Điểm báo quốc tế 8/6: Mỹ cảnh báo Triều Tiên có thể sẽ thử hạt nhân "bất cứ lúc nào"

Nguy cơ xảy ra thêm nhiều vụ xả súng tại Mỹ; Mỹ cảnh báo Triều Tiên có thể thử hạt nhân "bất cứ lúc nào"; Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu; Các công ty tại EU sẽ phải có 40% phụ nữ trong ban điều hành; Sau cấm vận dầu, liệu EU có tiếp tục cấm vận khí đốt Nga? ... là những tin tức quốc tế đáng chú ý ngày 8/6/2022.

NGUY CƠ XẢY RA THÊM NHIỀU VỤ XẢ SÚNG TẠI MỸ

Giới chức Mỹ vừa đưa ra cảnh báo nguy cơ sẽ có thêm nhiều vụ xả súng trong thời gian tới, tương tự như vụ việc mới đây ở bang Texas, khiến 18 học sinh và 2 giáo viên thiệt mạng. Thông tin từ trang Channel News Asia. 

Theo Bộ An ninh Nội địa Mỹ nhấn mạnh có nguy cơ xảy ra bạo lực súng đạn liên quan tới các sự kiện lớn sắp diễn ra, như phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ liên quan tới quyền được bỏ thai của phụ nữ, quy định nới lỏng kiểm soát biên giới, và các cuộc bầu cử nghị viện sẽ được tiến hành vào tháng 11 tới. Mục tiêu được nhắm tới có thể là những hoạt động tụ tập đông người, các cơ sở, tổ chức tôn giáo hay các nhóm dân cư thiểu số.

MỸ CẢNH BÁO TRIỀU TIÊN CÓ THỂ THỬ HẠT NHÂN "BẤT CỨ LÚC NÀO"

Triều Tiên có thể sẽ tiến hành thử hạt nhân lần thứ 7 bất cứ lúc nào. Đây là cảnh báo mới được đưa ra bởi Đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên Sung Kim.

Hãng tin Reuters dẫn phát biểu của ông Sung Kim ngày 7/6 nhận định rằng Triều Tiên không quan tâm đến việc quay trở lại đàm phán. Theo ông Sung Kim, Triều Tiên đã phóng thử số tên lửa đạn đạo chưa từng có trong năm nay và phát ngôn của giới chức nước này cho thấy Bình Nhưỡng có thể có kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Ngày 5/6 vừa qua, Triều Tiên đã phóng 8 tên lửa đạn đạo, số lượng nhiều nhất trong 1 ngày.

NGÂN HÀNG THẾ GIỚI HẠ DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TOÀN CẦU

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu công bố ngày 7/6, Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 thêm 1,2 điểm phần trăm, xuống còn 2,9%.

Trang CNBC trích dẫn thông tin trong báo cáo cho biết, xung đột tại Ukraine khiến cho giá hàng hóa gia tăng đã làm trầm trọng thêm thiệt hại gây ra bởi COVID-19, khiến kinh tế toàn cầu có thể bước vào giai đoạn tăng trưởng yếu kéo dài và lạm phát gia tăng. Theo Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, đối với nhiều quốc gia, suy thoái kinh tế là điều khó tránh khỏi.

CÁC CÔNG TY TẠI EU SẼ PHẢI CÓ 40% PHỤ NỮ TRONG 

Các nhà lập pháp tại Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt được một thỏa thuận “mang tính bước ngoặt” về bình đẳng giới, sau 10 năm đàm phán. Theo báo The Guardian, kể từ ngày 30/6/2026, các công ty lớn hoạt động tại EU sẽ phải đảm bảo tỷ lệ 40% “giới tính không đại diện” thường là phụ nữ - trong ban điều hành công ty.

EU cũng đặt mục tiêu 33% số vị trí quản lý cấp cao là phụ nữ. Năm 2021, phụ nữ chiếm 30,6% các vị trí trong hội đồng quản trị tại EU, nhưng tỷ lệ này rất khác nhau tại 27 quốc gia thành viên. Theo Viện Bình đẳng giới châu Âu, tỷ lệ phụ nữ có mặt trong ban điều hành tại Pháp là 45,3%, trong khi tỷ lệ này ở một số quốc gia như Hungary, Estonia và Cộng hòa Síp chỉ ở mức dưới 10%.

SAU CẤM VẬN DẦU, LIỆU EU CÓ TIẾP TỤC CẤM VẬN KHÍ ĐỐT NGA?

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 23-24/6 tới, với nội dung chủ yếu tập trung vào các thách thức kinh tế mà khối đồng tiền chung eurozone đang phải đối mặt. Các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga cũng có thể là nội dung được đưa ra bàn thảo. Sau quyết định cắt giảm nhập khẩu, tiến tới cấm vận đối với phần lớn dầu từ Nga vào cuối năm nay, bước tiếp theo trong việc tăng cường áp lực với Moskva có thể sẽ là cấm khí đốt của Nga. Nhưng theo báo chí thế giới, điều này có nguy cơ làm tổn thương EU nhiều hơn là Nga.

Trang Euronews đăng tải bài viết với tiêu đề: Tại sao để EU đạt được lệnh cấm vận đối với khí đốt của Nga là cả chặng đường dài. 

Bài viết nhắc lại gói trừng phạt thứ 6 mà EU đã đạt được, trong đó tiến tới cấm 90% lượng dầu của Nga nhập khẩu vào Liên minh châu Âu vào cuối năm nay. Về mặt lý thuyết, tiếp theo đó, Liên minh châu Âu có thể áp đặt một lệnh cấm vận đối với khí đốt của Nga. Tuy nhiên, theo tác giả bài viết, điều này đang gây ra nhiều tranh cãi giữa các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu.

Bài viết trích dẫn phát biểu của Thủ tướng Áo Karl Nehammer sau Hội nghị thượng đỉnh EU vào cuối tháng 5 vừa qua, khẳng định: “Không có lệnh cấm vận nào có thể được áp dụng liên quan đến khí đốt.”

Trong khi đó, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nhận định Khí đốt nên hiện diện trong gói trừng phạt thứ 7 nhằm vào Nga nhưng dựa trên tình hình thực tế, bà không nghĩ rằng điều này có thể xảy ra. 

Lý do và vì nhiều quốc gia châu Âu phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt nhập khẩu từ Nga, với các quốc gia hàng đầu là: Phần Lan phụ thuộc 100%, Latvia 93%, Bulgaria 79%, Estonia 79%.

Trong khi đó, trang Politico nhận định: Đừng mong đợi EU sớm cấm vận khí đốt từ Nga.

Bài viết trích dẫn nhận định của Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho rằng, lệnh cấm khí đốt có thể gây thiệt hại cho EU nhiều hơn là cho Nga. 

Số liệu thống kê kinh tế mới được công bố hôm 31/5 cho thấy lạm phát trong khu vực đồng euro đã tăng lên 8,1% vào tháng 5 và bất kỳ cú sốc nguồn cung nào nữa từ Nga gần như chắc chắn sẽ khiến hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình tăng vọt.

Cũng theo bài viết, Châu Âu phụ thuộc vào Nga về khí đốt nhiều hơn so với than hoặc dầu, khi 40% nguồn cung cấp khí đốt của EU là từ Nga. Chính vì vậy, các cường quốc kinh tế như Đức và Italia đều đã cảnh báo về tác động nếu Brussels đột ngột chấm dứt nhập khẩu khí đốt của Nga.

Kim Ngọc