Điểm báo quốc tế 23/7: Tổng thống Ukraine nêu điều kiện ngừng bắn

Tổng thống Ukraine nêu điều kiện ngừng bắn; Hàn Quốc cân nhắc bỏ lệnh cấm với truyền thông Triều Tiên; Hải quân Trung Quốc biên chế thêm 1 tàu ngầm; Mỹ phát hiện 2 ca trẻ em mắc đậu mùa khỉ; Đồng USD mạnh và tác động với kinh tế thế giới là những nội dung có trong điểm báo quốc tế 23/7.

TỔNG THỐNG UKRAINE NÊU ĐIỀU KIỆN NGỪNG BẮN 

Tiếp tục chương trình với các thông tin điểm báo quốc tế đáng chú ý. Tổng thống Ukraine vừa lên tiếng khẳng định một lệnh ngừng bắn là điều không thể khi nước này chưa thể thu hồi lãnh thổ đã mất. 

Trang Channel News Asia trích lời ông Volodymyr Zelensky cho rằng, đưa ra 1 lệnh ngừng bắn vào lúc này chỉ khiến cuộc xung đột kéo dài. Theo nhà lãnh đạo Ukraine, một lệnh ngừng bắn trong khi Nga vẫn đang kiểm soát các vùng lãnh thổ của Ukraine, cho phép Nga có thêm thời gian chuẩn bị vũ khí đạn dược, tạo điều kiện cho xung đột mở rộng. Ông Zelensky khẳng định, Ukraine cần phương Tây viện trợ thêm vũ khí, đặc biệt là các hệ thống phòng không, để xoay chiều cục diện hiện nay. 

HÀN QUỐC CÂN NHẮC BỎ LỆNH CẤM VỚI TRUYỀN THÔNG TRIỀU TIÊN

Hàn Quốc đang xem xét việc dỡ bỏ lệnh cấm truyền hình, báo chí và các loại hình truyền thông khác của Triều Tiên, trong nỗ lực nhằm tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia. Tin đăng tải trên Korea Times. 

Giới chức Hàn Quốc cho biết sẽ dỡ bỏ lệnh cấm đã có hàng thập kỷ qua theo từng giai đoạn. Ban đầu, Seoul sẽ cho phép truyền hình Triều Tiên phát sóng và khuyến khích Bình Nhưỡng làm điều tương tự. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng “rất ít khả năng” Triều Tiên có động thái tương tự, bởi việc cho phép nội dung và văn hóa Hàn Quốc có thể là “mối đe dọa lớn” tới chính quyền Bình Nhưỡng.   

HẢI QUÂN TRUNG QUỐC BIÊN CHẾ THÊM 1 TÀU NGẦM

Theo nguồn tin từ South China Morning Post, Hải quân Trung Quốc mới đây đã âm thầm biên chế 1 tàu ngầm mới vào lực lượng tác chiến phía đông của nước này. 

Tàu ngầm mới được cho là có sự cải thiện về tính năng tàng hình. Hình ảnh về loại tàu ngầm này được phát hiện trong một bức ảnh chụp các sĩ quan tại Trụ sở Bộ tư lệnh Hải quân Mặt trận phía Đông tại Ninh Ba,Chiết Giang. Dựa trên các hình ảnh, giới phân tích phỏng đoán đây là loại tàu ngầm Type (Tuýp) 039D, có khả năng mang tên lửa đạn đạo siêu thanh.  

MỸ PHÁT HIỆN 2 CA TRẺ EM MẮC ĐẬU MÙA KHỈ 

Cơ quan Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ mới đây cho biết nước này đã ghi nhận 2 ca nhiễm đậu mùa khỉ đầu tiên tại trẻ em. 

Hai trường hợp trẻ em nhiễm đậu mùa khỉ tại California và Washington DC trong đó có một trường hợp không phải công dân Mỹ. Cả 2 trường hợp đều hiện đang trong tình trạng sức khỏe tốt và đang được chăm sóc y tế. Tuy nhiên chưa xác định được nguồn gốc lây lan song cơ quan chức năng nhận định khả năng virus được lây truyền thông qua các hộ gia đình. 

ĐỒNG USD MẠNH VÀ TÁC ĐỘNG VỚI KINH TẾ THẾ GIỚI 

“Đôla mạnh” là từ khóa được các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính kinh tế cũng như các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Từ đầu năm đến nay, chỉ số đồng đôla Mỹ đã có mức tăng gần 12%. Giá trị đồng đôla Mỹ có thời điểm còn cao hơn cả đồng Euro, lần đầu tiên trong 20 năm qua. Vậy tác động của đồng đôla mạnh sẽ ra sao với kinh tế thế giới? Báo chí quốc tế đã có một số bài viết phân tích.     

Với tiêu đề “Đồng đôla đạt mốc cao kỷ lục trong 20 năm, điềm xấu cho các nhà đầu tư” trên trang Business Insider, một bài báo cho biết đồng đôla đạt đỉnh lần đầu sau 20 năm và đây là một cơ hội tuyệt vời để du lịch đối với người dân Mỹ. Tuy nhiên không phải ai cũng vui mừng vì hiện tượng này. Điều này được tạo ra do tác động của việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất. Theo nhận định của tác giả bài viết, việc đồng đôla trở nên mạnh hơn khiến cho hàng hóa của các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại nước ngoài có giá trị cao hơn song khi họ quy đổi về đồng đôla thì lợi nhuận lại bị thâm hụt.

Thống kê sơ bộ cho thấy các doanh nghiệp Mỹ đem về 30% lợi nhuận từ các hoạt động ngoài lãnh thổ nước Mỹ. Việc lợi nhuận bị thâm hụt trong các hoạt động kinh doanh quốc tế sẽ khiến các nhà đầu tư có tâm lý e ngại và dè chừng từ đó gây ảnh hưởng xấu tới thị trường chứng khoán.

“Một đồng đôla mạnh hơn có thể gây ảnh hưởng xấu đến các nền kinh tế đang phát triển” là nhan đề của một bài phân tích trên tờ The Financial Times. Tác giả bài viết nhận định, các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển chịu sự chi phối nặng nề từ các chính sách tiền tệ của FED. Bài viết cũng nêu ra một vài ảnh hưởng chính của việc đồng đô la có giá trị mạnh lên trong đó có việc gây bất ổn thương mại toàn cầu khi giá trị quy đổi giữa và đôla và các loại tiền tệ khác có sự thay đổi. 

Tác động thứ 2 của sự tăng giá đồng đôla là việc các khoản nợ của các quốc gia đang phát triển sẽ càng mất đi thanh khoản khi giá trị thanh toán ngày càng tăng do sự mạnh lên của đồng đôla. Tác giả bài viết đưa ra quan điểm cho rằng việc đồng đôla tăng giá sẽ kéo theo lạm phát tại các quốc gia đang phát triển, từ đó đưa ra khẳng định rằng sự mạnh lên của đồng Đôla là điều mà các quốc gia đang phát triển không mong muốn nhất lúc này.