằm tước bỏ quyền hạn của Thượng viện do quân đội kiểm soát trong việc đề cử thủ tướng mới.

Đề xuất của Đảng đối lập tập trung loại bỏ các điều khoản cho phép Thượng viện được quyền chọn ra thủ tướng cùng với Hạ viện sau 5 năm từ sau cuộc đảo chính năm 2019. Động thái này được cho là sẽ không thành vì cần có sự ủng hộ của hơn một nửa số đại biểu Quốc hội với 750 ghế, trong đó 1 phần 3 số phiếu bầu là của Thượng viện. Trước đó đã có nhiều nỗ lực của các đảng phái chính trị nhằm xóa bỏ quyền biểu quyết của Thượng viện khỏi hiến pháp, vốn là một phương tiện để củng cố quyền lực của quân đội Thái Lan.

ĐỒNG YÊN XUỐNG MỨC THẤP KỶ LỤC SO VỚI USD

Theo tờ The Japan Times, đồng Yên tiếp tục xuống mức thấp kỷ lục, giới chức Nhật Bản dự báo tương lai lạm phát tiếp tục xấu đi.

Đồng Yên đã giảm hơn 1% xuống còn 144,38 yên trên 1 đô la Mỹ trong chuỗi giảm 3 ngày liên tiếp. Phát ngôn viên Chính phủ Nhật Bản cho biết, chính phủ nước này sẽ tiếp tục theo dõi thị trường ngoại hối và sẽ có phương án đối phó trong thời gian tới.

NGHI PHẠM TẤN CÔNG BẰNG DAO TẠI CANADA TỬ VONG

Một trong các nghi phạm trong vụ tấn công bằng dao đẫm máu tại Canada đã bị cảnh sát nước này bắt giữ.

Trang Reuters cho biết, nghi phạm trong vụ tấn công bằng dao khiến 10 người thiệt mạng đã đầu hàng cảnh sát và bị bắt giữ sau khi bị lực lượng chức năng truy đuổi trên đường cao tốc, tuy nhiên nghi phạm đã tử vong trên xe cứu thương. Kết quả giám định cho thấy đối tượng tử vong do các thương tích tự gây ra. Hiện tại lực lượng chức năng Canada chưa đưa ra bình luận nào.

KHỦNG HOẢNG NĂNG LƯỢNG TẠI CHÂU ÂU VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP

Thị trường năng lượng tại Châu Âu ngày càng trở nên ảm đạm khi các nguồn cung dầu mỏ và khí đốt đang bị thu hẹp. Lạm phát cùng với khủng hoảng năng lượng đang khiến tình hình kinh tế và xã hội tại Châu Âu ngày càng trở nên khó khăn và lối thoát cho chính phủ các nước thành viên EU cũng không còn nhiều. Báo chí thế giới đã có một số bài phân tích và nhận định về giải pháp đối với tình hình hiện nay.

Trong một bài phân tích trên tờ The Politico, tác giả đưa ra đánh giá tổng quan về tình hình kinh tế châu Âu cũng như các vấn đề mà chính quyền các nước phải đối mặt như giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao, nguy cơ khủng hoảng kinh tế có thể không còn khả năng tránh khỏi, buộc chính phủ các nước phải sớm đưa ra phương án đối phó điều mà hiện tại Châu Âu không còn nhiều.

Tác giả đã đưa ra lập luận, giá khí đốt có mối liên hệ chặt chẽ với giá điện tại Châu Âu, với giá điện được quyết định bởi các nguồn cung khí đốt và công suất của các nhà máy điện. Tuy nhiên tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi nhiệt độ trong vào đầu mùa hè này đạt mức cao kỷ lục khiến cho dung tích hồ chứa thủy điện của các nhà máy thủy điện tại Châu Âu. Cùng lúc đó các nhà máy điện của Pháp đã buộc phải tiến hành bảo trì 32 trên tổng số 56 lò phản ứng, gây suy giảm vai trò của nước này với tư cách là nhà xuất khẩu điện lớn nhất châu Âu.

Trước đó giá thành năng lượng đã hạ xuống phần nào sau khi đạt vỡ kỷ lục trong tháng 8, song nỗi lo lớn là làm thế nào để người dân châu Âu có thể giữ ấm trong mùa đông sắp tới được dự báo là vô cùng khắc nghiệt.

Trong một bài phân tích khác trên tờ The Guardian, tác giả bài viết đồng thời cũng đưa ra dự báo tương tự khi Châu Âu có thể sẽ phải trải qua một mùa đông sắp tới cực kỳ khắc nghiệt. Tuy nhiên vấn đề không phải là liệu nền kinh tế Châu Âu có suy thoái hay không mà là nó sẽ suy thoái sâu đến mức nào và kéo dài trong bao lâu. Hai phương án mà tác giả đề xuất trong đó có việc không làm gì cả và chịu đựng giá nhiên liệu tăng cao, điều này sẽ khiến xu hướng tiêu thụ năng lượng tụt giảm. Lựa chọn thứ 2 mà các quốc gia EU có đó là nắm bắt cơ hội khi giá khí đốt tăng cao để đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi sang nhiên liệu xanh và dần dần giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.