Điểm báo quốc tế 24/08: Ukraine sẽ lấy lại Crimea bằng mọi cách

Ukraine sẽ lấy lại Crimea bằng mọi cách; Đức tái khởi động nhà máy điện than thứ 2; Hội nghị thượng đỉnh EU, ASEAN về chuỗi cung ứng; Trung tâm dữ liệu thứ 3 của Google tại Singapore; Trục lợi và đầu cơ trên thị trường lương thực toàn cầu...là những tin nổi bật trên các mặt báo quốc tế ngày 24/8.

UKRAINE SẼ LẤY LẠI CRIMEA BẰNG MỌI CÁCH

Mở đầu phần điểm báo ngày hôm nay là thông tin liên quan đến cuộc xung đột Nga – Ukraine. Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ chiếm lại bán đảo Crimea bằng mọi cách. Hãng Reuters đưa tin.

Tổng thống Zelensky, khẳng định Kiev sẽ “tự quyết định việc này mà không cần tham khảo ý kiến của bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới”. Bên cạnh đó, ông cũng đề cập đến cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân ở Zaporizhzhia. Ông khẳng định nếu các đại diện của IAEA đi qua Crimea bị chiếm đóng, theo luật của Ukraine, “IAEA sẽ không thể đến Ukraine được nữa”. 

ĐỨC TÁI KHỞI ĐỘNG NHÀ MÁY ĐIỆN THAN THỨ 2

Trong bối cảnh nguồn cung khí đốt hạn hẹp, Chính phủ Đức đã thông báo kế hoạch kích hoạt lại nhà máy điện than thứ hai tại nước này nhằm tiết kiệm khí đốt cho mùa Đông tới. 

Hãng tin DW cho hay, nhà máy điện Heyden ở Petershagen, gần thành phố Hanover ở miền Bắc nước Đức, dự kiến hoạt động trở lại từ ngày 29/8 đến cuối tháng 4/2023. Với công suất 875 megawatt, Heyden là một trong những nhà máy điện than lớn nhất ở Đức, vận hành từ năm 1987. Theo quy định mới của Chính phủ Đức, kể từ ngày 14/7, một số nhà máy điện than ở nước này được phép hoạt động trở lại nhằm tạm thời đối phó với tình trạng thiếu nguồn cung năng lượng. 

HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH EU, ASEAN VỀ CHUỖI CUNG ỨNG

Liên minh Châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ lần đầu tiên tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo các nước thành viên vào tháng 12 tới để thảo luận về việc mở rộng hỗ trợ thương mại và cơ sở hạ tầng khi EU tìm cách tăng cường quan hệ với ASEAN. 

Tờ Nikkei dẫn lời một quan chức EU cho biết hội nghị thượng đỉnh này sẽ khai mạc vào ngày 14/12 tại Brussels. Tại hội nghị, EU và ASEAN muốn phát triển chuỗi cung ứng. Đại dịch đã làm đình trệ quá trình nhập khẩu các sản phẩm y tế và linh kiện ô tô vào EU, do vậy khối này dự kiến sẽ cung cấp các thỏa thuận hợp tác kinh tế và viện trợ cơ sở hạ tầng cho các nước Đông Nam Á. EU sẽ khuyến khích các nước Đông Nam Á hoàn thành vai trò chính trong chuỗi cung ứng cho phương Tây, dựa trên ý tưởng "giao hữu" giữa các quốc gia. 

TRUNG TÂM DỮ LIỆU THỨ 3 CỦA GOOGLE TẠI SINGAPORE

Google đã khai trương trung tâm dữ liệu thứ 3 tại Singapore, nâng tổng số vốn đầu tư của công ty dành cho những cơ sở này tại quốc gia Đông Nam Á này lên 850 triệu USD. Thông tin được báo The Straits Times đăng tải. 

Trung tâm dữ liệu thứ 3 của Google tại Singpore hoạt động từ ngày 23/8 nhằm giúp 2,5 tỷ người ở khu vực tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ của công ty. Công ty cũng dự định triển khai thêm các sáng kiến nhằm tăng cam kết với thị trường Singapore sau 15 năm hoạt động tại thị trường này, như chương trình đào tạo trực tuyến cho 50.000 phụ huynh và trẻ em hay hợp tác triển khai sử dụng các công cụ Trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực tài chính, y tế và phát triển bền vững.

TRỤC LỢI VÀ ĐẦU CƠ TRÊN THỊ TRƯỜNG LƯƠNG THỰC TOÀN CẦU

Các nhà kinh doanh ngũ cốc hàng đầu thế giới đang thu về lợi nhuận cao kỷ lục, trong bối cảnh giá lương thực tăng vọt tại nhiều nơi trên thế giới. Đây là kết qủa của tình trạng trục lợi và đầu cơ trên thị trường lương thực toàn cầu. Báo chí thế giới đã có một số bài viết phân tích về vấn đề này.

Theo một bài viết được đăng tải trên tờ The Guardian của Anh, 4 nhà kinh doanh ngũ cốc hàng đầu thế giới, gồm Archer-Daniels-Midland Company, Bunge, Cargill và Louis Dreyfus, được gọi chung là ABCD, đã đạt được lợi nhuận kỷ lục, và dự báo cho tới năm 2024, doanh thu và lợi nhuận sẽ còn cao hơn trong bối cảnh cầu vượt cung như hiện nay. Trong khi đó, Tổ chức Nông lương LHQ cho hay, giá lương thực đã tăng hơn 20% trong năm nay. Dẫn lời Chủ tịch IPES-Food, Olivier De Schutter, nhận định, thực tế này xảy ra vào thời điểm nạn đói gia tăng là một “sự bất công”.  Ông đánh giá thị trường ngũ cốc toàn cầu thậm chí còn “kém minh bạch hơn” thị trường năng lượng, nên có nguy cơ trục lợi rất lớn. Do vậy, một số chuyên gia cho rằng áp thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ là một cách để khôi phục sự cân bằng cho thị trường lương thực và hỗ trợ những người thu nhập thấp. Còn nếu các chính phủ từ chối việc áp thuế, thì cần xem xét các biên pháp khác để kiềm chế giá cả, bao gồm việc giới hạn giá hoặc quy định chặt chẽ hơn đối với giao dịch hàng hóa.

Một bài viết trên trang The Wire có tiêu đề “Đặt cược vào nạn đói: Đầu cơ thị trường đang góp phần gây ra tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu”. Theo tác giả bài viết, giá lương thực đã tăng lên mức chưa từng có trong những tháng gần đây, làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực ở nhiều nước đang phát triển. Bài viết cũng nhận định giá lương thực tăng không thể được giải thích hoàn toàn bởi các nguyên tắc cơ bản của cung và cầu, như biến đổi khí hậu, các tác động kinh tế của đại dịch và hay xung đột. Dẫn kết quả cuộc điều tra “Hunger Profteers” của Lighthouse Reports, bài viết cho hay sự đầu cơ quá mức của các công ty đầu tư và quỹ trên thị trường hàng hóa đã khiến giá cả tăng lên. Điều này đặc biệt ảnh hưởng tới các hộ gia đình nghèo, bất kể ở đâu, tác động thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu. 

Anh Tuấn