Thời khắc đen tối nhất của Châu Âu

Sự kiện Nga triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt miền Đông Ukraine” là tiêu điểm trên hàng loạt các trang báo quốc tế. Căng thẳng dường như đã bị đẩy lên một nấc mới sau khi Ukraine tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga, ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Trang The Strait Times gọi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga là "thời khắc đen tối nhất của châu Âu", đồng thời cho rằng cuộc xung đột là cuộc tấn công lớn nhất của một quốc gia vào một quốc gia khác ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2 như lời phát biểu của ông Josep Borrell, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu: “Đây là một trong những thời điểm đen tối nhất của châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.”

Từ “đen tối” được sử dụng trong bài viết để miêu tả cả 2 khía cạnh: người dân và kinh tế.  Hình ảnh người dân tại Kiev xếp hàng dài bên ngoài các cây ATM để rút tiền mặt, và hình ảnh hàng dài người dân xếp hàng tại bến xe bus, được cho là để di chuyển tới các vùng phía Tây của Ukraine, nhằm tránh xa khỏi khu vực giao tranh cho thấy tác động của xung đột lên cuộc sống của người dân. 

Trong khi, viễn cảnh về chiến tranh và các lệnh trừng phạt sẽ làm gián đoạn thị trường năng lượng, hàng hoá, đặt ra mối đe dọa ngay lập tức đối với nền kinh tế toàn cầu, hiện đang phục hồi yếu ớt sau đại dịch. Minh chứng cho nhận định này, tác giả thông tin, cổ phiếu và trái phiếu ghi nhận đà giảm mạnh, trong khi giá đồng đô la và giá vàng tăng vọt. Giá dầu Brent lần đầu tiên tăng vượt ngưỡng 100 USD/thùng kể từ năm 2014. 

Cùng quan điểm lo ngại về tác động dây chuyền đến nền kinh tế thế giới, Trang CNN có bài phân tích chỉ ra 3 nguyên nhân “Tại sao cuộc tấn công mà mọi người đã lo sợ từ lâu của Tổng thống Nga Putin vào Ukraine sẽ làm rung chuyển nước Mỹ và cả thế giới”. 

Nguyên nhân thứ nhất được tác giả chỉ ra là Mỹ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nguy hiểm mới. Không chỉ đối mặt với thách thức về vị thế dẫn dắt trật tự thế giới, Mỹ sẽ phải trả giá cho cuộc xung đột Nga – Ukraine bởi viễn cảnh dễ thấy nhất là gia tăng giá khí đốt và lạm phát. 

Nguyên nhân thứ hai được tác giả chỉ ra là mối lo ngại xung đột lan rộng.

Trước những diễn biến phức tạp hiện nay tại Ukraine, sáng nay, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao gửi lời thăm hỏi và chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine và lưu ý bà con một số vấn đề. Cộng đồng người Việt Nam ở Ukraine cần bình tĩnh, theo dõi sát diễn biến tình hình, thực hiện nghiêm túc những thông báo, hướng dẫn của nhà chức trách địa phương. An ninh, trật tự, giao thông tại một số thành phố có thể bất ổn, vì vậy, kiều bào cân nhắc ở yên tại chỗ, chuẩn bị nhu yếu phẩm, tìm nơi trú ẩn an toàn. Nếu phải di chuyển, đề nghị kiểm tra kỹ hành trang, phương tiện, xăng xe và giấy tờ cá nhân để việc di chuyển được thuận lợi, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản. Kiều bào giữ liên lạc với các hội đoàn người Việt Nam và bạn bè để trao đổi thông tin và giúp đỡ lẫn nhau.

Để nhận được sự hỗ trợ trong trường hợp cần thiết, cộng đồng liên hệ theo số điện thoại/email sau:
Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine:
+380 63 863 8999;
email: vnemb.ua@mofa.gov.vn
Tổng đài Bảo hộ Công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao:
+84 981 84 84 84 ; email: baohocongdan@gmail.com
Tổng đài Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao:
+84 24 38240 401, máy lẻ 0 hoặc 100 (ngoài giờ hành chính) hoặc 141, 269 (trong giờ hành chính); email: vu1.ubnv@gmail.com