Điểm báo quốc tế 19/11: Vấn đề tài chính và bồi thường khí hậu chia rẽ thế giới

Tổng tuyển cử tại Malaysia; Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi trừng phạt Triều Tiên; 78% người dân Nga tin tưởng Tổng thống; Tìm thấy dấu vết chất nổ trong vụ rò khí đốt dòng chảy phương Bắc; Vấn đề tài chính và bồi thường khí hậu chia rẽ thế giới...là những tin tức đáng chú ý có trên các báo quốc tế.

TỔNG TUYỂN CỬ TẠI MALAYSIA

Hôm nay, người dân Malaysia đi bỏ phiếu trong cuộc Tổng tuyển cử lần thứ 15, nhằm trao cho các nhà lập pháp một nhiệm vụ mới trong bối cảnh đất nước rơi vào tình trạng bất ổn chính trị những năm gần đây.

Theo Channel News Asia, tham gia tranh cử có 39 đảng với 3 liên minh chính là Liên minh Hy vọng (PH), Liên minh Mặt trận quốc gia (BN) và Liên minh Dân tộc (PN). Các đảng phái sẽ cạnh tranh 222 ghế trong hạ viện để giành quyền thành lập chính phủ. Trước đó, 4 năm kể từ cuộc tổng tuyển cử trước, Malaysia đã thay đến 3 Thủ tướng trong nỗ lực tìm cách củng cố hệ thống chính trị.

TỔNG THỐNG HÀN QUỐC KÊU GỌI TRỪNG PHẠT TRIỀU TIÊN

Tổng thống Hàn Quốc Yun Sấc Yơng đã lên tiếng kêu gọi các lệnh trừng phạt kinh tế cứng rắn hơn đối với Triều Tiên, sau khi Triều Tiên tiếp tục phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Tờ Korea Herald dẫn tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, ông Yun Sấc Yơng đã chỉ thị tăng cường thế trận phòng thủ chung giữa Hàn Quốc và Mỹ, tích cực thực hiện các biện pháp đã được thống nhất giữa 2 nước để tăng cường khả năng răn đe mở rộng. Tổng thống Hàn Quốc cũng ra lệnh cho các quan chức “thúc đẩy sự lên án và trừng phạt mạnh mẽ đối với Triều Tiên, bao gồm cả phản ứng tại HĐBA LHQ, cùng với Mỹ và cộng đồng quốc tế. Những tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên đã phóng thử hơn 60 tên lửa trong năm nay.

78% NGƯỜI DÂN NGA TIN TƯỞNG TỔNG THỐNG

Kết quả một cuộc khảo sát mới được Trung tâm Nghiên cứu Dư luận Nga thực hiện cho thấy, mức độ tin tưởng của người dân Nga vào Tổng thống Vladimir Putin đạt 78%.

Tờ Tass dẫn các số liệu khảo sát cho biết, mức độ người dân Nga tán thành công việc của Tổng thống Putin là 73,7%. Dù hai số liệu này đều giảm nhẹ so với lần khảo sát trước những vẫn ở mức rất cao, cho thấy người dân Nga đặt niềm tin lớn vào ông Putin. Dù vậy, công việc của chính phủ Nga chỉ được 49% số người được hỏi tán thành.

TÌM THẤY DẤU VẾT CHẤT NỔ TRONG VỤ RÒ KHÍ ĐỐT DÒNG CHẢY PHƯƠNG BẮC

Các nhà điều tra đã tìm thấy dấu vết chất nổ tại các vị trí đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc bị hư hại, qua đó xác nhận có hành động phá hoại. Thông tin được CNBC đăng tải.

Theo đó, Cơ quan Công tố Thụy Điển ra tuyên bố nêu rõ, quá trình điều tra phân tích đã phát hiện dấu vết chất nổ trên một số vật thể được thu thập. Cuộc điều tra rất toàn diện và phức tạp, quá trình điều tra đang diễn ra sẽ xác định nghi phạm. Thông tin này củng cố những nghi ngờ trước đó rằng vụ rò rỉ là do bị phá hoại, khi nó xảy ra trong thời điểm căng thẳng về năng lượng giữa Liên minh châu u và Nga.

VẤN ĐỀ TÀI CHÍNH VÀ BỒI THƯỜNG KHÍ HẬU CHIA RẼ THẾ GIỚI

Vấn đề tài chính và bồi thường ứng phó biến đổi khí hậu vốn đã là một vấn đề nóng nhiều năm qua, nay tiếp tục trở thành chủ đề gây tranh cãi xuyên suốt Hội nghị Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu lần thứ 27 (COP27). Cho đến ngày làm việc cuối cùng của hội nghị, các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. 

Tờ The Guardian cho biết, các cuộc đàm phán quan trọng về khí hậu đã kéo dài quá hạn chót mà không đi đến một kết quả nào, khi các chính phủ tranh cãi về cách chi trả cho công tác tái thiết các nước nghèo bị tàn phá bởi biến đổi khí hậu.

Theo đó, Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất thành lập một quỹ đặc biệt để bù đắp những tổn thất và thiệt hại ở các quốc gia dễ bị tổn thương nhất vì biến đổi khí hậu. Dự thảo đề xuất kêu gọi “nhiều bên và nhiều nguồn” đóng góp tài chính và “mở rộng các nguồn tài trợ”, dù không nêu rõ các nền kinh tế lớn nhưng vẫn được coi là “đang phát triển” như Trung Quốc có phải đóng góp hay không.

Đề xuất này nhận được sự đồng thuận của nhiều quốc gia dễ bị tổn thương như Tuvalu, Vanuatu và Palau. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã không lên tiếng phản hồi chính thức, động thái mà The Guardian cho rằng họ sợ “chọc giận” các nước lớn và các đồng minh. Trong khi đó một số quốc gia cáo buộc EU đang cố tạo ra sự chia rẽ trong thế giới đang phát triển.

Cùng chung quan điểm, Politico có bài phân tích cho biết, đề xuất của EU đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới, đồng thời cũng là những nước phát thải khí nhà kính hàng đầu, khi hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 đi đến hồi kết, đặc biệt làm sâu sắc thêm sự chia rẽ với Trung Quốc – quốc gia khăng khăng muốn được đối xử như một quốc gia đang phát triển trong vấn đề tài chính biến đổi khí hậu. Mỹ cũng đã im lặng trước kế hoạch của EU.

Trên thực tế, các cuộc đàm phán khí hậu năm nay diễn ra vào thời điểm các nước đều đối mặt với ít nhiều bất ổn chính trị và kinh tế. Điều này đã khiến các bên đều có quan điểm cứng rắn hơn về các vấn đề như viện trợ khí hậu./.