Điểm báo quốc tế 19/7: Chính phủ ông Boris Johnson vượt qua bỏ phiếu bất tín nhiệm

Chính phủ Anh vượt qua bỏ phiếu bất tín nhiệm; Nhật Bản, Hàn Quốc sớm giải quyết vấn đề lao động thời chiến; Quá trình Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO lại gặp khó; Nga phạt Google thêm gần 390 triệu USD; Nắng nóng khắc nghiệt – lời cảnh báo của tương lai... là những tin tức quốc tế nổi bật trên các mặt báo trưa 19/7.

CHÍNH PHỦ ANH VƯỢT QUA BỎ PHIẾU BẤT TÍN NHIỆM

Với 349 phiếu ủng hộ so với 238 phiếu chống, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bảo vệ thành công 3 năm cầm quyền của mình khi chính phủ của ông vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Báo The Guardian đưa tin. 

Theo đó, Công đảng đối lập đã kêu gọi thay thế ông Johnson ngay lập tức bằng một thủ tướng tạm quyền cho đến khi người kế nhiệm chính thức được đảng Bảo thủ bầu ra vào đầu tháng 9. Công đảng đã tìm cách tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm sau khi ông Johnson thông báo sẽ tiếp tục giữ chức Thủ tướng cho tới mùa thu và khi có người mới thay thế . Tuy nhiên, Chính phủ Anh đã phản đối. Thay vào đó, đảng Bảo thủ đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ.

NHẬT BẢN, HÀN QUỐC SỚM GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ LAO ĐỘNG THỜI CHIẾN

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho hay, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin và người đồng cấp Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đã nhất trí sớm tìm ra giải pháp cho bất đồng xoay quanh yêu cầu đòi bồi thường cho lao động thời chiến của Seoul.

Báo The Korea Times cho hay, Ngoại trưởng Park Jin khẳng định Hàn Quốc sẽ nỗ lực đưa ra giải pháp hợp lý liên quan đến vấn đề lao động thời chiến và hai bên cũng chia sẻ quan điểm rằng vấn đề này cần được nhanh chóng giải quyết. Cuộc họp cấp bộ trưởng được đánh giá là nỗ lực của hai nước nhằm cải thiện quan hệ song phương theo cách tiếp cận “từ dưới lên”, giải quyết các vấn đề ở cấp độ làm việc. Đây là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa lãnh đạo Bộ Ngoại giao hai nước kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhậm chức.

QUÁ TRÌNH  PHẦN LAN VÀ THỤY ĐIỂN GIA NHẬP NATO LẠI GẶP KHÓ

Tổng thống Tayyip Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chặn đơn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Phần Lan và Thụy Điển nếu 2 nước Bắc Âu này không tuân thủ các điều kiện của Ankara.

Cụ thể, báo Le Monde dẫn lời Tổng thống Erdogan nhấn mạnh sẽ “đóng băng quá trình gia nhập NATO” của Phần Lan và Thụy Điển nếu không thực hiện những cam kết về “chống khủng bố” được đưa ra hồi tháng trước, đồng thời đánh giá Thụy Điển hiện đang “không thể hiện hình ảnh tích cực”. Đầu tháng này, NATO đã khởi động các thủ tục gia nhập cho 2 quốc gia Bắc Âu sau khi đạt được một thỏa ước với Thổ Nhĩ Kỳ.

NGA PHẠT GOOGLE THÊM GẦN 390 TRIỆU USD

Tòa án Nga đã phạt Google 21,8 tỷ rúp (tương đương khoảng 387 triệu USD) do tiếp tục không gỡ bỏ các nội dung mà Mát-x-cơ-va cho là bất hợp pháp.

Hãng tin Reuters đưa tin, Tòa án quận Tagansky đã phạt Google do không hạn chế quyền truy cập kịp thời vào các tài liệu bất hợp pháp trên Youtube. Cụ thể là “thông tin giả mạo về quá trình hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine, làm mất uy tín của các lực lượng vũ trang Nga”. Bên cạnh đó, Youtube cũng đang cho phép những nội dung cổ vũ các quan điểm cực đoan và kêu gọi trẻ em tham gia vào các cuộc biểu tình trái phép. Hiện Google chưa có bình luận về yêu cầu này từ phía Nga.

NẮNG NÓNG KHẮC NGHIỆT – LỜI CẢNH BÁO CỦA TƯƠNG LAI

Nắng nóng khắc nghiệt đang hoành hành tại các quốc gia châu Âu, Mỹ và cả châu Á. Nhiều nơi đã đưa ra cảnh báo nhiệt, khuyến cáo người dân trước những ảnh hưởng của sóng nhiệt tới sức khoẻ và cuộc sống hàng ngày. Theo một số chuyên gia, tình trạng này chính là một lời cảnh báo của tương lai đối với con người. Nếu không hành động ngay lập tức, hậu quả sẽ rất khó lường. Đây cũng là nội dung được nhiều tờ báo lớn đăng tải. 

Với tiêu đề “Sóng nhiệt toàn cầu là lời cảnh báo của tương lai”, bài viết trên báo The Washington Post cho hay, Mỹ, châu Âu hay cả ở châu Á đều đang phải trải qua tình trạng thời tiết khắc nghiệt kéo dài. Theo nhiều chuyên gia, các đợt nắng nóng đang trở nên dữ dội hơn và thường xuyên hơn trong vài thập kỷ qua. Về hậu quả, các đợt nắng nóng gây ra mối đe doạ trực tiếp với nguồn cung lương thực toàn cầu, vốn đang chịu sức ép từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Bên cạnh đó, chúng có liên quan tới một loạt các vấn đề về sức khoẻ và có mối tương quan với tỷ lệ tội phạm, và tỷ lệ mắc các chứng lo lắng hay trầm cảm ở con người.

Trong khi đó, nguyên nhân của tình trạng này được nhiều chuyên gia đưa ra trong một bài viết trên báo The Guardian của Anh với nhan đề “Hành tinh đang cháy: Tại sao các đợt nắng nóng trên thế giới ngày càng dữ dội?”. Bài viết dẫn lời nhà khoa học khí hậu Vikki Thompson tại Đại học Bristol, đã chỉ ra “biến đổi khí hậu” là nguyên nhân chính. Thậm chí, tín hiệu biến đổi khia hậu còn được phát hiện ở số ca tử vong do sóng nhiệt. Trong khi đó, chuyên gia về khí hậu Friederike Otto, thuộc Đại học Hoàng gia London thì khẳng định rằng “biến đổi khí hậu là một yếu tố ảnh hưởng tới các đợt nắng nóng, khiến tần suất, cường độ và thời gian xảy ra trên khắp thế giới ngày càng tăng lên”. Tình trạng này đang trực tiếp đe doạ sức khoẻ con người, gián tiếp làm hỏng mùa màng, gây cháy rừng, …Bài viết cũng đưa ra một số phương pháp nhằm thích ứng với cái nóng gay gắt, chẳng hạn như sơn mái nhà màu trắng để phản chiếu ánh nắng mặt trời, tăng diện tích xanh trong thành phố, thay đổi các vật liệu sử dụng trong xây dựng,… Nhưng đây chỉ là những biện pháp tạm thời. Tác giả cho rằng chỉ có cắt giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thì mới có thể ngăn chặn được sự hỗn loạn khí hậu. 

Ngọc Anh