Điểm báo quốc tế: 3 ứng cử viên trong cuộc đua vào vị trí Thủ tướng Anh

Còn lại 3 ứng cử viên trong cuộc đua vào vị trí Thủ tướng Anh; Vòng hòa đàm tiếp theo giữa Nga – Ukraine sẽ khó khăn hơn; Trung Quốc: Chủ tịch Hạ viện Mỹ thăm Đài Loan sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ - Trung; Ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Châu Âu; Thông điệp từ chuyến thăm Iran của Tổng thống Nga ... là những tin tức quốc tế đáng chú ý trên các mặt báo ngày 20/7/2022.

CÒN LẠI 3 ỨNG CỬ VIÊN TRONG CUỘC ĐUA VÀO VỊ TRÍ THỦ TƯỚNG ANH

Ủy ban 1922 - cơ quan giám sát việc bầu lãnh đạo Đảng Bảo thủ của Anh đã công bố 3 ứng cử viên có số phiếu cao nhất trong vòng bỏ phiếu thứ 4 nhằm tìm ra người kế nhiệm Thủ tướng Boris Johnson.

Theo báo The Guardian, Cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak giành được số phiếu cao nhất với 118 phiếu, trong khi bà Penny Mordaunt, Quốc vụ khanh Chính sách thương mại thuộc Bộ Thương mại giành được 92 phiếu. Ngoại trưởng Liz Truss có 86 phiếu. Ứng cử viên giành được ít phiếu nhất (với 59 phiếu ủng hộ) là Cựu Bộ trưởng Bình đẳng Kemi Badenoch, bà đã bị loại khỏi cuộc đua. Kết quả bỏ phiếu bầu hai ứng cử viên cuối cùng sẽ được công bố vào tối nay theo giờ địa phương.

VÒNG HÒA ĐÀM TIẾP THEO GIỮA NGA – UKRAINE SẼ KHÓ KHĂN HƠN

Moskva sẽ đưa ra các điều kiện khó khăn hơn cả về thực chất và thời gian nếu các cuộc đàm phán với Kiev được nối lại. 

Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời Nghị sĩ Leonid Slutsky, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do Nga và cũng là thành viên của phái đoàn Nga tham dự đàm phán với Ukraine, cho biết các điều kiện từ Nga sẽ khó khăn hơn cả về phi quân sự hóa và phi phát xít hóa, nhấn mạnh đây là điều kiện đặt ra nếu quá trình đàm phán được nối lại. Theo nghị sĩ này, cho đến nay, các quan chức Kiev chưa thể hiện bất cứ dấu hiệu sẵn sàng nào để nối lại đàm phán. 

TRUNG QUỐC: CHỦ TỊCH HẠ VIỆN MỸ THĂM ĐÀI LOAN SẼ ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUAN HỆ MỸ - TRUNG

Báo The Hill đưa tin, Trung Quốc cảnh báo chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ tới Đài Loan (Trung Quốc) sẽ có ảnh hưởng tiêu cực và nghiêm trọng đến mối quan hệ Mỹ - Trung. 

Phát biểu trong họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh ngày hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng chính sách “Một Trung Quốc”. Trung Quốc kêu gọi Chủ tịch Hạ viện Mỹ hủy chuyến thăm Đài Loan, dự kiến diễn ra vào tháng tới, cho biết sẽ có các biện pháp mạnh mẽ và kiên quyết. 

Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ NGHIÊM TRỌNG TẠI CHÂU ÂU

Châu Âu đang phải trải qua tình trạng ô nhiễm không khí tăng cao, trong bối cảnh nắng nóng cao điểm cũng đang diễn ra tại khu vực này. Thông tin từ báo The Straits Times. 

Ô nhiễm không khí đang tăng đột biến tại Anh, Pháp và khu vực Nam Âu, khi nhiệt độ tăng lên mức kỷ lục và các trận cháy rừng dữ dội đang diễn ra ở nhiều nơi. Theo đó, châu Âu đang phải đối mặt đồng thời với ô nhiễm ozone và ô nhiễm do bụi mịn, chủ yếu từ các đám cháy rừng bùng phát tại Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp trong những ngày gần đây. 

THÔNG ĐIỆP TỪ CHUYẾN THĂM IRAN CỦA TỔNG THỐNG NGA

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang có chuyến thăm Iran, tham dự hội nghị thượng đỉnh ba bên với các nhà lãnh đạo đồng cấp Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm thảo luận về các vấn đề cấp bách mà khu vực đang đối mặt. Đây cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Nga Putin tới khu vực bên ngoài Liên Xô trước đây, kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2 vừa qua. Báo chí quốc tế đã có những phân tích xoay quanh ý nghĩa và thông điệp từ chuyến thăm này. 

Theo hãng tin Reuters, chuyến công du của Tổng thống Nga Vladimir Putin diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Israel và A rập Xê-út, gửi 1 thông điệp mạnh mẽ tới phương Tây về kế hoạch của Moskva nhằm tăng cường quan hệ chiến lược chặt chẽ hơn với Iran, Trung Quốc và Ấn Độ, trong bối cảnh Nga đang phải đối mặt với làn sóng trừng phạt của phương Tây.

Bài viết nhận định, đối với Iran, quốc gia cũng đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây và có những bất đồng với Mỹ về chương trình hạt nhân của Tehran và một loạt các vấn đề khác, chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin là đúng lúc. 

Trước khi ông Putin đến Iran, Công ty Dầu khí Quốc gia Iran và Nhà sản xuất khí đốt Nga Gazprom đã ký một biên bản ghi nhớ trị giá khoảng 40 tỷ USD. 

Trong chuyến thăm, Tổng thống Nga đã có cuộc gặp với Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei và hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, thảo luận về thỏa thuận nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine tại Biển Đen.

Hội nghị thượng đỉnh ba bên Nga – Iran – Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã diễn ra. 

Phát biểu kết thúc hội đàm, Tổng thống Nga Putin cho biết ba nhà lãnh đạo đã nhất trí tiếp tục tham vấn về vấn đề Syria và cam kết duy trì nỗ lực “bình thường hóa” tình hình tại Syria sau một thập kỷ xung đột.

Trong khi đó, Trang tin tức Middle East Eye đăng tải bài viết bình luận về chuyến thăm Iran của Tổng thống Nga, đặt ra câu hỏi: Vì sao Moskva và Tehran cần nhau hơn bao giờ hết?

Theo bài viết, Iran và Nga tin rằng sự hợp tác song phương sâu rộng có thể dẫn đến các thỏa thuận hai bên cùng có lợi, đồng thời giảm bớt áp lực của các lệnh trừng phạt. 

Tác giả bài viết nhận định, kể từ khi xung đột bùng nổ tại Ukraine, vai trò của Tehran trong ván cờ chiến lược giữa Nga và phương Tây trở nên vô cùng quan trọng, đối với các chính sách an ninh, năng lượng và địa kinh tế của Nga. 

Tổng thống Nga Putin hiện coi Iran là một đồng minh quan trọng trong cuộc đối đầu với phương Tây, nhận định mối quan hệ song phương giữa hai bên là “sâu sắc” và “mang tính chiến lược”.

Kim Ngọc